Vốn sinh sống ở dọc dòng sông Mơ nên người dân ở thôn Tân An, xã An Hòa làm nghề kết bè nuôi hàu biển. Sau Tết nguyên đán là lúc bà con ở đây bước vào vụ thu hoạch hàu sau hơn 10 tháng nuôi.
Chị Nguyễn Thị Hương, một hộ nuôi hàu cho biết, sau khi ăn Tết xong, gia đình chị chèo thuyền ra sông để “vớt” từng xâu hàu lên bán. Những năm trước, mỗi 1 bè hàu được kéo lên đều đạt sản lượng, những năm nay nhiều hộ mất mùa hàu.
“ Gia đình nuôi 2 bè hàu, những năm được mùa, mỗi lần ra vớt hàu lên rồi gỡ ruột ra thu được 15 – 20 kg, tuy nhiên năm nay thì kém một nửa năng suất năm ngoái. Tuy nhiên, giá hàu được giá cao nhất từ trước đến nay, hàu gỡ lấy ruột bán với giá từ 180.000 – 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi năm trước” - chị Hương cho biết.
Mặc dù giá bán cao nhưng do đây là loại đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao nên khách hàng vẫn mạnh tay để mua.
Hàu biển là loại dễ nuôi dưới các cửa sông, cửa biển; sau khi tách gỡ ruột ra, bà con tiếp tục lấy vỏ và xâu thành từng chùm và tiếp tục thả dưới bè. Sau 10- 12 tháng, bà con lại chèo thuyền ra vớt hàu lên. Những năm được mùa, mỗi hộ nuôi thường có mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/vụ.
Với đặc thù sinh sống ở vùng giáp ranh cửa sông, cửa biển nên ở Quỳnh Lưu có hàng trăm hộ nuôi hàu. Nhờ phát triển nghề này, đời sống của bà con được nâng lên.
Hàu biển là loại có giá trị dinh dưỡng đặc biệt đối với sức khỏe nam giới, tốt cho tim mạch, sinh lý, tuần hoàn máu, cơ bắp... nên được xem là vị thuốc bổ dưỡng, nhiều nam giới còn gọi hàu là "thần dược". Hàu có thể ăn tái, hoặc chín, có thể nướng, nấu cháo, súp để bồi bổ..
.