NHỮNG KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Tại Nghệ An, sau khi Chính phủ, NHNN ban hành hệ thống các văn bản về thanh toán không dùng tiền mặt, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị có liên quan để kịp thời triển khai cũng như thúc đẩy hoạt động TTKDTM trên địa bàn.
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, ngày 13/7/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định 2996/QĐ-UBND ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn.
Thói quen thanh toán qua Internet đang dần hình thành trong giới trẻ. Ảnh minh họa Nghệ An hiện có 266 ATM, 1.547 POS, hầu hết các đơn vị hưởng lương NSNN tại địa bàn TP. Vinh và trung tâm một số huyện, thị đã thực hiện trả lương qua tài khoản. Hiện có trên 2.098 đơn vị trên địa bàn Nghệ An thực hiện trả lương qua tài khoản, trong đó có trên 1.396 đơn vị hưởng lương từ NSNN thực hiện trả lương qua tài khoản. Số thẻ đang lưu hành đạt 1.368 ngàn thẻ, doanh số thanh toán qua POS bình quân đạt 77 tỷ đồng/tháng.
Theo thống kê của Nghệ An, hiện có 10.188 doanh nghiệp đăng ký tài khoản thực hiện nộp thuế điện tử. Giao dịch phát sinh thu thuế tại các ngân hàng là 3.500.031 món với số tiền là 151.272 tỷ đồng. Đối với dịch vụ thu tiền điện, tổng thu tiền điện qua ngân hàng phát sinh là 951.745 món, với tổng số tiền là 2.286 tỷ đồng. Dịch vụ thu tiền nước qua ngân hàng phát sinh là 6.807 món, với tổng số tiền 7 tỷ đồng.
Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các ngân hàng đã chủ động phối hợp với các đơn vị (trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện,…) để phát hành thẻ đồng thương hiệu như thẻ ATM kiêm thẻ sinh viên, thẻ gửi xe, thẻ khám bệnh…); với khoảng hơn 16.000 thẻ đã được phát hành.
CẦN THAY ĐỔI THÓI QUEN
Những chuyển biến trong thanh toán không sử dụng tiền mặt ở Nghệ An là đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá chung, tiền mặt vẫn là phương tiện thanh toán chủ yếu hiện nay. Đặc biệt là ở các hộ tiểu thương, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa được quan tâm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó đáng chú ý nhất là thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt của người dân. Thói quen của doanh nghiệp và người dân vẫn tiêu dùng bằng tiền mặt, bởi phương thức thanh toán này nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi.
Người dân vẫn chủ yếu dùng thẻ ATM để rút tiền mặt thay vì thanh toán tại máy POS. Ảnh: Việt Phương Lý do nữa là hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng được. Số lượng các cây ATM, các máy POS được lắp đặt chủ yếu ở khu vực thành phố và tập trung ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… còn ở khu vực nông thôn, miền núi rất ít nên người dân vẫn phải thanh toán bằng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Vân Anh - một giáo viên ở thị trấn Yên Thành chia sẻ: Hệ thống cơ sở hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt ngoài khu vực đô thị còn ít, hầu hết người dân chúng tôi chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại.
“Một số sản phẩm, dịch vụ tài chính chưa được thiết kế để phù hợp với hành vi, nhu cầu của đại đa số người sử dụng, đặc biệt là người dùng ở khu vực nông thôn, nhất là dịch vụ tài chính số, thanh toán qua điện thoại di động".
Chị Nguyễn Thị Vân Anh
Ngoài ra, nhiều người còn tâm lý e ngại tiếp cận với công nghệ thanh toán mới, lo ngại về an ninh, an toàn. Những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là các vụ việc tài khoản của khách hàng bị hack, bị chiếm đoạt,… trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến không ít người khi dùng các dịch vụ thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.
Hoạt động mua sắm tại một siêu thị trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Việt Phương Theo ý kiến chuyên môn của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, muốn phát triển thanh toán không dùng tiền mặt thì phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này; giúp họ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ.
Cùng với đó là hoàn thiện quy trình xử lý giao dịch của ngân hàng theo hướng số hóa, tự động hóa, an toàn và thuận tiện. Kết hợp giữa ngân hàng và viễn thông phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán, chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số…) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác.
Đến năm 2020, Nghệ An đặt mục tiêu:
80% giao dịch nộp thuế tại thành phố Vinh được thực hiện qua ngân hàng; tại Kho bạc Nhà nước tỉnh, Kho bạc tại thành phố Vinh, TX. Cửa Lò, T.X Thái Hòa, TX. Hoàng Mai có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ thu ngân sách Nhà nước;
70% đơn vị trực thuộc Điện lực Nghệ An chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng, phấn đấu 70% số tiền thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng tại địa bàn TP. Vinh, TX. Thái Hòa, TX. Hoàng Mai, TX.Cửa Lò;
70% công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng, phấn đấu 50% cá nhân, hộ gia đình tại TP. Vinh thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng;
100% trường đại học, cao đẳng, 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng;
Phấn đấu 50% bệnh viện tại TP. Vinh chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng; phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội tại địa bàn TP. Vinh, TX. Cửa Lò, TX. Thái Hòa, TX. Hoàng Mai được thực hiện qua ngân hàng.
Thống kê từ Bộ Công Thương, trong 5 năm gần đây, lĩnh vực thương mại điện tử tăng trưởng với tốc độ 25 - 30% mỗi năm với tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử năm 2018 đạt 8 tỷ USD. Tuy nhiên, chủ yếu phương thức thanh toán vẫn là tiền mặt, chỉ 3 - 5% lượng giao dịch sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, với tỷ lệ thanh toán trực tuyến chiếm tỷ trọng rất thấp, đến 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).