Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; Lê Ngọc Hoa - phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; cùng đại biểu các địa phương trên cả nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi.
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, đến thời điểm này, cả nước đã đầu tư xây dựng được 6.648 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 702 hồ chứa lớn. Tuy nhiên, phần lớn các đập tạo hồ chứa thủy lợi đều là đập đất, xây dựng từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Do hạn chế về kỹ thuật và vốn đầu tư, tuổi đời đã quá lâu nên đã xảy ra hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.
Nhiều huyện, xã chưa thành lập được các tổ chức cơ sở thủy lợi quản lý, khai thác theo quy định, lực lượng cán bộ, công nhân quản lý vận hành còn mỏng và không đảm bảo năng lực chuyên môn.
Khẩn trương bố trí nguồn vốn nâng cấp hồ chứa
Tại Nghệ An có 652 hồ chứa nước, tính đến thời điểm này đã sửa chữa được 107 hồ chứa. Số hồ chứa còn lại là hồ vừa và nhỏ, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố khi mùa mưa bão xảy ra. Mặc dù tỉnh có nhiều giải pháp nâng cấp sửa chữa nhưng do kinh phí hạn chế nên công tác khắc phục sửa chữa hồ chứa còn nhiều khó khăn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa đề nghị Bộ NN và PTNT bố trí vốn, hỗ trợ địa phương tu sửa kịp thời các hạng mục, công trình hồ chứa ách yếu, có nguy cơ không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Bố trí vốn để thực hiện công tác kiểm định, lập quy trình vận hành, cắm mốc hành lang bảo vệ công trình, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành. Tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, cho đội ngũ cán bộ, công nhân thủy nông để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình hồ chứa nước.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đại biểu, kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị: Các địa phương phối hợp với tổng cục thủy lợi và các đơn vị thuộc Bộ tổ chức kiểm tra đánh giá hiện trạng các hồ chứa thủy lợi, bố trí kinh phí sửa chữa các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiểu dự án thuộc hợp phần công trình dự án WB8. Cụ thể, trong năm 2019 sẽ nâng cấp hoàn thành 84 hồ chứa. Tăng cường áp dụng công nghệ quan trắc, giám sát, vận hành an toàn hồ chứa.
Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu tăng cường đảm bảo an toàn cho nhân dân vùng hạ du, thông tin đến người dân tác động khó lường của thời tiết, tác động của biến đổi khí hậu. Cảnh báo những nguy cơ có thể phải đối mặt, hướng dẫn người dân cách ứng phó. Tổng cục Thủy lợi cần có tài liệu hướng dẫn đơn giản để giúp địa phương làm tốt công tác truyền thông.