(Baonghean.vn) - 827 lượt học sinh dân tộc Ơ đu tỉnh Nghệ An được hỗ trợ từ Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người, giai đoạn 2010-2015.

Đề án này nhằm tạo điều kiện phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người; góp phần bảo tồn, phát triển các dân tộc và công bằng trong giáo dục. Đề án được áp dụng đối với 9 dân tộc có số dân dưới 4.000 người, theo đó Nghệ An có dân tộc Ơ đu là đối tượng áp dụng  của đề án cùng với các dân tộc: Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao thuộc các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu,  Kon Tum.

images1431252___ng_b_o____u_h_c_ch__d_n_t_c_m_nh.jpgĐồng bào Ơ đu đang học tiếng của chính dân tộc mình. Ảnh: Internet.

Theo đánh giá sau 5 năm triển khai thực hiện, đề án cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học tại các điểm trường có học sinh các dân tộc rất ít người học tập được đầu tư xây dựng; năng lực đội ngũ quản lý và giáo viên dạy học được nâng lên; trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc này được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục tốt, được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt; tạo cơ hội cho các em được học tập với chất lượng ngày càng nâng cao, góp phần thực hiện công bằng trong giáo dục.

Trong 5 năm triển khai thực hiện đề án đã có 13.655 lượt trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người được hưởng chính sách hỗ trợ. (Trong đó: Hà Giang: 1951 lượt em, Lai Châu: 8085 lượt em, Kon Tum: 489 lượt em, Lào Cai: 1064 lượt em, Điện Biên:1239 lượt em, Nghệ An: 827 lượt em). Tổng kinh phí hỗ trợ trên 110 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 10 năm 2015, các địa phương đã xây dựng được 96 phòng học, 86 phòng công vụ giáo viên và đầu tư đồ dùng thiết bị dạy học cho các điểm trường tiểu học có học sinh các dân tộc rất ít người. So với mục tiêu đặt ra, số phòng học được xây đạt 89.72%, số phòng công vụ giáo viên đạt 77,48%. Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An hoàn thành 100% việc xây dựng phòng học, các tỉnh Lai Châu, Kon Tum hoàn thành 100% việc xây dựng nhà công vụ.

Tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh các dân tộc đến trường tăng. Đến năm học 2014-2015, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, cấp tiểu học đạt 99,77%, cấp THCS đạt 98,83%. Nhiều dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo, Bố Y ở Hà Giang, Cống ở Lai Châu, Si La ở Điện Biên, Brâu ở Kon Tum đã huy động đạt 100% học sinh đến trường ở cả 3 cấp học.

Tuy tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học đều giảm so với trước khi thực hiện Đề án, tuy nhiên một số địa phương tỷ lệ học sinh bỏ học vẫn còn cao. Cụ thể năm học 2014-2015 dân tộc Cống ở Điện Biên số lượng học sinh cấp THCS có tỷ lệ bỏ học 6,5%, dân tộc Ơ đu ở Nghệ An  có số lượng học sinh cấp THCS bỏ học 3,3%, cấp THPT 5,5%, dân tộc Rơ Măm ở Kon Tum có số lượng học sinh cấp THPT bỏ học là  6,7%...

T.V (tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN