thong_kednghiep16_37_08_5184373988_252019.jpgSố lượng doanh nghiệp phát triển hằng năm. Ảnh minh họa: Hiền Hòa

Mỗi năm có thêm hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới

Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng lên. Từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100.000 doanh nghiệp thành lập mới. Hai năm 2017-2018 có 258.134 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.

Điểm tích cực trong hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng... góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động; hiện có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.

Kinh tế tư nhân đóng góp lớn trong GDP và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2018, ước tính kinh tế tư nhân đóng góp 42,1% GDP của nền kinh tế và có dấu hiệu tăng lên.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng tạo nhiều việc làm mới; số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế chiếm đa số lực lượng lao động và ngày càng tăng. Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người (năm 2017: 44,9 triệu người). Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới đã tạo gần 2,3 triệu việc làm mới.

Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm). Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40% (năm 2017: 40,6% và năm 2018: 43,27%).

Kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2017-2018, số doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động).

Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3 - 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7 - 34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).

Thu NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh, trên 15%/năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm. Những nỗ lực của Chính phủ trong thúc đẩy phong trào khởi sự kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại kết quả bước đầu. Thu NSNN từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Năm 2018 là năm đầu tiên thu NSNN từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân.

Đóng góp vào thu NSNN của kinh tế tư nhân ngày càng lớn. Từ năm 2016 trở về trước, thu NSNN từ hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30% tổng thu từ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, thấp hơn cả tỷ trọng của DNNN (thấp hơn đến 11%) và tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì tỷ trọng này của kinh tế tư nhân đã vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đóng góp vào tăng thu NSNN cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia.

Bước đột phá về môi trường kinh doanh

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, có được những kết quả trên đây là do môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay là khá hấp dẫn cho đầu tư và kinh doanh; môi trường kinh doanh đang chuyển biến nhanh và cải thiện tích cực.

“Chúng tôi nhận thấy Đảng và Nhà nước coi trọng việc cải thiện môi trường kinh doanh, xem công tác này là khâu trọng tâm, then chốt cho phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP và là nền tảng cho phát triển đầu tư, kinh doanh cũng như thành lập doanh nghiệp” - ông Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều - Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam trao đổi với các phóng viên về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Hiền Hòa

Phân tích rõ hơn, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, thứ nhất, môi trường kinh doanh Việt Nam có thể chế chính trị ổn định không chỉ ở khu vực mà còn có thể nói là ổn định cả ở tầm thế giới. Nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực gần đây xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, xung đột, tranh chấp và nguy cơ chiến tranh thương mại.

Thứ hai, về nhân khẩu học, dân số Việt Nam vẫn ở trong thời kỳ dân số vàng, nhóm dân số trẻ trong độ tuổi lao động tốt vẫn chiếm lệ cao trong cơ cấu dân số. Theo đó tạo nên lực lượng lao động dồi dào và sẵn sàng, là yếu tố then chốt có tính quyết định để các doanh nghiệp, nhà đầu tư xem xét quyết định việc đầu tư, kinh doanh.

Thứ ba, Việt Nam là quốc gia đang phát triển, tốc độ tăng trưởng GDP ở mức trên 6,5% còn rất nhiều dư địa cho đầu tư phát triển, đặc biệt là với dân số hàng trăm triệu người, dân số trẻ và năng động, nền văn hóa cởi mở và thân thiện, dễ chấp nhận cái mới cho nên đã tạo nên một thị trường vô cùng hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp và doanh nhân lớn trong nước mà còn là nơi vô cùng hấp dẫn cho các bạn trẻ, các nhóm lập nghiệp, các nhóm khởi nghiệp kinh doanh.

Thứ tư, Chính phủ Việt Nam gần đây đã nỗ lực và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, cải thiện các chỉ số liên quan đến môi trường kinh doanh, như là điều chỉnh và sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật, chú trọng tập trung cải cách thủ tục hành chính và đã bước đầu thực hiện chính phủ số, văn phòng điều hành không giấy tờ với việc khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong các hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến người dân, doanh nghiệp tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, ý thức, nhận thức việc lập nghiệp, khởi nghiệp chân chính để có công ăn việc làm, có sự nghiệp qua đó lập thân và đóng góp cho xã hội đã bước đầu trở thành thứ văn hóa trong xã hội. Coi kinh doanh tự thân là lẽ sống, là vinh quang đang trở thành xu thế trong xã hội, đại bộ phận trong xã hội dần ngưỡng mộ và xem những người làm kinh doanh chân chính, thành đạt là hình tượng, là tấm gương để học theo. Chính vì vậy đã tạo ra làn sóng lan tỏa, thôi thúc lập nghiệp, khởi nghiệp và phát triển, đầu tư mở rộng kinh doanh, là động lực, chất xúc tác tốt cho thúc đẩy phát triển, cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ sáu, Đảng và chính phủ Việt Nam đã coi trọng và quyết liệt hành động rất cụ thể trong khâu hội nhập quốc tế, thành tựu rất lớn như đã hoàn tất đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đang tiếp tục một số hiệp định FTA với khu vực lớn, đồng thời rất coi trọng việc phổ biến nội dung này tới cộng đồng doanh nghiệp, có sự quan tâm hỗ trợ đáng kể cho doanh nghiệp. Qua đó cũng thúc đẩy cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh.

Để có cái nhìn toàn diện hơn về hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, ngày 2/5, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Tại đây, sẽ có từ 2.000 đến 2.500 doanh nghiệp tư nhân tham gia. Diễn đàn là nơi quy tụ cộng đồng doanh nhân, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời là dịp để Đảng, Chính phủ lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp tư nhân để tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng theo chủ trương, nghị quyết đã đề ra./.