160420-1.jpgMộ đá Antequera, Tây Ban Nha: Ngay bên ngoài thị trấn Antequera, khu mộ đá cổ ấn tượng này là một trong những công trình kiến trúc nổi bật nhất từ thời tiền sử của châu Âu và là ví dụ quan trọng nhất về chủ nghĩa Megalit châu Âu. Khu quần thể này được công nhận là di sản thế giới vào năm 2016. Được xây dựng bằng các khối đá ở thung lũng Guadalhorce trong thời kỳ đồ đá mới. Ảnh: Takashi Images/Shutterstock.
Copan, Honduras: Dù không nổi tiếng như những tàn tích của Maya ở Tikal, Guatemala hay Chichen Itza ở Mexico, nhưng Copan cũng ấn tượng không kém với các kim tự tháp, những bức tượng, đền thờ hay quảng trường công cộng. Nơi đây là địa điểm tìm thấy một trong những nền văn minh Maya quan trọng nhất, hưng thịnh vào khoảng đầu thế kỷ thứ 9 với khoảng 20.000 người sinh sống. Những tàn tích Copan nằm ở vùng cao nguyên phía tây của Honduras, gần biên giới với Guatemala, do một nhà thám hiểm người Tây Ban Nha phát hiện vào thế kỷ 16 và được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1980. Ảnh: James Dugan/Shutterstock.
Thành phố nhà thờ Gammelstad, Thụy Điển: Thành phố nhà thờ nằm ở Lulea nằm ở khu vực Lapland, Thụy Điển được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 1996. Nơi đây là ví dụ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất trên thế giới về ngôi làng của người Scandinavia với hơn 400 ngôi nhà nằm quanh một nhà thờ đá thời trung cổ. Những ngôi nhà nhỏ màu đỏ được xây dựng để mọi người có thể ở lại qua đêm sau khi tham dự lễ ở nhà thờ. Hiện nay, đa số các ngôi nhà đều thuộc sở hữu tư nhân. Ảnh: Pinterest.
Khu khảo cổ Al-Hijr, Saudi Arabia: Al-Hijr là một điểm đến đặc biệt, chứa đựng những tàn tích có giá trị lớn về khảo cổ, lịch sử và là di sản thế giới đầu tiên được Unesco công nhận ở Saudi Arabia, vào năm 2008. Nằm ở giữa Petra và Medina, những tàn tích cổ đại này là khu định cư lớn thứ 2 của người Nabateans bí ẩn. Al-Hijr được coi là minh chứng điển hình về giai đoạn Hậu kỳ cổ đại, nổi bật với 111 ngôi mộ cổ được bảo tồn tốt, có niên đại từ thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ thứ nhất. Ảnh: Amelie Koch/Shutterstock.
Khu phức hợp núi Võ Đang, Trung Quốc: Khu phức hợp này bao gồm các đền thờ Đạo giáo và tu viện nằm trên dãy núi Võ Đang, Hồ Bắc, Trung Quốc. Khu phức hợp núi Võ Đang được Unesco công nhận là di sản thế giới năm 1994, được coi là nơi sinh của Đạo giáo và Thái cực quyền. Ghé thăm nơi đây, du khách có thể tham quan những ngôi đền, xem các màn trình diễn võ thuật hay khám phá cảnh quan tuyệt đẹp của núi Võ Đang. Ảnh: Lim Xiu Xiu/Shutterstock.
Crespi d'Adda, Italy: Italy có tới 53 di sản thế giới được Unesco công nhận, trong đó có những điểm đến thu hút hàng triệu người ghé thăm như Florence hay Rome và cả những nơi ít được du khách biết đến như ngôi làng lịch sử Crespi d'Adda, được xây dựng từ thế kỷ 19 ở tỉnh Bergamo miền Bắc, Italy. Doanh nhân Cristoforo Benigno Crespi là người đã xây dựng ngôi làng bên cạnh nhà máy dệt của ông với mục đích tạo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động. Ngôi làng bao gồm nhà thờ, bệnh viện, cửa hàng, phòng tắm công cộng, nghĩa trang và các ngôi nhà riêng biệt. Ảnh: JohannesS/Shutterstock.
Núi lửa ở Kamchatka, Nga: Bán đảo núi lửa ở Kamchatka có khoảng 160 ngọn núi lửa, trong đó có 29 ngọn núi vẫn còn hoạt động và nổi bật nhất là Klyuchevskaya Sopka, ngọn núi lửa còn hoạt động lớn nhất ở Bắc bán cầu. Bên cạnh đó, khu vực rộng lớn này còn có hệ thống động vật hoang dã phong phú với cá hồi salmonoid, gấu nâu, đại bàng biển, tuần lộc, chó sói, rái cá hay cá voi. Ảnh: GENNADY TEPLITSKIY/Shutterstock.
Berat, Albania: Berat là một trong những thành phố lâu đời nhất của Albania, có khu phố cổ yên bình được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 2008. Đến đây, du khách có thể đi lang thang quanh những con đường rải sỏi của thành phố, ngắm nhìn những ngôi nhà quyến rũ màu trắng dọc theo hướng lên đỉnh đồi Berat, ghé thăm nhà thờ Byzantine thời Trung cổ hay tham quan tàn tích các nhà thờ Hồi giáo được xây dựng từ thời Ottoman. Ảnh: Christian Wittmann/Shutterstock.
Wadi al-Hitan, Ai Cập: Wadi al-Hitan nằm ở sa mạc phía tây nam Cairo, còn gọi là thung lũng cá voi, là nơi tìm thấy bộ sưu tập xương và các hóa thạch của loài cá voi Archaeoceti đã tuyệt chủng. Nơi đây được nhiều người biết đến hơn sau khi được Unesco công nhận là di sản thế giới vào năm 2005. Theo Unesco, đây là địa điểm quan trọng nhất trên thế giới chứng kiến sự tiến hóa từ cá voi thành động vật có vú đại dương. Ảnh: Holger Kirk/Shutterstock.
Đảo Lord Howe, Australia: Nằm cách bờ biển New South Wales 700 km, Lord Howe là một hòn đảo kho báu, được Unesco công nhận là di sản thế giới có thiên nhiên đa dạng với núi, đồi, thung lũng và các loài thực vật, sinh vật phong phú. Hòn đảo có khoảng 75% thực vật nguyên thủy với 241 loài thực vật bản địa, trong đó có 113 loài chỉ có thể tìm thấy ở đây. Bên cạnh đó, nơi đây cũng có những bãi biển đẹp, nguyên sơ cùng các nhiều rạn san hô. Ảnh: Citiestips.