Lớp học đàn tranh Sen Hồng trong một buổi ngoại khóa. Ảnh: NVCC
Hơn nửa năm nay, cứ đến 5h chiều thứ 7 hàng tuần, gian phòng chật hẹp tại khu tập thể C8 Quang Trung lại vang lên những thanh âm thánh thót của tiếng đàn tranh và tiếng cô, trò thủ thỉ, hỏi đáp về những kỹ thuật đàn phức tạp. 5 học trò ở độ tuổi từ 10 - 12 tuổi, gò lưng tỉ mẩn với những thủ pháp, ngón đàn, thang âm, điệu thức còn quá đỗi xa lạ, khiến cô giáo Ngọc Anh không khỏi vất vả trong truyền dạy.
Bận rộn với công việc ở trường, cùng nhiều việc lớn, nhỏ không tên ở nhà, cô Ngọc Anh nói, nhiều phen cảm thấy quỹ thời gian một ngày quá eo hẹp, thế nhưng, vẫn quyết định sắp xếp để dành thời gian cho lớp học đàn tranh.
“Khi mình thổ lộ ý tưởng này, không ít người cũng khuyên là nên thôi, vì đã bận rộn thế rồi còn bày thêm việc làm gì. Tuy nhiên, mình nghĩ, đàn tranh nói riêng và các loại nhạc cụ dân tộc khác đẹp và hay đến thế nhưng chưa có điều kiện để phổ quát đến nhiều người. Một lớp học miễn phí về đàn tranh để giúp các em hiểu biết, từ đó nhen nhóm tình yêu với âm nhạc dân tộc là điều mình có thể làm được, tại sao lại không”? - cô Ngọc Anh tâm sự.
Cô giáo Đỗ Ngọc Anh. Ảnh: NVCC
Việc tuyển sinh diễn ra khá thuận lợi và cho đến nay, các bậc phụ huynh và học sinh đều hào hứng đón nhận, duy trì lịch học nghiêm túc. Chị Thu Hoài - phụ huynh cháu Nguyễn Hà Phương - một học sinh của lớp học đàn tranh chia sẻ, bản thân chị đã yêu thích tiếng đàn tranh và hình ảnh thiếu nữ đàn tranh từ lâu lắm rồi, bởi “dường như cây đàn tranh hội tụ đầy đủ vẻ đẹp và sự hấp dẫn của âm nhạc truyền thống Việt Nam: vừa giản dị, mộc mạc, lại vừa thanh cao, có khí chất”. Thế nên, khi nghe tin cô Ngọc Anh mở lớp học đàn tranh miễn phí, chị liền về hỏi sở thích của con và rất may mắn nhận được sự háo hức hợp tác ngoài dự kiến.
Tham gia lớp học được vài hôm, Hà Phương mê say đến nỗi tự nguyện mở ống tiết kiệm để góp tiền cùng mẹ mua cây đàn tranh cho riêng mình. Thủ thỉ rằng học đàn tranh khó lắm nhưng vẫn yêu thích lắm, đến nay, Hà Phương là một trong những học trò có nhiều tiến bộ đáng khen ngợi của lớp học.
Đến với lớp học đàn tranh miễn phí với tâm lý “thử cho biết”, thế nhưng ít ai nghĩ rằng, chỉ trong vòng nửa năm, sức cuốn hút của loại nhạc cụ dân tộc này lại mang đến những kết quả bất ngờ. Với Thảo Chi - chặng đường từ cô học trò 12 tuổi chưa bao giờ biết đàn tranh là gì cho đến nay đã là học sinh hệ sơ cấp đàn tranh, Khoa Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An là điều em và gia đình chưa bao giờ hình dung đến.
Tiếp xúc với đàn tranh chưa lâu, nhưng cô bé Thảo Chi sớm yêu thích và bộc lộ năng khiếu với loại nhạc cụ truyền thống này. Ảnh: NVCC
Chị Phan Thị Thu Huyền - phụ huynh em Thảo Chi tâm sự, trước khi đến với đàn tranh, Thảo Chi chưa tiếp xúc với bất cứ loại nhạc cụ nào, gia đình cũng không có truyền thống về các bộ môn nghệ thuật. Sau khi đến lớp vài buổi, được cô giáo động viên, khuyến khích rằng có năng khiếu học đàn tranh, gia đình chị Thu Huyền khá bất ngờ.
Thảo Chi tiến bộ nhanh, thẩm âm tốt, và cách đây không lâu, được tin Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tuyển sinh lớp sơ cấp đàn tranh, cô Ngọc Anh động viên Thảo Chi dự thi, và đỗ ngay. Giờ, tuần 3 buổi học đàn, học nhạc lý xen kẽ giữa lịch học văn hóa ở Trường THCS Đặng Thai Mai, khá bận rộn, nhưng cô bé Thảo Chi tỏ ra quyết tâm không để môn học nào bị xuống dốc, cân bằng giữa đam mê đàn tranh và việc học tốt các môn văn hóa.
Học sinh lớp đàn tranh Sen Hồng biểu diễn.
Ở lớp học, các em không chỉ được học về lịch sử, cấu tạo, kỹ thuật chơi đàn tranh mà hơn cả, cô giáo Ngọc Anh “truyền lửa” cho các em niềm tự hào với âm nhạc truyền thống, nhen thêm lên tình yêu quê hương, đất nước.
Cây đàn tranh được xem là cây đàn dân tộc có sức mạnh kỳ diệu, thể hiện được nhiều sắc thái tình cảm. Nỗi buồn như giọt nước mắt rơi, nỗi đam mê thăm thẳm hay sự giận dữ như trận cuồng phong bão tố... đều có thể xoáy sâu vào tâm thức người nghe bằng thanh âm đàn tranh.
Đàn tranh cũng không nỉ non, buồn bã như nhiều người vẫn thường định kiến, trái lại, đàn tranh hiện nay có thể kết hợp được với nhiều loại nhạc cụ khác, chơi được nhiều thể loại nhạc từ jazz, rock, R&B… Tính ứng dụng cao hòa quyện với bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà tạo nên sức hấp dẫn kỳ diệu của cây đàn 16 dây này.
Cô Ngọc Anh cho biết, khi mở lớp đàn tranh miễn phí, cô ấp ủ một khát vọng, đó là các học trò của cô sẽ tự hào mang cây đàn tranh của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè năm châu trên hành trình du học, làm việc trong tương lai.
“Khi bạn bước vào môi trường quốc tế, người ta sẽ không hỏi bạn con nhà ai, bố mẹ bạn làm gì mà sẽ chỉ hỏi là bạn đến từ đất nước nào. Tình yêu và niềm tự hào về Tổ quốc được nhen lên từ những tình cảm chân thành dành cho văn hóa dân tộc - mà âm nhạc là một trong những tình cảm khắc cốt ghi tâm ấy” - cô Ngọc Anh nói, và thổ lộ thêm, trong thời gian tới, nếu có trường Tiểu học, THCS nào có ý tưởng mở lớp dạy đàn tranh, cô sẵn sàng hợp tác giảng dạy miễn phí./.