Nhảy hiện đại, hay còn gọi là nghệ thuật đường phố vừa là bộ môn giải trí, giải phóng cơ thể vừa là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi người thể hiện phải đạt được những kỹ thuật về nhạc lý và độ chuẩn xác của động tác. Vào những năm 2010, khi nhảy hiện đại du nhập trong giới trẻ thành Vinh thì bộ môn này mới chỉ là món "hàng hiếm".
Khi đó Quốc Hùng là một trong những nhân vật được tung hê trên nhiều sân khấu âm nhạc, bởi các bạn trẻ cùng lứa với em không hiểu cậu này học ở đâu mà nhảy bài bản thế.
Tuổi thơ không bình yên
Hùng kể: Cũng không hiểu vì sao em có thể nhảy được khi hồi đó hầu như chẳng có công cụ hỗ trợ của mạng Internet như bây giờ, mỗi khi thấy trên sóng truyền hình những màn vũ đạo của các nhóm nhảy em chỉ muốn nhún nhảy theo và tìm đĩa để về học bằng được. Thế rồi cậu trò nghèo năm ấy đã nhịn ăn sáng để mua những chiếc đĩa chỉ với giá 10 ngàn đồng, về nhà mở đầu DVD để học theo mỗi động tác: “Sau mỗi kỹ thuật mà các vũ công trên đĩa thể hiện em lại bấm dừng hình để học theo, rồi ráp dần thành một tổ hợp động tác”.
Học đĩa, học truyền hình và lâu dần Hùng đã thực hiện được nhiều động tác free-style khó; khi em thể hiện trên mỗi sân khấu, bạn bè đều tròn mắt thán phục. Bởi chỉ mới học vài lần nhưng hầu như Hùng biểu diễn được nhiều kỹ thuật khó của các vũ công xuất sắc. Thời đó Hùng nổi lên như một vũ công chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, sân khấu lớn nhỏ thành Vinh đều thấy em tham gia và “làm đinh” cho mỗi chương trình. Mỗi khi xướng tên Hùng với màn nhảy hiện đại, âm nhạc sôi động nổi lên, ngay lập tức cả khán phòng đứng dậy vỗ tay nhún nhảy theo mỗi chuyển động của em.
Trước khi lan tỏa được tinh thần ấy, thì bản thân Hùng đã trang bị cho mình một cách nghĩ mới về cuộc sống. Bởi trước đó em luôn tự ti, luôn cảm thấy buồn bã khi ai đó kể chuyện vui về gia đình, về sự sum họp, về những chỉ bảo ân cần của người cha. “Bố em đi làm ăn xa rồi có tổ ấm mới, để lại cho mẹ những món nợ chồng chất; mẹ phải bán căn nhà cũ để trả nợ cho bố, 3 mẹ con phải tìm những căn phòng tồi tàn nhất để thuê cho rẻ. Những tháng ngày khốn khó đã khiến 2 anh em em chỉ thu mình không dám chơi với chúng bạn. Em gái em thậm chí bị hội chứng tự kỷ, hầu như chẳng chịu tiếp xúc, chẳng nói chuyện với ai”.
Khó khăn hơn, những ngày tháng mẹ phải gánh gồng nuôi hai anh em mà không nhận được sự hỗ trợ nào của bà nội em. Cái thời điểm phát triển nhất về suy nghĩ và tâm hồn thì em luôn phải chịu những tủi hổ do chính người cha mình mang đến. “Trong khi bạn bè trang lứa có được cuộc sống tinh thần và vật chất đủ đầy thì hai anh em em chỉ có mẹ là điểm tựa tinh thần và nhìn vào mẹ, vì mẹ để phấn đấu. ”- Hùng kể.
Thế nhưng thời điểm mà nhảy đã giải phóng được những suy nghĩ tiêu cực, cho em cái nhìn tươi sáng hơn, nhân văn hơn về cuộc đời thì cũng là lúc hội chứng tự kỷ của em gái em bị nặng hơn, “suốt ngày em chỉ nghĩ cách làm sao để đưa bé Thương Hoài trở về với cuộc sống bình thường, và nhảy chính là phương thuốc, khi em phát hiện em gái em rất có năng khiếu, sẽ là một vũ công tài năng trong tương lai nếu đi đúng hướng”.
Với suy nghĩ đó, Hùng đã miệt mài tìm các bài nhảy từ đơn giản đến những động tác có độ khó cao, cần kỹ thuật điêu luyện để dạy cho em gái mình. Và khi nhảy đã ngấm vào máu, vào những giác quan, em gái Hùng đã dần rời xa được những hội chứng sợ giao tiếp, đã khỏi được bệnh mà không cần phải liệu pháp nào. Và cô gái tài năng Thương Hoài top 6 vòng chung kết của Thử thách cùng bước nhảy chính là học trò đầu tiên của Hùng.
Chính từ động lực ấy mà Hùng đã thu hút được rất nhiều bạn bè em tham gia lớp học nhảy thầy Hùng. Từ những lớp học chỉ 3 – 4 bạn với một chiếc cassece cũ, sàn tập là khoảnh sân nhỏ trước nhà tập thể, lớp học của thầy Hùng dần dần phát triển lên đến hàng chục người. Ban đầu bọn em cứ chọn chỗ nào có mặt phẳng rộng không gây ồn ào như công viên, quảng trường để làm lớp học, dần dà em tìm các phòng trống để thuê khi học viên ngày càng đông. Chính việc ngày càng có thêm nhiều học viên đã khiến Hùng phải suy nghĩ về nhiệm vụ gây dựng phong trào và đào tạo ra những vũ công giỏi hay đào tạo những cây văn nghệ làm nguồn cho các đội văn nghệ phong trào trong các trường học.
Và giấc mơ lan tỏa tình yêu nhảy hiện đại
Khi độ chín về nghề đã được Hùng khẳng định qua những cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam Got Talent, lọt vào bán kết Thử thách cùng bước nhảy 2015 thì cũng là lúc nhiều công ty sự kiện, nhiều đơn vị giải trí ở các thành phố lớn; các nhóm nhảy của vũ công tài năng Johny Huy Trần, mời cộng tác. “Em đã có thể trở thành một vũ công chuyên nghiệp ở những thành phố lớn và có đời sống vật chất tốt hơn, có thể bù đắp cho mẹ em một cuộc sống đủ đầy hơn. Thế nhưng em đã chọn cách quay về, quay về để tìm thấy cho mình một con đường không rực rỡ hào quang, hoa lệ nhưng bình yên, và quan trọng nhất là được ở bên mẹ chăm sóc mẹ khi trái gió trở trời”- Hùng bộc bạch.
Một lý do nữa khiến Hùng chọn cách quay về khi em đã là học trò giỏi của vũ công việt kiều nổi tiếng đất Sài Thành là bởi “càng đi ra em càng thấy khoảng cách về tính phổ cập, số lượng tài năng và phong trào nhảy của các thành phố lớn, quá lớn, vì tất cả những người giỏi, có tài và chịu dấn thân theo nghiệp nhảy thường tìm cho mình “môi trường dụng võ”, vì thế càng ngày tỉnh lẻ càng ít đi những vũ công giỏi, một lòng “tử vì đạo”.
Ước mơ lan tỏa phong trào và ươm mầm những tài năng của Hùng đã thành hiện thực khi học sinh của em là Thạch Tùng, Bảo Nguyên đã là hai tài năng nhí xứ Nghệ đang thời kỳ phát lộ. Và, quan trọng nhất bạn trẻ thành Vinh muốn học nhảy vì đam mê, học sinh muốn được đào tạo năng khiếu đều tìm đến thầy Hùng.
Nhắc đến nhảy hiện đại ở thành Vinh, người ta nhắc ngay đến vũ công Trần Quốc Hùng.