(Baonghean) - Với tôi, sống xa quê, hình ảnh con sông luôn làm tôi thèm tiếc cả một thời thơ ấu, để rồi mỗi lần được gặp người quê hàn huyên, tôi lại quắt lòng bởi nhớ quê hương da diết...
“Qua nửa đời phiêu bạt
Con lại trở về úp mặt vào sông quê
Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ
Che chở con qua chớp bể mưa nguồn…”
Có lẽ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã nói hộ tình cảm của rất nhiều người xứ Nghệ sống xa quê. Nếu ai biết nhà thơ tài hoa này đã từng sinh ra và lớn lên ở một làng quê, bên con sông Bùng xứ Diễn, hẳn đều đồng cảm và sẻ chia với ông qua tứ thơ này. Riêng với tôi, sống xa quê, hình ảnh con sông luôn làm tôi thèm tiếc cả một thời thơ ấu, để rồi mỗi lần được gặp người quê hàn huyên, hay về quê, tôi lại quắt lòng bởi câu thơ đó.
Diễn Châu là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng, những địa danh gắn với các huyền thoại như Thành Diễn Châu - nơi chứng kiến trận đánh quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, thế kỉ XV; Cầu Bùng - cây cầu nằm trên con đường huyết mạch Bắc – Nam, nơi được coi là túi bom trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; núi Mộ Dạ - nơi An Dương Vương được thần Kim Quy mở lối thoát về phía biển khi trốn chạy giặc Triệu. Ngày nay ở phía Bắc chân núi Mộ Dạ gần cửa Tư Hiền còn có mộ của công chúa Mỵ Châu.
Diễn Châu cũng là nơi phát tích của những anh tài, khoa bảng. Ở Diễn Châu
Nói đến Diễn Châu là nói đến một vùng đất phong cảnh hữu tình. Sách xưa đã từng liệt kê trong số 8 cảnh đẹp của “Đông Yên Nhị Châu” (vùng đất thuộc tổng Yên Thành xưa) thì có 6 cảnh đẹp thuộc về Diễn Châu, đó là: Dạ Sơn Linh Tích (Dấu thiêng núi Mộ Dạ - thuộc xã Diễn An), Cao Xá Long (gò rồng Cao Xá), Bùng Giang Thu Nguyệt (tràng thu trên sông Bùng), Bích Hải Quy Phàm (cánh buồm về cửa Bích), Thiên Uy Thiết Cảng (kênh sắt oai trời), Diễn Thành Thạch Bảo (thành đá phủ Diễn Châu). Tao nhân mặc khách thuở nao đã luôn phải động lòng trước Bích Hải Quy Phàm (cửa Vạn ngày nay). Họ từng phải thốt lên:
Phủ hám Bùng giang cổ độ đầu
Nhất luân minh nguyệt cáp phùng thu
Trùng trùng quế phách hàm giang trữ
Trạm trạm kim hàn tẩm bích lưu.
Có nghĩa rằng:
Cúi đầu nhìn xuống bến đò cũ sông Bùng
Một vầng trăng sáng quắc, ấy chính là buổi đang thu
Phách cây quế trong suốt đến đáy cả bến nước
Chiếc mâm vàng trong trẻo ngâm dưới dòng xanh...
Đến Diễn Châu, không ghé thăm cửa Vạn hẳn đó sẽ là một tiếc nuối. Đứng ở Cửa Vạn nhìn ra Biển Đông với bao la bát ngát của trời, của biển, với nắng và sóng, bạn sẽ nhận ra hồn vía của cả một vùng văn hóa Xứ Diễn. Văn hóa xứ Diễn vừa có nét đặc thù của văn hóa Xứ Nghệ - miền Trung, vừa có sắc thái riêng khiến người ta phải ngạc nhiên. Giọng nói của người Diễn Châu âm điệu khác hẳn với giọng nói của các vùng miền khác ở Xứ Nghệ. Dân Diễn Châu “Ăn to nói lớn”, “Bụng dạ thẳng tưng”, quý người và không để bụng. Họ cần cù, chất phác, chịu thương, chịu khó cho nên đi đâu cũng sống được. Tính cần cù, “thắt lưng buộc bụng”, cộng với sự ham học hỏi đã làm nên thành công của người Diễn Châu khi bước ra cuộc sống. Có lẽ uống nước sông Bùng, tắm phù sa của sông Bùng, cư dân ở đây trong cách ăn, cách nói, nếp nghĩ, nếp làm đều mang “cái gu” khó trộn lẫn.
Không rộng dài, kỳ vĩ như sông Hồng, sông Mã, cũng không thơ mộng như sông Hương… Sông Bùng cứ lặng lẽ chảy giữa đôi bờ xứ Diễn và tạo dựng nên một vùng miền văn hoá rất đặc trưng - vùng văn hoá mang khí thiêng của “lèn Hai Vai- sông Bùng”, trong cái mạch nguồn văn hoá “Sông Lam - Núi Hồng” xứ Nghệ.
Với lợi thế của một vùng đất mà một bên là dải đồng bằng trù phú, màu mỡ, một bên là biển Đông. Cùng với điều kiện tự nhiên cũng ưu ái cho người Diễn Châu, vùng đất được coi như một tiểu vùng không bị ảnh hưởng nhiều của gió Lào (Do có núi Mộ Dạ nằm ở phía Nam nên gió Lào về tới đây bị chặn lại), khiến cho khí hậu Diễn Châu “mát mẻ” hơn so với các vùng miền Trung Bộ khác. Tất cả những điều đó làm cho Diễn Châu được coi là vùng đất “đủ đầy” hơn so với nhiều khu vực khác ở xứ Nghệ.
Hiếm có một dải đất nhỏ hẹp nào lại tập trung nhiều nghề truyền thống như ở Diễn Châu. Đất Diễn Châu với nhiều nghề truyền thống như: luyện thép ở Nho Lâm (Diễn Thọ), dệt vải ở Phượng Lịch (Diễn Hoa), nghề mộc ở Tràng Thân (Diễn Phúc), nước mắm Vạn Phần (Diễn Vạn), nón lá Diễn Đồng, đẽo sò ở Diễn Thành…Cùng với việc duy trì những làng nghề truyền thống, giờ đây Diễn Châu xuất hiện nhiều làng nghề mới theo chuyển dịch cơ cấu kinh tế như chuyên canh cây lương thực Diễn Kỷ; dâu tằm tơ Diễn Kim; bún bánh Diễn Quảng; chế biến hải sản Diễn Bích, Diễn Ngọc; chổi đót Diễn Đoài; đúc đồng, nhôm Diễn Tháp…
Ngày nay, cùng với các vùng miền khác của cả nước, kinh tế của huyện Diễn Châu ngày càng phát triển. Trong dòng chảy của thời kỳ hội nhập, nhưng những bản sắc văn hóa của người dân đôi bờ sông Bùng vẫn không bị nhạt phai. Người Diễn Châu đã, đang và sẽ tạo ra nhiều huyền thoại. Khí thiêng của lèn Hai Vai – sông Bùng luôn tạo ra những con người như thế.
Bất chợt tôi lại…
Gửi hồn neo đậu bến quê
Bao nhiêu xa ngái dồn về một nơi
Sông quê bên lở bên bồi
Để tôi mang nợ cả đời với quê.