Bến Thượng Lưu đương lúc ngổn ngang. Những cỗ bè cập bờ giỡ lên gỗ lạt, nhà cửa, chõ, cối gỗ, mâm mây, trâu, lợn, lên luôn cả luồng đóng bè. Mặt vợ ủ ê, con mệt mỏi, còn chồng khản cổ mặc cả không thể hạ giá một chuyến xe tải nặng về Thanh Chương xuống dưới bẩy triệu. Những bì thóc của mùa gặt cuối cùng chất nghễu nghện, nay mai sẽ gieo xuống đất mới. Đáng xem nhất với người dưới xuôi lên có lẽ là mấy mâm rêu đá phơi đã tai tái, nhìn như những lọn tóc rối nhuộm màu xanh tươi. Có lẽ đấy là món ăn rừng núi cuối cùng mà người đàn bà Thái có thể dọn cho chồng con ở dưới ấy, chốn bán sơn địa.

Mươi hộ kết bè buôn bán những vật dụng cần thiết cho người chuyển nhà: thừng ni lông, mì tôm, trứng, mà gì cũng đắt: bao vina mười lăm nghìn, can xăng hai mươi lít ba trăm rưởi. Xe khách ra thị trấn Hoà Bình cũng vậy, xuống giữa đường, vé ngồi hay đứng đều "đồng hạng" ba chục, chen lên được vẫn khó.

762937_small_53117.jpgTác giả tác nghiệp ở bản Thái Chà Coong

Chuyển nhà là vất rồi. Dời khỏi chốn núi rừng đã ở từ bao đời để về nơi xa, lại còn bao nhiêu nỗi nữa, làm gì mặt người chả đăm chiêu. Công cuộc xây dựng Nhà máy thủy điện Bản Vẽ 320 "mê" lớn nhất Bắc miền Trung cần con hồ tỷ tám mét khối nước, đòi hỏi bao nhiêu hy sinh của các tộc người sống quanh dòng Nậm Nơn. Chuyến đi của chúng tôi, những nhà báo "đến từ Hà Nội" vì thế cũng tiềm ẩn những thách thức về nghề nghiệp...

Biết vậy, mà khi rời bến Thượng Lưu, tôi lại có cảm giác của một khách du lịch. Sướng chứ, xung quanh là không gian thoáng rộng, mùi nước ẩm, mùi rừng thơm nồng nàn, cánh bói cá chao lượn rồi cắm phập xuống đến là khó lường. Bỏ lại đằng sau con đập thủy điện đang tiến đến "trình" 135 mét, vào loại cao nhất thế giới để tạo sức nước thật lớn cấp cho hai tổ máy Dongfang to đùng bên dưới. Đập dẫn nước trên cao, đập tràn bên dưới, nhà tua bin, nhà điều khiển..., công trình nào kích cỡ cũng vĩ đại nhưng đều đang ngập trong bụi. Đứng trên cao nhìn xuống, xe, máy như con cào cào, còn công nhân, mặc áo vàng, chỉ bé tựa con kiến; một đàn kiến cần mẫn biết việc, "con" nào cũng làm cho mục đích chung.

Bỏ lại đằng xa nữa là Cửa Rào, xưa là phủ lỵ Tương Dương, nơi "hai anh em" Nậm Nơn và Nậm Mộ gặp nhau, rủ nhau về xuôi hoà vào dòng Cả. Sông Lam được ví như con rết khổng lồ tạo từ những cái "chân" như thế.

Năm ngoái tôi đến Sìn Hồ (Lai Châu), bản tin thời tiết trên tivi hay nhắc là điểm lạnh vào loại nhất nước, thì hôm nay đang Cửa Rào, cũng thường "được" nhắc nhưng ở cực ngược lại, vừa nóng vừa dao động lớn giữa ngày và đêm. Ngoài kia, ngoài Hoà Bình, nơi sáng qua tôi ngồi ngoài chợ thị trấn uống rượu nhắm lòng non, ram và bánh mướt, khí hậu đỡ khắc nghiệt hơn, chắc thế. Hoà Bình còn xe tải chở gỗ, cứt trâu trên "đại lộ", bà già Thái chào mua mắc khén ba nghìn một bó, tức đỡ bị pha phách hơn nhiều huyện lỵ miền núi khác. Nhưng ngoài chợ lại bày bán bộ bàn - mâm nhôm chế dưới Hưng Nguyên theo kiểu dáng bộ bằng mây của người Thái, vừa đắt vừa thô kệch hơn bản gốc. Sao lại có thể vậy? Nhưng mà cái cán bộ miền xuôi ơi, cái đồng bào không hẳn đã cần những thứ các anh muốn thấy, dù sao các anh cũng chỉ tản bộ tản thuyền thoáng qua thôi ý mà...

Con thuyền chở chúng tôi thân mảnh dài, mũi vắt cao để tránh sóng và đá ngầm, rất giống loại đuôi én trên sông Đà Tây Bắc, chỉ thiếu con chó và chiếc lồng gà treo đằng đuôi. Nhưng hình ảnh những đàn ông Ơ Đu, Thái đi săn ở đây cũng gắn với chó - để đánh hơi gà rừng - và gà trống, để báo thức.

Nếu là độc mộc, chắc con thuyền sẽ như từ chiếc trống đồng Ngọc Lũ của người Lạc Việt cổ "bước ra". Có lẽ là vì vậy, càng đi, tôi càng có cái cảm giác mình đang chìm vào một không gian huyền thoại, nơi thực và ảo, hiện tại với quá khứ cứ trộn lẫn, lừa mỵ, khiến lâng lâng, thoát tục. Lại nữa, bên cạnh là Nguyễn Thị Nga, cô giáo mầm non từ Tam Quang lên cắm bản, đi về nhà thuyền thường không lấy tiền. Nga giở cái chân váy dệt sặc sỡ ra khoe, líu ríu hồn nhiên: "Hôm đến nhận trường, xuống thuyền không ai đón, em ngồi khóc, anh ấy an ủi rồi nhờ người dắt về tận nơi. Nhà anh ấy trên đường từ trường xuống bến, em hay ghé lại, rồi yêu nhau, sắp cưới. Bố anh ấy đào lò vàng, nhà có đèn khò phân kim, hay cho tiền mỗi lúc em đi về, nên lương cô giáo mới ra trường không đến nỗi. Rồi đây thành dâu bản Thái, em sẽ mặc váy có chân".

Xuôi dòng Nậm Nơn về nơi ở mới

Giữa những chuyện rất thực tế ấy, lại là bao câu như từ thần thoại bước ra, từ thinh không đỗ xuống. Em về Kim Đa cùng anh / Vàng treo, chỏm vú em thành vợ ta. Tương Dương là vùng đất của người Thái, Khơ Mú, Tày Poọng, Ơ Đu, Mông, vàng sa khoáng không nhiều nhưng khai bằng lò, bằng thuyền vẫn ra. Còn một thứ vàng nữa, tuổi có thể già như vầng trăng soi trên Nậm Nơn, Nậm Mộ, là các truyền thuyết, thần thoại ghi ngay trên tên những hang, hòn, đỉnh, khe, thác, ghềnh... "Thần thoại họ trong trẻo, những thất vọng vô bờ đều dính đến tình yêu chứ không lắm mưu mô tính toán tranh giành như cổ tích Kinh", anh bạn tôi ở Hội Văn nghệ Nam Định thốt lên. Không rành lắm câu ấy, tôi lại rưng rưng với dòng nước, cái hình ảnh in có lẽ trong tất cả các chuyện.

"Gái quý của anh ơi, em yêu hỡi, nhớ vừa đi vừa ngắt lá ngồi trông nhé! Vừa đi vừa ngắt lá ngồi chờ! Ngồi chờ anh một chút rồi cùng chung đường về!". Câu xuối ấy của tạo Văng Tan họ rồng hát cho nàng Văn Của người trần nghe, là dòng tình gái trai. Tình tan hoá thành hòn Tạc Pha. Còn đá Còn Phạ Phà có vết nứt lại ghi tình cha con: cha để con trên đá rồi xuống sông gội đầu, lên thì đã mất, trời thương chém đá ra cho xác nổi lên.

Cạnh dòng tình là dòng đạo lý. Nhạn Mến (ghềnh Hốc), Nhàn Pó gắn với chuyện bố chồng ở đêm trên bè đòi con dâu cho "nọ kia", đôi bên vật lộn rồi ngã xuống sông, xác trôi về ghềnh ấy, bè mắc vào bãi ấy. Chuyện nàng Hửa Điếu Kay Điều có triết lý và vài mô típ hao hao Tấm Cám dưới xuôi: chàng Tạo bị quỷ (cái) giết vợ để thế vào chỗ ấy, bèn lập mưu đẩy quỷ xuống bãi chông, cứu được vợ. Quỷ đã chết vẫn "trêu", Tạo đem đầu vứt ra sông, tóc biến thành rêu "cay phỏn" tanh lòm không ăn được. Quan niệm ác giả ác báo ở đây rất rành mạch, hẳn là không ai "quy kết" cách báo thù làm mắm con cho mẹ ăn là "độc ác" như có người dưới xuôi đã đổ cho cô Tấm.

Thuyền ngược dần vào khung cảnh ngày một hùng vĩ. Đá con trâu con voi chất ngất. Những đỉnh núi phải ngửa đầu mới ngắm được lọn hoa đỏ tươi. Ghềnh thác xuất hiện. Tốt ngày, bè chở nhà cửa đến chỗ định cư mới khá nhiều. Đang mải nhìn đàn bà Thái trần nửa mình dưới nước mà nghĩ câu "Đệ nhất Lai Châu măng đắng tắm truồng", thì thuyền đã đỗ lại.

Chà Coong thuộc Hữu Dương, xã cùng với Kim Đa, Kim Tiến, Luân Mai xĩ xoá tên khi nước ngập. Nằm giữa Nậm Nơn và núi Lẳng Bàn Bản, bản Thái "toàn tòng" này hẳn trước đây rất nhộn nhịp. Đất khá dốc, khúc khuỷu, mái nhà dưới kề nền nhà trên, chắc đàn ông đàn ang nửa đêm uống xong mò về chỗ có hơi vợ không dễ. "Chà Coong xì sẳn, sảm huôi" tức Chà Coong bốn gò ba suối, từ núi vào sông có ba suối Mây, Hơ Sở, Khắm Coỏng chảy qua bản; tạo cái "thế" lưu thông tốt lành như quan niệm của người Kinh chăng?

Bản đang râm rịch vì "trận" di dời. Đa phần đã đi về vùng bán sơn địa dưới Thanh Chương. Số còn lại thì dỡ nhà ra, dựng lán ở tạm, đợi gặt xong, thu thóc rồi xuôi. Dưới sông, bè bương san sát chất đủ bầu đoàn. Cũng có gia đình chưa thông khoản đền bù, nhà còn "nguyên đai nguyên kiện". Vườn và ao không có chỗ, tức là hành sả lá mơ với cá để quăng chài đãi khách thường để cả trên đồi. Chúng tôi đến Chà Coong vào lúc "đàn kiến" đang chạy nước, không phải lên cao liền kề mà đi rất xa, không phải lúc rồi. Nhưng con người nơi đây vẫn cố hồ hởi mời rượu gạo nhắm quả cọ om, đọt cọ luộc, kể cho đám khách ơi hỡi những thần bí xa xưa. Câu chuyện không khỏi rơi vào thập thõm.

Rằng xưa đất này gọi là Coỏng Cắm - bản Đống Vàng. Mạch đá cong Pù Bâu chạy sâu xuống sông như nhịp cầu một dạo tìm thấy những khuôn đúc bằng đất, để đúc vàng thành khối chăng? Tên bản hoành tráng quá làm dân e, lúc thất bát đi xin nơi khác khó coi lắm, bèn đổi thành Chà Coong. Người Thái đây gốc Sầm Nưa bên Lào, mới sang Việt Nam ở Quế Phong, di về đây được tám chín đời rồi, mấy tiếng "xa ma khi" đã đổi thành "đoàn kết". Đàn bà trồng bông dệt vải, thêu chân váy, có chồng cũng búi tóc ngược lên chỏm nhưng không to tướng như cái "tằng cẩu" của Thái Tây Bắc. Đàn ông quăng chài, đi săn, thổi khèn bè, người già thảng hoặc kể lại thần tích, hát Piêng Con ca ngợi bản mường cho con cháu.

Rằng xưa nữa là đất người Ơ Đu. Vua Ơ Đu gả con gái cho con vua người Kinh, bị thằng rể quỷ quyệt lập mưu đuổi đi, đa phần chạy về Kim Đa. Cả đất nước Việt chỉ có quãng 600 người Ơ Đu đều sống ở Tương Dương, vẫn tính là một trong 54 dân tộc. Chân chất đến thảo mộc, họ ham vui vô cùng, cưới hỏi hay mừng nhà mới cứ dập ống bương xuống sàn múa hát hết đêm được. Trước nguy cơ mai một, để bảo tồn, một lớp dây tiếng Ơ Đu cho người Ơ Đu đã được tỉnh, huyện mở ra, kẻo rồi những chăm phtroong trmây - hội đón sấm - chỉ còn trong bảo tàng.

Rằng ngày hôm nay di dời, thể nào cũng phải di dời thôi, thì lắm đỗi lắm nỗi quá...

Chuyến trở ra của chúng tôi, sau một đêm Chà Coong thập thõm như thế, không thanh thản như lúc vào. Trôi qua những cỗ bè trâu đứng cạnh cối gỗ, những ghềnh thác, núi non khe lạch sắp trở thành không tên. Bến Thượng Lưu nêm chật người di dời, càng đi muộn công chuyển càng leo. Con cái họ, ai sẽ trở về chốn cũ với "cảm quan" du lịch như tôi? Giữa những gương mặt mệt mỏi có người hỏi có mua nhà sàn không? Tôi không mang nhà sàn về phố thị chơi "hơi rừng", mà đang nhớ đến bến nước giữa đường. Chả bao lâu nữa không còn bước chân đi lại, rồi thì cỏ sẽ mọc lên.


Hoàng Định