Thành phố vươn dậy và phát triển nhanh chóng sau chiến tranh. Hôm nay Vinh đã là đô thị loại 1. Và, tìm hiểu hôm qua để biết, để tin ngày hôm nay cũng là một cách thể hiện tình yêu Thành phố Đỏ. Trên chuyên trang "Thành phố Vinh", Báo Nghệ An xin trích giới thiệu nhật ký của nhà báo Đặng Hồng Nam (hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nhân của Hội NHNT Nam Định) về một thời gian khó, vật lộn vươn lên của Vinh...
Ngày 2 - 4 - 1977
Lúc trên tàu Cương nói với tôi một câu khôi hài: "Người ta được thả xuống giữa cánh đồng và được nói rằng đấy là ga Vinh".
Ga Vinh, quả thật như thế, cũng giống như rất nhiều cái ga ở miền Bắc này chỉ là một bãi đất rộng ngăn cách với những ruộng lúa xung quanh bằng một hàng rào thép cũ rỉ lùng nhùng, vài miếng xác ô tô hỏng rỉ đen thủng lỗ chỗ. Đâu đấy một vài cái nhà tranh hoặc nhà xây một tầng thấp lè tè. Khách xuống ga mang theo nhiều hành lí cồng kềnh, ba lô, quang gánh xốc xếch lôi thôi.
Bến xe gần đấy, cũng chỉ là bãi đất xám xịt không có cây cỏ gì, vài cái nhà tranh vách toàn bằng phên nứa xếp tùy tiện, một cái cửa hàng ăn mới xây nhưng đã có vẻ rất cũ vì nhà thấp dường như không quét vôi, lại xây xung quanh một bờ tường thấp lùn và vuông chành chạnh. Đường nhựa nhưng lồi lõm và đầy đất bụi, rác rưởi. Bến lúc này không có mấy xe, chỉ có cái Ba Đình kẻ xanh nhạt cọc cạch đậu ven đường và vài cái Renaul sơn đỏ vàng cũ rích từ Huế ra, bé và gù gù như con bọ hung.
Hồi xưa đã có lần đơn vị Cầu 1 thuê mấy cái xe này chở công nhân vào Truồi, anh em đã phải kêu lên vì nó hệt như cái xe đám ma, ấy thế mà chạy cũng nhanh mà êm ra phết.
Trong cửa hàng lỏng chỏng những chiếc bàn mặt đá và ghế đẩu cũ kĩ ; có vài người đang ngồi ăn, tôi đến xem và tỏ vẻ ái ngại với mấy người bạn vì trông bát cơm rời và nguội, thức ăn chẳng có gì nhưng thật ra ngoài cơm năm hào thì chả có gì rẻ hơn và chắc dạ hơn.
Trong lúc chúng tôi còn trù trừ thì khách hàng bỗng chốc kéo đến đông nghẹt cửa bán vé. Khó khăn chen chúc một lúc mới lấy được vé cơm và còn lâu hơn thế mới lấy được cơm ra. Giao hàng cơm chỉ có một người, chị ta chậm mà phải làm tất cả những việc từ lấy bát đến xúc cơm, múc canh, thu vé. Người được nhận hàng đầu tiên mang ra bị xô đổ mất bát canh xuống cái bàn gần đấy, bát vỡ, canh bắn tung tóe, người ướt quần áo đứng dậy càu nhàu. Mỗi suất cơm được một bát cơm và một ít phở nguội lạnh, có lẽ bị bán ế nên họ giải quyết bằng cách ấy thay thức độn, một bát canh xu hào còn âm ấm có mấy miếng thịt bò.
Ăn vội vàng, quấy quá chúng tôi xách hành lí đi theo con đường đất đá gồ ghề về Ty Văn hóa. Chúng tôi gặp những cô gái đạp xe trên đường, những cơ quan nứa lá ngổn ngang, những khóm tre, vườn cây ruộng lúa, những quán nước sơ sài núp dưới bóng cây. Lúc này chiều đã xuống, tới một con đường đầy vết ô tô đi, cây cối rậm rạp như trong làng, Hòe chỉ mấy cái ô tô đậu đằng xa và bảo Ty Văn hóa ở đấy. Lúc này chúng tôi đã thấy được những ánh đèn thấp thoáng, thấy cột ăng ten cao cao, và xa hơn là khu nhà sáu tầng mang mầu vôi mới rất đẹp. Khu xây dựng đấy, phố Quang Trung do Đức giúp ta đấy, trông thật bề thế, thích thật.
Chúng tôi đến cái cổng thành cũ, hai bên là ao nhỏ cạn nước, Hòe bảo đấy là hào ngày trước. Vừa nãy chúng tôi gặp bia tưởng niệm, lăng Đội Cung. Lăng Đội Cung cũng đặt trước cổng thành cũ. Con đường đất đá gồ ghề, hai bên là cây cỏ và bãi đất, chúng tôi vui sướng thấy mình đi vào vùng đất của những di tích và biến cố lịch sử...