Mộc bản triều Nguyễn vừa được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới, sẽ được dịch và in thành sách.
Ngày 3/1, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tổ chức đón nhận bằng di sản tư liệu thế giới cho tài liệu mộc bản triều Nguyễn. Mộc bản là một trong những loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Bằng di sản này được đại diện Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) và UNESCO chuyển giao cho Trung tâm lưu trữ quốc gia IV (2 Yết Kiêu, Đà Lạt, Lâm Đồng), sau khi tổ chức UNESCO trao cho Cục Văn thư và Lưu trữ vào ngày 16/12/2009 tại Hà Nội.
Bà Phạm Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV cho biết, mộc bản triều Nguyễn là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ cách nay gần 200 năm, để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, có giá trị cao phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam thời cận đại.
Phần lớn tài liệu mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam tập trung ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Trung tâm này được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản và tổ chức khai thác sử dụng một khối lượng lớn tài liệu mộc bản triều Nguyễn, gồm 34.618 tấm với 55.318 mặt khắc.
Ngoài giá trị đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam, tài liệu mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị khi tìm hiểu lịch sử và văn hóa các nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Bồ Đào Nha…
Từ năm 1960, mộc bản triều Nguyễn được chuyển từ Huế vào Đà Lạt bảo quản ở chi nhánh Văn khố Đà Lạt. Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, vì nhiều lý do, mộc bản không được quan tâm đúng mức, có lúc bị ngâm dưới hầm nước ngập 45cm, khiến cho những mộc bản này bị xuống cấp trầm trọng. Từ năm 1975, mộc bản được chuyển về Cục Lưu trữ Phủ Chủ tịch, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý.
Từ năm 1976, mộc bản được chuyển về Cục Lưu trữ Nhà nước (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước). Từ năm 1988 trở về trước, mộc bản được bảo quản tại tòa nhà Dòng chúa Cứu thế. Sau năm 1988, mộc bản được chuyển về khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV).
Theo tài liệu để lại, gỗ dùng để khắc in mộc bản triều Nguyễn là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng với thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên tài liệu mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo, với mỗi nét chữ như rồng bay phượng múa. Mỗi tấm mộc bản không chỉ là một trang tài liệu quý có giá trị lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Bà Phạm Thị Huệ cho hay, để bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của khối tài liệu quý hiếm này, trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sẽ tăng cường nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thích hợp để kéo dài tuổi thọ của mộc bản, cũng như dịch và xuất bản các bộ sách trong khối tài liệu này.
Đồng thời, trung tâm cũng xây dựng một phòng trưng bày riêng biệt, giới thiệu tài liệu mộc bản triều Nguyễn với các nhà nghiên cứu, với du khách trong nước và quốc tế; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ để đáp ứng nhu cầu bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu quý giá này.
Theo VietNamnet