(Baonghean) - Nhiều lần, tôi ứa nước mắt nhớ lại những bữa cơm gia đình ấm cúng, nhớ cách bố mẹ ân cần chăm sóc nhau, nhớ những bát cơm mẹ xới bao giờ cũng đầy vun và cả cười động viên tôi ăn bằng hết, mặc những vùng vằng, phụng phịu của đứa con gái hay hờn dỗi. Suốt cả cuộc đời này, dù làm gì, ở đâu, tôi cũng không trả hết tình yêu và ân nghĩa quá lớn lao bố mẹ dành cho tôi…
Tôi là con út trong gia đình được xem là chuẩn mực: bố bộ đội, mẹ giáo viên. Tuổi thơ tôi là quãng thời gian êm đềm trong nếp nhà bình yên, gia giáo. Trong ký ức, bố tôi là người mực thước, nghiêm khắc. Bố tự đặt ra cho bản thân và gia đình những nguyên tắc sinh hoạt mà như mẹ thường trộm đùa sau lưng bố, là “bố mang cả kỷ luật thép của quân đội vào nhà”! Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa bao giờ thấy bố mẹ mắng mỏ, cãi vã nhau, và những kỷ luật thép của bố tưởng chừng như áp đặt ấy luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ mẹ. Chỉ có hai anh em tôi là tỏ ra khó chịu thấy rõ. Không biết có phải vì là con út hay không mà tôi luôn nhận được sự chiều chuộng tuyệt đối từ bố mẹ. Dẫu nghiêm khắc và nguyên tắc, nhưng bố chỉ phê bình và thi thoảng đánh anh trai, còn tôi thì tuyệt đối chưa bị đòn lần nào, dù nhiều bận ương ngạnh, làm trái ý bố mẹ. Được thể, càng ngày tôi càng hay đòi hỏi, ngang ngạnh.
Bố tôi có phòng làm việc riêng. Gọi là căn phòng cho oai, thực chất, đó chỉ là gian gác xép nhỏ chừng 15m2, bố tận dụng và cải tạo lại để sách vở, tài liệu và những bản thảo ghi chép cá nhân. Hầu như mỗi tối, sau khi cơm nước và bày dạy con cái học hành xong, bố lại lom khom trèo lên gác xép, ngồi ở đó viết lách đến khuya, có khi mờ sáng mới xuống phòng nghỉ. Bố tôi là quân nhân, nhưng nghe mẹ kể, thời trẻ, bố rất đam mê nghiệp văn chương, thơ phú. Bố từng là học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, và thuở còn cưa cẩm mẹ, tuần nào cũng gửi thư tình về, bất chấp việc chuyển thư ngày đó còn nhiều khó khăn.
Bố gắn bó với nghiệp nhà binh và là cây bút chính cho trang báo tường của đơn vị, thi thoảng, các đoàn văn hóa - nghệ thuật có lời mời, bố luôn hào hứng tham gia. Kể vậy để biết, với bố, căn gác xép chật hẹp ngồn ngộn những sách vở ấy có ý nghĩa như thế nào. Không nói ra, nhưng qua thái độ, cả nhà đều hiểu đó là phòng làm việc “tuyệt mật” của bố, và bảo nhau không được bén mảng đến gần. Mẹ tôi thi thoảng có lên quét tước, dọn dẹp, còn anh tôi tuyệt đối không có ý định phá phách gì ở đó. Anh hơn tôi 5 tuổi mà sớm tỏ ra chững chạc và kỷ luật như bố. Còn tôi, không hiểu lý do gì mà ngay từ bé đã bộc lộ tính cách hoàn toàn khác biệt, vừa có phần ngang tàng, vô lối, vừa có phần tò mò, hiếu thắng.
Cuộc sống sẽ êm đềm trôi qua như vậy nếu không có một ngày, bản tính tò mò trỗi dậy, tôi lò dò lên căn gác xép “tuyệt mật”. Năm đó, tôi 15 tuổi. Anh trai đang theo học ở Đại học Lục quân, bố đi làm, còn mẹ đang lúi húi nấu ăn dưới bếp. 15 tuổi, tôi đã bắt đầu hình thành thói quen đọc tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết kinh điển Liên Xô cũ. Mẹ hào hứng dẫn tôi đi tất cả hiệu sách trong thành phố, với mong muốn việc đọc sách sẽ rèn cho tôi tính kiên nhẫn và thùy mị, nết na “để còn lấy chồng”, như mẹ thường nói. Tôi muốn đọc sách gì, các hiệu sách đều có đủ, nhưng khốn nỗi, chỉ là các loại sách mới bìa cứng, màu mè bóng loáng, chứ không tìm được sách cũ, giấy vàng với bản dịch ngày xưa. Mẹ chịu đựng sự kén chọn của tôi, rồi cuối cùng bảo, bố có một kho sách để trên gác xép, để hôm nào mẹ lựa lời mượn cho. Nhưng “hôm nào đó” của mẹ thì lâu, mà tôi thì không chờ đợi được. Thế là mò mẫm lên lục tìm, định bụng cố đọc một lèo trong đêm, rồi sáng mai cất lại…
Căn gác xép tuyệt mật đúng là thế giới vô cùng hấp dẫn. Tôi háo hức và luống cuống lật giở tất cả, với niềm hiếu kỳ khám phá bí ẩn mà bấy lâu không được phép tìm hiểu. Bố tôi có hẳn chồng bản thảo dày cỡ vài gang tay, trong đó là thơ, bút ký, truyện ngắn, tản văn… Tôi mê mải đọc, thì ra bố tôi viết văn, bố viết rất hay, toàn về đề tài chiến tranh, cách mạng. Tôi quên hết sợ hãi, thời gian, đọc trang này sang trang khác, bất chợt, một bức ảnh kẹp trong cuốn sổ nhỏ rơi ra. Trong bức ảnh đen trắng là một người đàn ông đang quàng vai một người phụ nữ, trên tay bế đứa trẻ nhỏ, đằng sau ghi chữ “Kỷ niệm Phnom Penh, năm 1979”. Tôi gạt ra một bên, nghĩ bụng, có lẽ là ảnh kỷ niệm chiến trường của bố. Còn cuốn sổ, lật ngay trang đầu, tôi biết ngay là cuốn nhật ký. Lúc này, sự tò mò lấn át cả lý trí. Tôi muốn biết, người bố nghiêm khắc của mình có đời sống tinh thần như thế nào, có suy nghĩ ra sao… Tôi không thể ngờ, cuốn sổ ấy ghi chép lại sự thực về nhân thân của mình.
Trong những dòng nhật ký mới nhất, bố tôi viết: “Ngày… tháng… năm: Cẩm Chi giờ đã lớn quá rồi. Mình nghĩ, chỉ vài năm nữa thôi, khi con tốt nghiệp đại học, phải nói cho con biết nguồn cội của mình. Sự thực dù đau đớn vẫn là sự thực. Mình chỉ mong, bấy lâu nay, tình yêu thương của gia đình này dành cho con sẽ là sức mạnh và niềm tin để con đối mặt với tất cả”. Đọc đến đâu, mắt tôi nhòa đi, hai tai dường như không thu nhận bất cứ âm thanh nào. Chỉ còn lại trong tâm trí những hình ảnh nhạt nhòa hiện ra từ trang nhật ký của bố. Sự thực bố mẹ tôi giấu kỹ bấy lâu, rằng tôi không phải là đứa con ruột rà, máu mủ mà chỉ là đứa con nuôi. Sự thực, tôi vốn là con của một người bạn Campuchia của bố. Sự thực, mẹ ruột của tôi vẫn còn trên đời này, nhưng chịu di chứng thần kinh từ cuộc diệt chủng lịch sử của Pôn Pốt… Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Những dòng chữ nhảy múa chập chờn… Tôi ngã xuống, lịm đi.
Lúc tỉnh dậy, tôi thấy bố mẹ đang ngồi cạnh bên. Mẹ khóc, còn bố vẫn im lìm như thường ngày. Tôi gào lên trong cơn tức tưởi không kìm nén, như ngàn vạn cơn sóng xô vỡ bờ, rằng bố mẹ lừa dối con, con biết hết cả rồi. Mẹ vừa khóc, vừa giải thích gì đó, nào là bố mẹ thương con lắm, bố mẹ chưa bao giờ nghĩ con là con nuôi… Còn bố, bình tĩnh đợi tôi qua cơn kích động, ông giải thích tường tận. Ông bảo, cũng đã đến lúc tôi cần biết về bản thân mình, dẫu sự đột ngột này gây ra quá nhiều xáo động.
Bố tôi kể, năm 1979, ông được lệnh cùng quân đoàn tiến vào thủ đô Phnôm Pênh, cùng với lực lượng yêu nước của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đánh đổ quân diệt chủng Pôn Pôt, tiếp quản và bảo vệ nhân dân. Quãng thời gian ở đó, bố rất thân với một người lính yêu nước Campuchia, thường xuyên về nhà người này chơi. Người lính đó đã có vợ và con gái chưa tròn một tuổi. Vợ anh là người ngoại ô, gia đình cô chịu nhiều thương vong do nạn diệt chủng gây ra nên lúc nào, cô cũng mang gương mặt sầu buồn và thường hoảng hốt khi có người lạ vào nhà. Trận chiến cuối cùng đánh vào đầu não của địch, bố tôi và người lính Campuchia đó sát cánh bên nhau. Đơn vị của hai người chiếm đóng thành công tầng một của ngôi nhà. Bố tôi lao lên tầng hai, người lính đó chạy theo sau. Bất chợt, từ hành lang, một tên Pôn Pốt lao ra, trên tay là con dao phóng nhanh về hướng bố tôi đang đứng trên cao. Tình huống quá bất ngờ, người lính Campuchia đã đẩy bố tôi ra, hứng trọn nhát dao oan nghiệt trước ngày toàn thắng.
Người lính Campuchia đã hy sinh đó là bố đẻ của tôi. Sau đó một thời gian ngắn, bố quay trở lại, tìm về ngôi nhà của gia đình tôi ở thủ đô thì thấy một thảm cảnh đau lòng khác. Mẹ đẻ tôi đã hóa điên vì những mất mát quá sức chịu đựng. Còn tôi, lúc đó hơn một tuổi, bò lê lết dưới nhà tìm kiếm bất cứ thứ gì có được để bỏ vào bụng, miệng khóc khan vì đói. Bố trình bày lên chính quyền địa phương, họ cũng bất lực vì trong thời điểm đó, có quá nhiều gia đình bất hạnh như gia đình tôi cần cưu mang. Chỉ còn lối thoát duy nhất, bố bảo, mẹ tôi phải vào trung tâm phục hồi chức năng dành cho người bị chấn động thần kinh nặng, còn tôi, bố tìm mọi cách hoàn tất thủ tục để nhận tôi làm con nuôi, đưa về Việt Nam…
Bí mật này đã tồn tại ngần ấy năm, giờ, không còn là điều được giấu kín nữa. Anh trai tôi cũng biết sau đó không lâu, nhưng tình yêu thương mọi người dành cho tôi vẫn không có gì thay đổi. Bố tôi đã dẫn tôi về thăm mẹ đẻ của mình, đến đây mới biết, năm nào ông cũng qua thăm bà vài lần. Tôi cũng đang nộp hồ sơ vào một tổ chức phi chính phủ, hoạt động ở Capuchia với mục tiêu hỗ trợ người dân phục hồi sau nạn diệt chủng Pôn Pốt để có thời gian, điều kiện chăm sóc mẹ đẻ. Hy vọng, mọi việc rồi sẽ ổn thỏa!
P.C