(Baonghean) - Tôi đặt chân xuống cảng cá Lạch Cờn của mảnh đất Quỳnh Phương vào một buổi sáng tháng Chạp. Những ngày cuối cùng của năm dường như không ảnh hưởng nhiều đến nhịp sống của người dân vùng cửa lạch vốn đã gắn bó với nghề biển hàng trăm năm qua.
Tôi cố len chân, lách người qua những tấm lưng đẫm mồ hôi để được tận mắt nhìn những con cá thu, cá mú, cá lượng vừa được ngư dân đưa lên bờ sau hải trình đánh bắt dài ngày. Trong cái khoảng không gian chật hẹp trên cảng cá thật khó mà xác định được đâu là chủ tàu, đâu là thương lái. Những con cá ngừ nặng cả yến mỗi khi được đẩy theo thang trượt từ trên boong tàu xuống y như rằng mọi người lại nhao lên, đổ dồn tìm cách mua cho bằng được.
Ông Đậu Như Danh - cán bộ khuyến ngư phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) ghé sát vào tai tôi nói: “Hải sản đánh bắt về đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không đủ bán”. Vậy mà trước khi đến đây tôi đã nghĩ, sau sự cố môi trường biển miền Trung hồi nửa đầu năm 2016, khiến hoạt động khai thác, đánh bắt cũng như đời sống của ngư dân thưa nhặt đi.
Vừa ra khỏi Lạch Cờn, ông Đậu Như Danh nói thêm: “Nói sự cố Formosa không tác động đến ngư dân là không đầy đủ, song nó chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Hơn nữa ngư trường đánh bắt của người dân Quỳnh Phương nằm ngoài khả năng tác động của sự cố”. Thay cho việc giải thích thêm với khách, ông Danh dẫn tôi đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Luận - người được xem là “sói biển” ở khối Hồng Thái, phường Quỳnh Phương.
Đó là người đàn ông trạc lục tuần, vóc người to lớn tráng kiện, giọng nói trầm ấm và mọi cử chỉ đều toát lên sự từng trải trùng khơi. Ông Luận sinh năm 1957, và là một trong số ít người vẫn còn đi biển ở tuổi 60 tại vùng quê này. Ông cho biết, đi biển từ khi 13 tuổi, nghề biển nào cũng đã trải qua. Từ mành dắt, câu mực, câu trích, câu ngàng cho đến đi vây, rê xù; từ đánh bắt ở cửa lạch, ven bờ cho đến đi khơi…
Ở người đàn ông này dường như hội tụ đủ tất cả các yếu tố đặc trưng của ngư dân vùng biển: Có cực nhọc, từng trải qua rủi ro, thất bại và niềm hạnh phúc giản đơn sau những gian truân cùng sóng gió. Minh chứng cho điều này, ông Luận kể về ký ức hãi hùng cách nay gần 33 năm.
Đó là vụ cá cuối năm 1984, ông Hoàng Văn Luận cùng người bạn thuyền của mình là Nguyễn Văn Tích dong thuyền nan trên vùng lộng. Sau gần 1 ngày, họ câu được khoảng 50 kg cá đốm, cá trích và đang trên đường vào bờ. Khi cách đất liền 7 hải lý thì bất ngờ giông tố nổi lên. Một cơn lốc ào ạt kéo đến, cột buồm bị bẻ gãy như cọng cỏ, cả con thuyền bị nhấc bổng lên không trung, 2 người bị hất văng xuống biển. Trong cơn gầm gào của sóng dữ, họ không cách gì đến gần được với nhau.
Đây cũng là chuyến đi định mệnh khiến ông Tích mãi mãi nằm xuống lòng biển sâu. May mắn hơn bạn mình, ông Luận bám được vào cột buồm và trôi dạt suốt 3 ngày, 2 đêm trước khi được cứu sống trên vùng biển Cửa Sót (thuộc huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh). Cứu ông Luận là vợ chồng ông Nguyễn Văn Hậu (còn gọi là Hậu Hẳm) ngư dân huyện Thạch Hà. Về sau ông Luận trở thành người con kết nghĩa của gia đình ngư dân giàu tình nghĩa ấy.
Từ cõi chết trở về, những tưởng ông Luận sẽ thôi luôn nghề đi biển. Nhưng không, ông quyết trở lại nghề như một cách để tưởng nhớ bạn mình và trả ơn cuộc đời. Để làm được điều đó, ông Luận đã chuyển đổi nhiều loại hình khai thác trong nhiều năm. Mãi đến sau năm 2000 khi nghề rê xù lưới thưa bắt đầu du nhập vào Quỳnh Phương, ông Luận là một trong những người đầu tiên áp dụng mô hình đánh bắt này. Từ tàu câu, ông vay mượn đóng mới tàu rê có công suất 380 CV, mua mới 2 vàng lưới trị giá 1,4 tỷ đồng.
Tổng tài sản phương tiện đánh bắt trị giá trên 2 tỷ đồng. Tàu có 15 lao động. “Khác với các hình thức đánh bắt phổ biến của ngư dân Nghệ An, nghề rê xù lưới thưa chỉ đánh bắt tầng đáy và cách bờ trên dưới 100 hải lý. Hải sản đánh bắt được cũng thuộc hàng đặc sản, như: cá ngừ, cá lượng, cá mú…” - ông Hoàng Văn Luận chia sẻ. Đây chính là điều mà ông Đậu Như Danh muốn giải thích cho tôi ngay lúc đầu, rằng hải sản Quỳnh Phương nằm ngoài khả năng tác động của sự cố Formosa.
Trong khi ông Đậu Như Danh tỏ ra khá hài lòng về câu chuyện của “lão sói biển” thì ông Hoàng Văn Luận dẫn tôi ra khoảng sân rộng của gia đình, nơi đang xếp chồng lên nhau hơn 400 cheo lưới. Ông nói: “Mỗi vàng lưới xù thưa có độ dài từ 7,5 - 9 hải lý, tương đương từ 13,5 - 16,6km, cao 2m. Rê xù thưa là hình thức đánh bắt ở tầng đáy với sự hỗ trợ của các loại máy dò cá được trang bị trên mỗi tàu. Khác với nghề đánh vây phải dùng đèn sáng để thu hút cá, và chỉ có thể khai thác vào những ngày tối trời sau tuần trăng, thì nghề rê xù đánh theo dòng hải lưu”.
Ông Danh nói thêm: Nếu ai tìm hiểu về lịch thủy triều sẽ biết về “con nước sinh" hàng tháng. Theo đó, ngoại trừ tháng 2 và tháng 8 có 3 con nước sinh (nước mới), 10 tháng còn lại, mỗi tháng có 2 con nước sinh cách nhau 14 ngày. Căn cứ vào lịch nước sinh người đánh rê xù buông lưới theo các dòng chảy trên biển. Thường mỗi đợt nước sinh ngư dân sẽ có 4 - 5 ngày đánh bắt. Một vàng lưới dài 9 hải lý thường được chia thành 3 đoạn (hoặc hơn) căn cứ vào độ nông sâu của ngư trường ở điểm đánh bắt.
Lưới thường được thả cắt ngang và trôi theo dòng chảy, nhờ hệ thống chì và phao trôi lửng cách đáy khoảng 1,5m các loại cá đều bị cuốn và mắc vào lưới. Đây chính là phương thức đánh bắt làm nên danh tiếng của ngư dân vùng biển Quỳnh Phương. Riêng với tàu của gia đình ông Hoàng Văn Luận, sản lượng mỗi chuyến đạt bình quân 1,5 - 3 tấn cá, đạt giá trị từ 200 - 450 triệu đồng. Thu nhập của các lao động là hơn 100 triệu đồng trở lên mỗi người một năm.
Không chỉ có gia đình ông Hoàng Văn Luận, ở phường Quỳnh Phương hiện có gần 600 phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản. Trong đó có 182 chiếc có công suất từ 90 CV đến dưới 400 CV; có 13 chiếc công suất từ 400 CV trở lên. Phần lớn các tàu có công suất trên 90 CV đều đánh bắt xa bờ bằng hình thức rê xù lưới thưa.
Sản lượng đánh bắt của loại hình rê xù lưới thưa không cao, bình quân mỗi chuyến chỉ dao động từ 1,5 - 3 tấn cá. Tuy vậy, giá trị hải sản lại cao gấp nhiều lần so với hình thức đánh bắt khác. Theo đó, mỗi kg cá ngừ (gồm thu, ngàng…) có giá từ 120.000 - 150.000 đồng; cá lượng (lượng rìu, lượng mỏ lết, động quéo) có giá 60.000 đồng/kg. Chính vì vậy dù sản lượng đánh bắt không cao nhưng bù lại ngư dân Quỳnh Phương vẫn “thắng” nhờ chất lượng hải sản.
Có lẽ chỉ có ngư dân mới hiểu hết nỗi cực nhọc, vất vả và nhiều rủi ro của nghề biển. Nhưng đã là nghề truyền đời thì sống từ biển và chết cũng tại biển. Như cách nói của chị Phan Thị Huế, vợ của thuyền trưởng tàu cá Bùi Trung Thành, ở khối Hồng Thái thì “vì cha con, vợ chồng yêu biển nên biển đãi”. Cũng nhờ “biển đãi” nên gia đình chị Huế đã đóng được con tàu rê xù gần 2 tỷ đồng để vụ thu đông đánh lưới bao bắt mực, vụ xuân hè buông lưới hồng bắt động quéo, cá ngừ. Con tàu 110 sức ngựa ấy đã giúp cho cuộc sống của 14 gia đình ngư dân trở nên no đủ, đầm ấm nhiều năm nay.
Hẳn cũng nhờ “biển đãi” nên từ những HXT nghề cá đầu tiên mang tên Quyết Tiến, đến nay ở phường Quỳnh Phương đã hình thành 9 chi hội nghề cá với 33 tổ hợp tác khai thác, đánh bắt. Năm 2016, sản lượng đánh bắt của phường Quỳnh Phương đạt 14.250 tấn. Giá trị sản phẩm đạt gần 309 tỷ đồng. Đặc biệt hải sản Quỳnh Phương chủ yếu dành để xuất khẩu, tỷ lệ xuất khẩu chiếm tới 65% tổng giá trị hải sản của địa phương. Vì vậy, chất lượng hải sản Quỳnh Phương không chỉ được đánh giá là tốp đầu Nghệ An mà còn nổi tiếng khắp miền Trung và cả nước.
Trên đường trở lại Lạch Cờn, chúng tôi bắt gặp hàng chục phụ nữ tập trung thành từng nhóm đan vá lưới bên những con đường hẹp. Phụ nữ miệt biển khi một mình thì họ kín tiếng vô cùng, thế nhưng khi thành nhóm lại rộn rã đáo để. Một chị ngừng tay đan nói líu lo: “Anh về ngó lưới xù thưa. Chồng em chạy sóng vãn trưa mới về”. Những tiếng cười lanh lảnh rung cả vàng lưới, âm thanh như lẫn vào nắng hắt lên những đôi má ửng hồng. Mùa Xuân mới dường như đã gõ nhịp trên những nong mực cong cong.
Đào Tuấn