(Baonghean.vn) - Những cơn mưa lạnh cuối Đông phủ lên vùng khe Chan (Tân Xuân, Tân Kỳ) một màu bạc. Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt người ta vẫn thấy vợ chồng ông Trần Văn Thuận cặm cụi làm việc trên vùng trang trại rộng hơn 3 ha của gia đình. Hiện nay gia đình ông thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm, nhưng ít ai biết rằng cũng trên chính mảnh đất này ông Thuận và vợ đã phải 2 lần lập nghiệp.
Sinh năm 1963, là người con của vùng quê biển Diễn Châu, năm 1987, sau khi phục viên, Trần Văn Thuận về địa phương, rồi cùng gia đình lên vùng núi Tân Xuân, Tân Kỳ để khai hoang, lập nghiệp theo chính sách kinh tế mới của Nhà nước. Thời điểm đó, khe Chan là vùng hoang vu, trùng điệp núi rừng.
Ban đầu, ông Thuận chỉ dựng một chiếc lán nhỏ để có chỗ chui ra chui vào. Rồi ông bắt tay đào đất, khai hoang để trồng sắn, nuôi bò. Diện tích sắn khi mới trồng chỉ vài sào, sản lượng không đủ tiền đong gạo. Tuy vậy ông vẫn không bỏ cuộc. Cảm phục trước nghị lực của người cựu quân nhân, người con gái nết na trong vùng Trần Thị Tám đã quyết định chung sức cùng ông quyết vượt qua đói nghèo.
Đến năm 2002, trang trại của vợ chồng ông Thuận đã có tổng đàn dê và đàn bò lên tới hàng chục con và được tỉnh cấp giấy chứng nhận trang trại. Đó cũng chính là trang trại đầu tiên của vùng Tân Xuân.
Tuy nhiên, kể từ năm 2003, chạy chữa căn bệnh hiếm muộn, hai vợ chồng phải khăn gói ra vào các bệnh viện lớn nhỏ khắp cả nước. Sau gần 10 năm chạy chữa, khát khao làm cha, làm mẹ mới thành hiện thực, tuy vậy vợ chồng lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Vợ chồng ông lại bắt tay làm lại từ đầu và coi như lần lập nghiệp thứ hai. Vừa chăm con nhỏ, vợ chồng vừa tìm mọi cách phục hồi và mở rộng quy mô trang trại. Đặc biệt, khi chăn nuôi, trồng trọt phát triển với quy mô lớn thì nhu cầu nước tưới càng lớn cho nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dẫn nước chôn ngầm dưới đất dài hơn 600m dẫn nước từ giếng Chan về trang trại.
Đất không phụ công người, đến nay, trang trại của vợ chồng ông Thuận đã có gần 20 con bò, 30 con dê, hàng trăm con gà và 20 con lợn. Về trồng trọt, gia đình có hơn 1,5 ha mía, 0,5 ha sắn và một diện tích lớn để trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi.
Điều đáng nói là trang trại của ông luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Ông Thuận là người tiên phong trong chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, được địa phương chọn để nuôi giống bò lai sind.
Thuận lợi của giống bò này là bê con chỉ sau 5 tháng đã có bê xuất bán với giá từ 18 đến 20 triệu đồng/con, tăng 7 triệu đồn/con so với bò vàng truyền thống. Do vậy nguồn thu nhập từ đây rất ổn định.
Với đàn gà và lợn, ngoài tiêm phòng đầy đủ, gia đình còn tiến hành chuồng nuôi bằng đệm lót sinh học nên phát triển khỏe mạnh và tiết kiệm nguồn chi phí đến mức tối đa. Với các loại cây trồng, ông cũng tiến hành trồng thử nghiệm các giống mới như hồ tiêu, thanh long...
Còn với đàn dê, đây là loài động vật dễ tính, nguồn thức ăn phong phú. Thời gian dê con trưởng thành và cho sinh sản chỉ từ 7 đến 12 tháng, đạt trọng lượng từ 30-35kg/con, có những con trưởng thành có cân nặng gần 45 kg. Với giá bán trên 120.000đồng/kg hơi mang lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng cho gia đình mỗi lứa.
Từ phát triển kinh tế trang trại đã mang lại cho gia đình ông Trần Văn Thuận nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Gia đình ông là điển hình của xã Tân Xuân nói riêng, huyện Tân Kỳ nói chung và là tấm gương để người dân trên địa bàn noi gương học tập./.
Thanh Quỳnh