bna__mai_hoa2194402_18102019.jpgSáng 18/10, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có cuộc làm việc với UBND huyện Yên Thành theo chương trình giám sát công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Hoa
Thực hiện chưa đúng quy định
Theo phản ánh của cử tri, Yên Thành là địa phương có sự sôi động trong hoạt động đấu giá đất, xét cả mặt tích cực với nhu cầu mua đất ở của người dân cao và mặt tiêu cực với sự nhức nhối của “cò đấu giá” tham gia vào hoạt động này.

Thông qua giám sát, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã chỉ ra một số quy trình trong quá trình tổ chức đấu giá đất huyện Yên Thành thực hiện chưa đúng quy định. Ví dụ, việc thu nhận hồ sơ và nhận tiền đặt cọc, theo quy định do tổ chức thực hiện đấu giá đảm nhận, nhưng hiện nay được giao cho các xã thực hiện, khả năng bảo mật thông tin sẽ bị ảnh hưởng.

Việc đầu tư hạ tầng ở vùng quy hoạch đấu giá như khối 4, thị trấn mặc dù chưa hoàn thiện nhưng địa phương vẫn đưa vào đấu giá, trong khi quy định phải đầu tư hoàn thiện hạ tầng trước khi tổ chức đấu giá. Điều này gây khó khăn cho người trúng đấu giá muốn làm nhà ở ngay sau đó. 

Hạ tầng quy hoạch đấu giá đất tại khối 4, thị trấn chưa hoàn thiện nhưng vẫn đưa vào đấu giá. Ảnh: Mai Hoa

Giải trình về vấn đề này, đại diện UBND huyện Yên Thành, do xuất phát từ thực tiễn có những bất cập, người dân khi nộp tiền đặt cọc vào tài khoản tạm giữ của Phòng Tài chính Kế hoạch tại Kho bạc Nhà nước và sau khi đấu giá thành công nộp thêm 1 lần nữa, nhưng do phần mềm của Kho bạc Nhà nước chưa cho phép nộp 2 lần, cho nên các tổ chức đấu giá ủy quyền cho UBND xã thu hồ sơ và nhận tiền đặt cọc thông qua tài khoản tiền gửi của xã tại ngân hàng bằng hình thức chuyển khoản, nên không có việc để lộ thông tin người đấu giá. Việc thu hồ sơ được niêm phong và quá trình giá được đưa lên màn chiếu mức giá của từng hồ sơ.

Liên quan đến đầu tư hạ tầng, đại diện UBND huyện cho rằng, để tránh việc sau khi đấu giá thành công tiền nộp vào ngân sách thấp do tỷ suất đầu tư hạ tầng lớn hoặc đấu giá không thành, UBND huyện quy định tỷ lệ đầu tư hạ tầng là 15% giá khởi điểm. Với tỷ lệ đó, hạ tầng các vùng quy hoạch chỉ xây dựng được mương thoát nước bao quanh vùng quy hoạch và đường vào quy hoạch bằng cấp phối.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Vương Ngọc cho rằng, để khắc phục "cò đấu giá" cần nâng tiền đặt cọc đấu giá đất. Ảnh: Mai Hoa

Giải pháp khắc phục "cò đấu giá"

Một số vấn đề cũng được đoàn giám sát quan tâm, đó là việc xác định giá khởi điểm do UBND xã đề xuất và được phòng Tài nguyên - Môi trường và phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định trình Chủ tịch UBND huyện phê duyệt trùng khớp với đề xuất của xã. Đó còn là tiêu chí lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá; tỷ lệ tăng giá trúng so với giá khởi điểm; tích cực và hạn chế giữa 2 hình thức đấu giá trực tiếp và gián tiếp; giải pháp khắc phục tình trạng "cò đấu giá".

Về giải pháp khắc phục "cò đấu giá", Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Vương Ngọc cho rằng, có 3 yếu tố để hạn chế: đó là cần lựa chọn hình thức đấu giá gián tiếp thay cho đấu giá trực tiếp; xây dựng giá khởi điểm sát với giá thị trường và nâng tiền đặt cọc cao hơn quy định hiện hành tối đa 20% giá khởi điểm. 

Tính từ thời điểm tháng 01/2018 đến tháng 9/2010, trên địa bàn huyện Yên Thành đã tổ chức đấu giá thành công 639 lô đất, với tổng diện tích 125.525 m2; số tiền trúng đấu giá hơn 262 tỷ đồng.