"Cha mối" của bản
Để hiểu hơn về những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động của những người có uy tín trên địa bàn huyện Anh Sơn, chúng tôi được Trưởng phòng Dân tộc huyện dẫn đến thăm nhà của bà Hà Thị Chính ở thôn 11, xã Hoa Sơn. Nhìn 4 đứa cháu nội ngoại khỏe mạnh đang chạy nhảy ngoài sân, bà Chính cho biết, Trưởng thôn Lương Văn Thái là người đã đứng ra làm "cha mối” cho 3 người con trai của bà cũng như 25 cặp vợ chồng khác trong thôn.
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Thái, mỗi người sinh ra đều có 3 cha, 3 mẹ: Cha mẹ ruột, cha mẹ của chồng (vợ) và “cha mẹ mối”. “Cha mẹ mối” giữ vai trò ông mai - bà mối trong quan niệm hôn nhân và đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Với vị trí đó, ông Thái đã khéo léo đứng ra khuyên bảo các cặp vợ chồng trẻ thực hiện tốt cuộc vận động kế hoạch hóa gia đình để tập trung phát triển kinh tế, tìm cách ổn định cuộc sống. Ông còn là người hóa giải những vướng mắc ở địa phương để vận động bà con đồng thuận cùng nhau xây dựng nông thôn mới, nhờ vậy, đến nay thôn 11 chỉ còn 9/146 hộ, nghèo, hơn 20 hộ đã vươn lên khá giả.
Đặc biệt ở thôn 11, 6 năm qua Câu lạc bộ "Không sinh con thứ ba" duy trì sinh hoạt đều đặn. Sự ra đời và hoạt động của CLB đã tạo nên thay đổi lớn trong quan niệm của người dân nơi đây. Trước đây bà con trong thôn ai cũng quan niệm sinh nhiều con, nhất là con trai càng tốt. Vì vậy, không thiếu những gia đình có tới 9-10 người con nên cuộc sống vô cùng vất vả. Để xóa bỏ quan niệm này, cấp ủy, chính quyền cùng những người đứng đầu thôn, người có uy tín phải mất một thời gian dài để tuyên truyền, vận động.
“Từ khi CLB “Không sinh con thứ ba” ra đời, không có vợ chồng nào sinh con thứ 3. Thậm chí, trong 20 cặp vợ chồng đang ở độ tuổi sinh đẻ, có khoảng 7-8 cặp sinh con gái một bề cũng cam kết chỉ dừng lại ở 2 con. Có được kết quả đó, người ta vẫn nhắc nhiều tới vị Trưởng thôn 11 Lương Văn Thái”
Nghệ An hiện có 1.240 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 200 người hoạt động tích cực trong thời gian qua được UBND tỉnh và các đoàn thể tuyên dương trong năm nay. Họ chính là những già làng, trưởng thôn, trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng dòng họ, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người sản xuất giỏi... được bà con đồng bào tin tưởng, suy tôn.
Ông Lương Thanh Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, nhiều năm qua, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số là những “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền địa phương tại cơ sở. Đặc biệt, tại khu vực biên giới, lực lượng người có uy tín đã cùng với các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng tỉnh, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Cần có người uy tín trẻ tuổi
Là một người có uy tín ở thôn Na Án (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp), nhiều năm qua ông Hà Văn Thái (SN 1947) luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, thôn xóm. Tuy nhiên, ông có nhiều trăn trở. Đó là vẫn thiếu đi những quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ và cách thức thực hiện những việc mà người có uy tín cần phải làm.
Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin, tiến hành tập huấn bồi dưỡng kiến thức về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình chính sách dân tộc, giảm nghèo cũng như kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân dành cho lực lượng người có uy tín còn rất ít.
Già làng Cự Chìa Chư (SN 1944) ở bản Mò Nừng (xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) tâm sự, hiện tại những người có uy tín tại các bản, làng chủ yếu là người cao tuổi, thiếu những nhân tố điển hình từ lực lượng trẻ.
Lý do là bởi hầu hết lực lượng này đều có xu hướng đi làm ăn xa, số còn lại chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng nên không mấy mặn mà để tham gia những hoạt động xã hội. Trong khi đó, vì tuổi đã cao, địa bàn sinh sống cách trở, khó đi lại nên bản thân cụ Chư cũng như các già làng và người có uy tín đang sinh sống tại địa phương rất khó để nắm bắt sâu sát và có mặt kịp thời để nắm bắt tình hình thực tế hoặc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp.
Để khắc khục những khó khăn, bất cập, tại Hội nghị Tuyên dương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trong đó nhấn mạnh đến việc việc chú trọng bồi dưỡng, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện, tham mưu đề xuất với cấp ủy, chính quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chế độ, chính sách cũng như chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ này.
Cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở cần tăng cường lãnh đạo, định hướng nhiệm vụ, nội dung hoạt động đối với người có uy tín; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác vận động quần chúng; cung cấp thông tin, tình hình phát triển KT-XH chủ trương, chính sách mới cho người có uy tín.
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của người có uy tín; tạo điều kiện cho người có uy tín tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Việc phát huy vai trò của người có uy tín là nhân tố quan trọng góp phần giữ ổn định chính trị các vùng dân tộc thiểu số, do vậy việc này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, vừa phục vụ cho yêu cầu lâu dài, đồng thời gắn với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc nổi lên tại mỗi địa bàn. Có như vậy mới phát huy tối đa sự năng nổ, nhiệt tình và tư duy sáng tạo của đội ngũ những người có uy tín trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng để hướng đến một cuộc sống ấm no bền vững.