Lựa chọn kỹ nội dung giám sát
"Việc lựa chọn nội dung giám sát luôn được Thường trực và các Ban HĐND cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng, không né tránh những vấn đề khó hay nhạy cảm".
Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Giám sát là một trong những chức năng quan trọng, khẳng định “sức nặng” của HĐND các cấp. Và mục tiêu giám sát là để theo dõi, xem xét, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước các cấp được triển khai “ngấm” và “thấm” như thế nào trong thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp, biện pháp thúc đẩy hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc lựa chọn nội dung giám sát luôn được Thường trực và các Ban HĐND cân nhắc lựa chọn kỹ lưỡng, không né tránh những vấn đề khó hay nhạy cảm. Gắn với đó là lựa chọn hình thức giám sát phù hợp, nội dung nào đưa vào chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh, nội dung nào đưa vào phiên giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh và nội dung nào tổ chức giám sát chuyên đề hoặc giám sát thường xuyên.
Theo đó, nhiều vấn đề mang tính thời sự của tỉnh hay bức xúc trong đời sống xã hội lần lượt được Thường trực và các Ban HĐND tỉnh tiến hành giám sát. Đáng chú ý là các cuộc giám sát chuyên đề về công tác quản lý, thực hiện một số dự án đất đô thị; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ chính sách đối với người lao động; việc thực hiện các tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng ngân sách nhà nước; hiệu quả hoạt động Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện quy hoạch, kết quả, hiệu quả xây dựng các dự án thủy điện; công tác quản lý và thu ngân sách; công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh…
Thường trực HĐND tỉnh cũng đã tiến hành giám sát thông qua phiên giải trình tại các phiên họp Thường trực HĐND tỉnh tập trung vào những vấn đề “nóng”, như công tác cấp GCNQSD đất; tình trạng khai thác cát sỏi; giải quyết các vấn đề “hậu” các dự án thủy điện; công tác phòng, chống cháy nổ… Các nội dung được giám sát thông qua chất vấn, như những bất cập trong quản lý đất đai; hạn chế trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thực hiện chính sách người có công; chính sách dân tộc…
Các cuộc giám sát chuyên đề không chỉ là các cuộc làm việc trên “bàn giấy” mà đã xuống trực tiếp cơ sở, người dân.
Song song với việc lựa chọn đúng, trúng nội dung và hình thức giám sát phù hợp, trong quá trình giám sát HĐND tỉnh đã mời các chuyên gia theo từng lĩnh vực, nội dung giám sát và các cơ quan liên quan như Kiểm toán Nhà nước cùng đại diện Thường trực HĐND cấp huyện. Gắn với đó, ở các cuộc giám sát chuyên đề, không chỉ là các cuộc làm việc trên “bàn giấy” mà đã xuống trực tiếp cơ sở, gia đình và người dân. Các nội dung giám sát thông qua chất vấn và giải trình đều tổ chức các cuộc khảo sát thực tế trước, đồng thời nghiên cứu kỹ các văn bản hiện hành liên quan đến các lĩnh vực, nội dung được giám sát.
Bằng cách làm đó, HĐND tỉnh đã nắm bắt thấu đáo, tường tận và rõ hơn các vấn đề được giám sát; dễ dàng phát hiện những vấn đề tồn tại, bất cập, vướng mắc để đề xuất trúng, đúng và có sức thuyết phục đối với các cấp, các ngành có liên quan. Đặc biệt, Thường trực HĐND tỉnh phân công các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất sau giám sát, sau chất vấn, sau giải trình nhằm nâng cao hiệu quả giám sát.
Với sự bài bản trong tổ chức hoạt động giám sát, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn tỉnh từng bước được giải quyết.
Dư luận ghi nhận, thời gian gần đây việc khai thác cát sỏi trái phép ở các địa phương đã giảm hẳn. Việc quy hoạch, phát triển các dự án thủy điện cũng được tỉnh cân nhắc thận trọng, trong đó đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án thủy điện Xốp Cốc (huyện Tương Dương); gắn với trồng rừng thay thế đủ 100% diện tích đã chuyển đổi để xây dựng dự án thủy điện; các tồn tại “hậu” các dự án thủy điện cũng đang từng bước được giải quyết. Hay trên cơ sở kiến nghị của HĐND tỉnh thông qua giám sát công tác quản lý, thực hiện một số dự án đất đô thị, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra và đã kiểm tra 87 dự án bất động sản, nhà ở, trong đó đã có 9 dự án thu hồi, chấm dứt hoạt động và một số bất cập, yếu kém về chất lượng công trình cũng được các chủ đầu tư khắc phục.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành Thuế thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế. Và kết quả đến 10/6/2019, Cục Thuế Nghệ An đã triển khai thanh tra 14 đơn vị và đã có kết luận 13 doanh nghiệp có số thuế đề nghị truy thu gần 21 tỷ đồng. Trên cơ sở kiến nghị của HĐND tỉnh thông qua giám sát việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát, đồng thời triển khai các biện pháp để xử lý nợ đọng trong xây dựng NTM; đồng thời chú trọng chỉ đạo thực hiện các tiêu chí về môi trường, tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân...
Những vấn đề đặt ra
Mặc dù nội dung giám sát đã bao quát được nhiều vấn đề gai góc của đời sống xã hội; tuy nhiên, theo Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung, hoạt động giám sát thời gian qua chưa tập trung vào việc giám sát kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành để đánh giá hiệu quả trên thực tế và đề xuất sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, thời gian tới, Ban Pháp chế sẽ tham mưu, đề xuất Thường trực HĐND tỉnh tăng cường giám sát các nghị quyết đã ban hành, nhất là các nghị quyết liên quan đến các cơ chế chính sách, thông qua đó soát xét, đánh giá lại chính sách nào cần, chính sách nào không để thay thế, bổ sung, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như giải quyết các vấn đề khó khăn mà thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh đó, thông qua thẩm tra các báo cáo của UBND tỉnh về việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất sau giám sát của HĐND, Thường trực và các ban HĐND tỉnh, vấn đề được các đại biểu HĐND tỉnh đặt ra, đó là có những kiến nghị, đề xuất chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh nói riêng và ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước nói chung đối với các vấn đề được giám sát, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
Từ thực tiễn đó, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền, để hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, bên cạnh tiếp tục làm tốt các khâu lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp, cách thức giám sát; HĐND tỉnh sẽ tăng cường theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, chất vấn và giải trình, gắn với tăng cường tái giám sát, chất vấn và giải trình các nội dung mà các đối tượng giám sát chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh đánh giá, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các ngành, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh.