(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra chỉ tiêu có 27 - 29 xã sử dụng nước máy.
Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ người dân được dùng nước sạch đang còn thấp và việc triển khai các dự án nước sạch đang còn khó khăn. Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Bí thư Huyện ủy Yên Thành xung quanh vấn đề này.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Bí thư Huyện ủy Yên Thành thăm Nhà máy may công nghiệp Yên Thành. Ảnh: Hữu Nghĩa
Phóng viên: Chỉ tiêu đến năm 2020 Yên Thành có 27 - 29 xã sử dụng nước máy, tương đương 21 vạn dân với 70% hộ dân trong toàn huyện. Đây là một chỉ tiêu khó, bởi hiện tại toàn huyện mới chỉ có hơn 23% hộ dân được sử dụng nước máy. Vậy, đồng chí đánh giá như thế nào về thực trạng và khả năng thực hiện chỉ tiêu này?
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu:Huyện Yên Thành có hơn 29 vạn dân, phân bổ ở 39 xã, trị trấn, trong đó có 18 xã miền núi. Nguồn nước sinh hoạt phục vụ nhân dân gồm 4 nguồn: đó là thông qua hệ thống hơn 200 hồ đập (đối với các xã vùng cao, vùng mưng); hệ thống kênh chính (đối với các xã vùng đồng bằng, thấp trũng); một số vùng, người dân phải xây dựng bể chứa để sử dụng nguồn nước mưa; nước sạch từ các nhà máy.
Để nâng cao chất lượng nước sinh hoạt của người dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành khóa XXVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ đặt ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ dùng nước hợp vệ sinh trong toàn huyện là 95% (chỉ tăng so với thời điểm hiện tại 5%), nhưng lại đặt cao chỉ tiêu tỷ lệ hộ dùng nước sạch từ 13 xã, thị trấn hiện tại (tương đương với 23% hộ dân) lên 27 - 29 xã, tương đương 21 vạn dân, chiếm 70% hộ dân trong toàn huyện vào năm 2020. Đây quả là một chỉ tiêu khó, tuy nhiên, huyện đang quyết tâm để chỉ đạo thực hiện bằng được.
Hiện tại, trên địa bàn huyện có 10 nhà máy nước hoạt động, cung cấp nước tương đối ổn định cho nhân dân 13 xã, thị trấn. Sau Đại hội XXVI, huyện tiếp tục chỉ đạo các nhà máy có điều kiện tăng công suất, mở rộng thị phần phục vụ nhân dân.
Trước mắt là nâng công suất nhà máy nước thị trấn từ 2.000 m3/ngày đêm lên 5.000 m3/ngày đêm. Nhà máy nước xã Hồng Thành cũng được nâng từ 2.000 m3/ngày đêm lên 4.000 m3/ngày đêm. Mặt khác, huyện cũng xúc tiến và đẩy nhanh các bước để xây dựng một số nhà máy nước mới tại xã Công Thành, Mỹ Thành, và một số xã vùng cao. Gắn với tuyên truyền đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, nâng cao nhận thức của người dân trong việc dùng nước sạch, từ đó chuyển từ việc dùng nước mưa sang dùng nước máy. Song song với công việc nêu trên, huyện cũng tập trung rà soát hệ thống các hồ đập để đề xuất đưa vào chương trình, kế hoạch nâng cấp, vừa đảm bảo nước phục vụ sản xuất, vừa cung cấp nguồn nước đầu vào cho các nhà máy nước sạch trên địa bàn huyện hoạt động.
Phóng viên: Theo chúng tôi được biết, hiện tại có một số nhà máy nước sạch đang thi công tại các xã Đô Thành, Phú Thành, Long Thành..., tiến độ thi công còn rất chậm. Phải chăng, huyện chưa thực sự quan tâm để đẩy nhanh tiến độ? .
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu:Thời điểm này, trên địa bàn huyện có 6 nhà máy nước đang thi công dở dang, trong đó có công trình phải tạm dừng. Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí xây dựng các nhà máy nước sạch này gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như công trình nước sạch tại xã Phú Thành, có tổng dự toán đầu tư hơn 23 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp trên 60%, ngân sách xã và nhân dân đóng góp 40%. Công trình này khởi công từ năm 2013, đến thời điểm này đã hoàn thành 50% giá trị khối lượng, nhưng mới chỉ giải ngân được hơn 7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 3 tỷ đồng. Hiện tại công trình đang phải dừng thi công do chưa có nguồn vốn để thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm để chỉ đạo.
Vận hành Nhà máy nước thị trấn Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.
Phóng viên:Nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng, bởi liên quan đến sức khỏe của người dân, cũng là một trong những tiêu chí đạt huyện nông thôn mới. Vậy, để thực hiện tốt chỉ tiêu này, Yên Thành cần có những giải pháp nào?
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu:Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo nâng cấp và phát huy tối đa hiệu quả 10 nhà máy nước sạch hiện có nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong từng xã và vùng phụ cận. Cùng với đó tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đi vào hoạt động 6 nhà máy nước đang thi công dở dang.
Còn về lâu dài, huyện tiếp tục tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch tập trung quy mô lớn theo từng vùng (thay vì xây dựng các công trình cấp nước nhỏ ở các xã như hiện nay). Tích cực chỉ đạo nâng cấp các hồ đập để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất, nhất là vùng cao. Đối với vùng thấp trũng thì làm tốt công tác thủy lợi để tiêu thoát nước trong mùa mưa lụt, tránh gây ngập dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Ngoài ra thường xuyên làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho mọi người dân, từ đó tranh thủ thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực nước sạch...
Cùng với sự nỗ lực của địa phương, về phía Trung ương và tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ cho nhân dân ở các địa phương còn nhiều khó khăn trong việc lắp đặt các thiết bị lắng, lọc nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh theo quy chuẩn. Đồng thời cân đối ngân sách, sớm hỗ trợ kinh phí theo cơ chế để hoàn thành các nhà máy nước đang thi công dở dang do thiếu vốn trên địa bàn huyện...
Phóng viên:Xin chân thành cảm ơn đồng chí!
MAI HOA
(Thực hiện)