(Baonghean) - Trong định hướng chung của thành phố Vinh và mục tiêu đề ra, xã Hưng Lộc trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 sẽ đảm bảo các điều kiện để “lên” phường. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với đồng chí Nguyễn Hữu Trung - Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc về vấn đề này.
Phóng viên: Được biết, định hướng phát triển đến năm 2020, Hưng Lộc sẽ đảm bảo các điều kiện để được công nhận là đơn vị hành chính phường. Vậy, xin đồng chí cho biết tính khả thi của định hướng này?
Đồng chí Nguyễn Hữu Trung: Trên cơ sở Quyết định số 52/QĐ-TTg, ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, thành phố Vinh định hướng phát triển đối với Hưng Lộc ở tốc độ cao mang tính chất đô thị để nâng cấp thành đơn vị hành chính phường.
Năm 2014, Hưng Lộc đã đạt chuẩn xã nông thôn mới, cho thấy bước phát triển mới toàn diện của một xã thuộc thành phố, là nền tảng tốt để phát triển đô thị hóa trong những năm tới. Hưng Lộc không đặt nặng vấn đề “lên” phường, nhưng cái tất yếu của sự phát triển là phải đô thị hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố. Và theo các tiêu chuẩn phân loại đô thị thì Hưng Lộc đang rất nhiều việc phải làm, kể cả về đổi mới nếp nghĩ, cách làm của cán bộ và người dân.
Phóng viên: Như vậy, chuyện xã “lên” phường đang còn hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết. Theo đồng chí, về hạ tầng kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội của Hưng Lộc sẽ cần được điều chỉnh theo hướng nào, và xã đang gặp những khó khăn gì?
Có thể nói, Hưng Lộc đang có không ít những khó khăn, đòi hỏi trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện cần theo hướng tập trung cho các tiêu chí mũi nhọn. Để hiện thực hóa được thì phải có nguồn lực lớn, bao gồm nội lực và ngoại lực, mà hiện tại cả 2 nguồn lực này, địa phương đang hoàn toàn “rơi” vào thế thụ động.
Chẳng hạn nguồn nội lực, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho người dân đòi hỏi mỗi người dân cũng cần chủ động để dịch chuyển tư duy, phương thức sản xuất từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang làm kinh tế hộ dịch vụ - thương mại.
Và không chỉ thay đổi tư duy kinh tế mà khi trở thành công dân đô thị, mỗi người dân cũng phải thay đổi tập quán, lối sống. Đây cũng là một khó khăn nữa, bởi để thay đổi được tư duy, nếp nghĩ, cách làm không phải ngày một ngày hai. Và không chỉ người dân mà đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương cũng cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển hoạt động từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị.