(Baonghean) - Từ Quốc lộ 1A, lần theo những câu hát mênh mông, diệu vợi của Tùng Vinh “Chuyện ngày xưa người kể, cá thần về sông cổ…” để tìm đến làng Ngọc Hốt, xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) - một vùng quê ven đô yên bình, có đền Ngọc Hốt linh thiêng nổi tiếng.


Theo các cụ cao niên, đền Ngọc Hốt xưa có 3 toà hạ, trung, thượng điện, có cổng tam quan với đủ voi, ngựa uy nghi, toạ lạc trên khu đất Cửa Đền 2 mẫu, khởi dựng năm Canh Tuất (1670), thờ Thành hoàng làng là Trung Lang Bộ Lĩnh Đại vương - một danh tướng có công hộ quốc thời Trần. Thượng điện 1 gian, có tượng tướng quân oai phong lẫm liệt. Trung điện 3 gian, có 2 hàng đao kiếm, bảng hiệu sơn son thếp vàng. Hàng năm, vào Rằm tháng 6 âm lịch, làng lại long trọng tổ chức lễ rước sắc và tế lớn tại đây. Những năm Xô viết, đền là nơi hội họp của những người hoạt động bí mật; nơi dân làng tập trung, phối hợp với các làng, các tổng đi biểu tình chống thực dân, phong kiến. Trong kháng chiến, đền là trường học của làng, là trụ sở ủy ban, là nhà kho của hợp tác xã…

images1198092_dsc05985.jpgĐền Ngọc Hốt, xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên).


Sau hàng chục năm không còn dấu tích, năm 2009 đền đã được dân làng tái thiết, tôn tạo khang trang. Hiện, đền Ngọc Hốt là ngôi đền có quy mô to đẹp, nổi tiếng trong vùng. Bên cánh đồng xanh, dưới ánh nắng mai, cầu đền cong và cổng tam quan uy nghi soi bóng xuống ao đền, đẹp như một bức tranh. Bái đường là ngôi nhà 3 gian 16 cột có 2 đôi rồng và sư tử đá chầu về phía trước, được khắc, gọt sống động đến từng chi tiết, Thượng điện liền kề là ngôi nhà 1 gian, 2 tầng kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Bên trái, phía trước hạ điện là ao đền ghép gạch hình chữ nhật, có đôi rồng chầu như ngậm nước mặt ao. Những mái đền cong mang dáng dấp cổ xưa, thấp thoáng giữa vườn cây xanh mướt, được bao bọc bởi một hệ thống ao hồ sớm chiều gợn sóng, đã tôn lên vẻ đẹp hài hoà, hiếm có của đền.


Dưới chế độ phong kiến, đền Ngọc Hốt đã nhận được nhiều sắc phong của các triều đại ban cấp, hiện còn lưu giữ được 1 sắc phong của triều Tây Sơn, niên đại Cảnh Thịnh thứ 4 (1795). Vào trung tuần tháng 7 âm lịch hàng năm, dân làng lại tưng bừng mở hội rước sắc, tổ chức cúng tế tại đền long trọng như xưa, con cháu muôn phương lại hội ngộ về đây, tưởng nhớ tiền nhân, ôn cổ tri tân, cùng phát huy truyền thống quê cha đất tổ. Đền Ngọc Hốt không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân địa phương, mà còn là điểm tham quan, chiêm ngưỡng của du khách xa gần.


Làng có bản hương ước, ra đời từ đầu triều Nguyễn, niên đại Gia Long thứ 5 (1806) gồm 19 điều ngắn gọn, súc tích, quy định chặt chẽ việc tổ chức các nghi lễ; việc giữ gìn an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục… Đặc biệt, bản hương ước dành nhiều điều nói về khuyến khích học hành thi cử, trọng dụng người tài: “Lệ bản thôn có người thi đỗ đại khoa, tiền mừng là 60 quan, 1 bức trướng, trầu cau và rượu chúc mừng. Cử nhân thì 30 quan, 1 bức trướng cùng trầu cau”; “Nhà nào có con em theo học, bất luận đỗ hay không, thì các hạng sưu dịch đều theo lệ nước mà được miễn, để bồi thêm văn phong”. Bản hương ước cổ nhuốm màu thời gian, có giá trị lịch sử, văn hoá sâu sắc, là một tài sản quý, đang được các thế hệ người làng lưu truyền, gìn giữ, tham khảo trong xây dựng đời sống văn hoá mới hôm nay.


Làng xưa có chùa Ngọc Hốt ẩn mình dưới cây bàng cổ thụ. Chính điện 3 gian, toạ lạc trên khu vườn 1 mẫu, nhìn ra cánh đồng Cơn Cau. Trong chùa có nhiều tượng phật và một chiếc chuông cổ, những ngày sóc vọng, dân làng thường đến dâng hương. Từ xa xưa, chùa đã có sư trụ trì, sau này những người trong làng được cử ra, đảm nhiệm trông coi. Trong kháng chiến, chùa từng là nơi đóng trụ sở uỷ ban, cửa hàng mua bán… Ngày nay, trên vị trí chùa xưa, đã là nhà thờ họ Lê, cây bàng tuy vẫn còn, nhưng tiếng cổ chuông ngân nga và mái chùa làng thì chỉ còn trong hoài niệm.


Ngày trước, làng có 2 giếng: ở xóm Ngọc Thanh có giếng làng, ở xóm Ngọc Tiến có giếng đồng nằm cạnh cây đa cổ thụ. Dân 3 xóm của làng thường đến đây lấy nước. Làng có ruộng riêng, hàng năm cho người cày cấy lấy hoa lợi phục vụ việc chung, trong đó có chi phí khảo tát, nạo vét giếng làng. Khi làng dời chuyển khỏi vùng Nghệ Cộ, giếng làng phải nằm lại giữa cánh đồng xa. Ngày nay, giếng làng đang được người dân khoanh vùng tu sửa, với mong muốn giữ lại cho làng thêm một nét duyên xưa.


Thăm Kẻ Lót, vãn cảnh đền làng, ngẫm hương ước cổ, bâng khuâng cảnh cũ người xưa của mấy trăm năm. Dẫu đã chia tay, nhưng câu ca viết về vùng đất ấm tình thôn dã ấy vẫn còn thổn thức, bồi hồi trong tâm tưởng như níu kéo người về: “Có bao giờ ta quên được Ngọc Tiến quê cha, nơi có cây đa, giếng đồng nước ngọt. Có bao giờ ta quên được Ngọc Thanh quê mẹ, nơi có đền làng Ngọc Hốt linh thiêng”.

Huy Thư