(Baonghean) - Đã bước qua tuổi bát tuần, say sưa với điệu tuồng cổ, cụ Phan Đỉnh (xã Diễn Hoàng, Diễn Châu) được người dân quê nơi đây trìu mến gọi “người làm sống lại tuồng cổ” trên đất Hà Trung...

“Say” tuồng từ bé
 
Cụ kể, từ thời tóc còn để chỏm, cụ đã theo chân ông, bà hoà mình vào dòng người quây quần chật kín sân đình Tám Mái để xem tuồng mỗi tối. Những vở tuồng cổ tái hiện câu chuyện lịch sử với những đào kép, hề, vua quan, lính tráng... trên sàn sân khấu làng có sức hấp dẫn đến lạ kỳ với cụ Phan Đỉnh. Cụ hồi hộp chờ đợi, buồn vui, yêu ghét với từng nhân vật. Rồi ngày ngày cụ Phan Đỉnh tự tập cách hát, cách xướng điệu, biểu diễn say sưa. Lớn lên, cụ Phan Đỉnh là một trong số những “kép” hạng diễn tuồng nức tiếng ở Hà Trung, với những vai hề, hoạn quan…lưu dấu ấn trong nhiều tích tuồng cổ.
images1198943_img_3742__1_.jpgCụ Phan Đỉnh (Diễn Hoàng, Diễn Châu) bên những bộ trang phục biểu diễn.
Trong suốt những năm tháng chiến tranh, tuồng cổ Hà Trung bị đứt quãng một thời gian. Nhưng tình yêu với môn nghệ thuật dân tộc ấy thì vẫn âm ỉ cháy trong tâm hồn những người con đất tuồng. Vào khoảng đầu những năm 2000, tuồng cổ bắt đầu được gây dựng lại bởi những người mê tuồng như cụ Đỉnh… 
 
Dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng cụ vẫn còn say tuồng lắm. Khi nói về nghệ thuật tuồng cổ của làng, gương mặt cụ bừng sáng. Cụ cho chúng tôi xem một cuốn sổ nhỏ đã ngả màu thời gian, với từng trang ghi chép bằng tay tỷ mẩn. Trong đó có gần chục tích tuồng cổ cụ đã dày công sưu tầm và lưu giữ lại. Vừa nâng niu cuốn sổ như vật “gia bảo” cụ về kể về hành trình ngược xuôi từ Diễn Mỹ, Diễn Lợi… rồi ra tận Yên Thành để sưu tầm lại những tích tuồng trong hơn chục năm qua. Cụ còn tự mình học hỏi thêm những điệu bộ, diễn xuất trong từng tích tuồng từ những hạt nhân tuồng trên đất Phủ Diễn; học qua những vở tuồng cổ được chiếu trên  ti vi...
 
Tuồng cổ dường như có sức hút kỳ lạ với cụ. Để tái hiện lại các tích tuồng cổ, cụ còn tự tay khâu hàng chục bộ trang phục diễn tuồng từ các bộ giáp, mũ, áo bào, đôi hài… cho đến các loại đạo cụ kiếm, đao, cung tên, cờ… Cụ giới thiệu về từng bộ trang phục diễn trong “kho tài sản quý” của mình với giọng đầy tự hào: “Khoảng 15 bộ trang phục của vua, quan, lính tráng… này có thể phục vụ cho rất nhiều vở diễn. Cầu kỳ nhất vẫn là công đính các loại hạt kim sa lên trên từng bộ; cần phải chính xác  từng chi tiết nhỏ, bởi trong nghệ thuật tuồng, trang phục biểu diễn góp phần rất lớn làm toát lên vai diễn. Mỗi bộ trang phục như một tác phẩm nghệ thuật mà cụ đã cầu kỳ may bằng tay đến hàng tháng trời. Không ngại vất vả, khó khăn, có những bận cụ còn lặn lội tìm tới những cái nôi tuồng cổ như Hà Nội, Bắc Giang vào Bình Định… để vừa học hỏi những điệu  tuồng mới, vừa tìm mua các loại vật liệu vải, hạt kim sa về khâu, đính lên từng món phục trang. Tất cả đều được cụ làm một cách tự nguyện và tự túc, “cũng vì tui đam mê tuồng quá” - cụ Đỉnh bộc bạch. 
 
“Giữ lửa” tuồng
 
Tâm huyết ấy của cụ đã khởi nguồn cho sự ra đời của Câu lạc bộ tuồng cổ Hà Trung và hơn hết là bồi đắp và trao truyền tình yêu tuồng cổ cho những người dân nơi đây. Ngôi nhà nhỏ của gia đình cụ nơi bìa làng, hướng ra đình làng Tám Mái là điểm hẹn của câu lạc bộ tuồng mà chúng tôi may mắn được tham gia một buổi tập. Câu lạc bộ đã quy tụ được gần 20 chị em trong làng, hầu hết tầm tuổi trung niên. Trong những buổi tập, cụ Đỉnh trở thành “tổng đạo diễn” vừa phân vai cho từng người, chuẩn bị trang phục diễn, uốn nắn từng động tác cho diễn viên… Nhìn cụ tỉ mỉ hướng dẫn từng người nhập tâm, say sưa với từng nhân vật mới thấy hết tình yêu trọn đời mà cụ dành cho những vở tuồng. 
 
Bà Nguyễn Thị Sáu năm nay đã ngoài ngũ tuần luôn đảm nhận vai đào kép chính trong các vở diễn tuồng của làng tâm sự: “Sinh ra trên đất tuồng nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ đến rằng một ngày mình cũng có thể diễn tuồng như ông cha mình thưở trước. Cụ Đỉnh chính là người chỉ dạy cho chúng tôi diễn tuồng một cách bài bản, từ những động tác diễn đơn giản đến phức tạp; rồi cả cách thổi hồn vào từng nhân vật, biểu cảm nét mặt… Cụ đã tiếp thêm  tình yêu nghệ thuật truyền thống của quê hương trong người dân quê chúng tôi”. 
 
Câu lạc bộ tuồng Hà Trung thu hút đông đảo người dân trong làng tham gia. Những điệu tuồng cổ giờ đây như đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của người làng Hà Trung. Các bà, các chị trao truyền câu hát tuồng cổ trên cánh đồng mùa gặt, vụ cấy… Lời ca trong những tích tuồng: Trọng Thuỷ - Mỵ Châu; Trưng Trắc - Trưng Nhị, Ngọn lửa Hồng Sơn, Trần Quốc Toản ra quân… trở thành những lời ru, lời trò chuyện ứng tác trong đời sống.
 
Cũng nhờ có cụ Phan Đỉnh luôn khởi xướng và đi đầu trong các phong trào nên CLB hoạt động rất sôi nổi. Mỗi vở diễn đều có vai trò rất lớn của cụ: chuẩn bị kịch bản, đạo diễn, trang phục và cả hoá trang cho từng nhân vật… Vừa làm cụ vừa “truyền nghề” cho các thành viên trong đội. Nhiệt huyết của cụ đã tiếp thêm niềm say mê tuồng trong từng thành viên CLB. Nhờ đó mà trong những hội diễn, Lễ hội Đền Cuông, giao lưu cụm, CLB tuồng Hà Trung đều để lại ấn tượng đặc biệt. 
 
Với cụ, người “giữ lửa” tuồng cổ trên đất này thì không có hạnh phúc nào hơn là được cùng những người dân quê mình mang những làn điệu chộn rộn, đắm say ấy quảng bá khắp mọi nơi. Song trong sâu thẳm nỗi lòng của “người làm sống lại tuồng cổ Hà Trung” vẫn không thôi trăn trở khi lớp trẻ bây giờ ít ai thích và kiên trì học hỏi, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống của quê hương…
 
Đinh Nguyệt