(Baonghean) - Nằm ven tả ngạn Lam giang, làng Thượng Thọ (xã Thanh Văn - Thanh Chương) hiện lên với dải đất xanh tươi cây cối và những cánh đồng nhỏ bao quanh. Ngôi làng đã có lịch sử khoảng 600 năm, gắn liền với sự khai phá và phát triển của dòng họ Nguyễn Tài - một dòng họ khoa bảng khá nổi tiếng trên quê hương xứ Nghệ. Qua dòng chảy của thời gian, truyền thống xưa không ngừng được gìn giữ và bồi đắp, thế hệ hôm nay đang tiếp nối để viết thêm trang sử mới cho quê hương.

images1199442_a5_1s_ng_lam_do_n_qua_l_ng_thu_ng_th___x__thanh_van__thanh_chuong_.jpgSông Lam đoạn qua làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn (Thanh Chương).


Chúng tôi đã có 2 lần được ghé về làng Thượng Thọ. Lần thứ nhất cách đây đã hơn 4 năm, khi theo chân một thầy giáo ở Viện Văn học về đưa tang Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Tài và của cả đất Nghệ An. Lần ấy, không có nhiều thời gian để tìm hiểu về mạch nguồn truyền thống, chỉ kịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp mang màu sắc cổ kính của vùng đất này. Và lần này, khi những trà lúa hè - thu được những cơn mưa rào tưới mát, có những thửa ruộng lúa đã đơm bông. Từ triền đê nhìn qua cánh đồng, vẻ đẹp của làng hiện lên với những rặng dừa, hàng cau cao vút, mướt mát một màu xanh. Những ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương ẩn mình dưới rặng cây, những con đường bao quanh được bê tông hóa càng thêm sạch đẹp. Sông Lam qua đây dường như cũng có ít nhiều sự khác lạ, dòng nước uốn quanh, lững lờ chảy như quyến luyến, muốn lưu lại lâu hơn để bồi đắp thêm phù sa cho vùng đất này. Có đồng, có sông, nằm không xa quốc lộ, hình thế này đã mang lại cho làng Thượng Thọ nhiều cơ hội được giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài, con em của làng có dịp được “cất cánh” vươn xa và khi trở về thường mang theo niềm tự hào cho quê hương, dòng họ.


Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Tài Thiều - Tộc trưởng của dòng họ Nguyễn Tài và được ông kể một cách sơ lược về truyền thống của đất và người Thượng Thọ. Theo lời vị tộc trưởng, thì thủy tổ của dòng họ Nguyễn Tài làng Thượng Thọ là Nguyễn Hiền và Nguyễn Trung Ngạn - hai bậc tuổi trẻ tài cao, sớm được ghi danh bảng vàng và lập được nhiều công trạng dưới triều đại nhà Trần. Tổ tiên của dòng họ về đây khai khẩn đất đai và lập nên làng Thượng Thọ đã được khoảng 600 năm. Khi dừng chân tại vùng đất này, các bậc tiền bối đã nhận thấy được thế đất, hình sông sẽ giúp cho dòng họ được trường tồn, con cháu sẽ có một tương lai xán lạn, sự học và truyền thống khoa cử sẽ được bồi đắp và mãi mãi được tươi xanh như dòng sông và cánh đồng phía trước.

Thời phong kiến, đơn vị làng và họ thường gắn liền chặt chẽ với nhau, các dòng họ lớn thường quần tụ thành một làng, vì thế một số nơi người dân đã lấy tên dòng họ đặt thành tên làng. Làng Thượng Thọ xưa kia là nơi sinh sống của dòng họ Nguyễn Tài, nói đến dòng họ này là nói đến làng Thượng Thọ và ngược lại. Quá trình vận động và phát triển, thêm nhiều mối quan hệ xã hội được hình thành và xác lập, làng Thượng Thọ ít nhiều đã có sự đổi thay, có thêm 4-5 dòng họ khác về đây cùng sinh sống. Ngày nay, về mặt hành chính, làng Thượng Thọ gọi là xóm 4, xã Thanh Văn với gần 150 hộ, trong đó khoảng 70% số hộ thuộc dòng họ Nguyễn Tài, còn lại là thuộc các dòng họ khác mới về đây sinh sống.

Các sắc phong, chiếu chỉ của triều đình nhà Nguyễn đang được lưu giữ tại nhà thờ chi 2, họ Nguyễn Tài.


Thành viên dòng họ Nguyễn Tài thường nhắc nhở thế hệ con cháu rằng vùng đất này thiên nhiên khắc nghiệt, hết mưa dầm đến nắng lửa, đất đai lại chật hẹp, cỗi cằn, nếu con người không có ý chí vượt lên thì mãi mãi phải chấp nhận cảnh đói nghèo, thiếu thốn. Muốn vượt lên đói nghèo, sự học là con đường bền vững và hứa hẹn có tương lai tươi sáng nhất. Ngày xưa, học để thi cử và đỗ đạt làm quan; ngày nay học để có tri thức, có việc làm ổn định. Vì thế, phải đặt sự học lên hàng đầu, bố mẹ dù có phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa thay cơm nhưng quyết không để con cái thất học. Ông bà, bố mẹ thường đưa tấm gương hiếu học và đỗ đạt của các vị thủy tổ, tiền bối để bày dạy con cái và xem đó là điểm tựa tinh thần, là động lực cho việc theo đuổi sự nghiệp bút nghiên, khoa cử và học tập.


Tôn trọng và chăm lo sự học nên đời nào dòng họ Nguyễn Tài cũng có người đỗ đạt cao và được vinh quy bái tổ, thăng quan tiến chức, góp phần làm rạng danh cho quê hương. Người trước tiên phải kể đến là Nguyễn Tài Tuyển (1837 - 1884), đỗ Tiến sỹ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Tự Đức thứ 30 (1877), cùng khoa với chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng. Tên tuổi của Nguyễn Tài Tuyển được khắc tại văn bia và dựng ở Văn Miếu Quốc Tử giám...Tại nhà thờ chi 2 họ Nguyễn Tài vẫn còn lưu giữ khá nhiều bản sắc phong, chiếu chỉ của triều đình nhà Nguyễn ban tặng cho những người con của dòng họ. Những “báu vật” này luôn được giữ gìn cẩn thận, vào dịp tế tổ mới đưa ra để con cháu được chiêm ngưỡng và vun đắp thêm quyết tâm trên con đường học hành, lập nghiệp.

Viết tiếp trang sử và truyền thống khoa bảng của dòng họ, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn (1926 - 2011) - hậu duệ của Tiến sỹ Nguyễn Tài Tuyển được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành Việt ngữ học. Ông có công đặt nên móng cho việc nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, từng được các trường đại học danh tiếng của Mỹ và Pháp mời thỉnh giảng, được giới ngôn ngữ học quốc tế mến mộ. Dòng họ Nguyễn Tài còn có một người được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, đó là nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, tác giả những ca khúc đi cùng năm tháng như “Xa khơi”, “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”. Về làng Thượng Thọ, bà con thường nhắc đến nhà giáo Nguyễn Tài Đại, người từng làm việc tại Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Chánh Văn phòng cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi về làm Trưởng ty Giáo dục Nghệ Tĩnh. Ngoài lĩnh vực chuyên môn, Nguyễn Tài Đại còn có tài làm thơ và câu đối, kết giao rộng rãi với bạn bè.

Nhà thờ chi 2, họ Nguyễn Tài ở làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn (Thanh Chương).


Tiếp nối truyền thống, dòng họ Nguyễn Tài ở thế hệ nào cũng có người đỗ đạt cao, công tác trong ngành Giáo dục và các lĩnh vực khác, góp phần vào sự hội nhập và phát triển của đất nước. Cũng theo lời Trưởng tộc Nguyễn Tài Thiều, dòng họ Nguyễn Tài làng Thượng Thọ hiện có trên 10 người có học vị Tiến sỹ, trên 30 người có học vị Thạc sỹ, còn người tốt nghiệp đại học thì không thể kể hết. Ở lứa tuổi học sinh, năm học nào con cháu dòng họ cũng có người được công nhận danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện. Với dòng họ Nguyễn Tài, sự học và việc chăm lo học hành cho con cái luôn được đặt lên hàng đầu và đã hun đúc thành truyền thống.

Ở làng Thượng Thọ, không ít gia đình khó khăn, vất vả nhưng bố mẹ luôn quyết tâm cho các con học chu đáo, không thua bạn kém bè. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Tài Thí, là thương binh hạng nặng, bị mất 1 chân nhưng vẫn quyết tâm làm lụng để nuôi các con ăn học. Thương bố mẹ tảo tần khuya sớm, 4 người con của ông quyết tâm báo hiếu bằng kết quả học hành, anh em Nguyễn Tài Văn, Nguyễn Tài Tiến, Nguyễn Tài Toàn và Nguyễn Thị Hậu lần lượt bước vào giảng đường đại học. Đến nay, tất cả đã tốt nghiệp ra trường, người làm giảng viên đại học, người làm bác sỹ, người làm cán bộ tòa án, ai cũng ghi lòng tạc dạ công ơn của bố mẹ và hứa sẽ nuôi dạy con cháu nên người để nối tiếp truyền thống dòng họ và không phụ lòng các bậc sinh thành. Gia đình ông Nguyễn Tài Tiên cũng có 4 người con đều được ăn học thành tài, và hiện nay đều là cán bộ, công chức. Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả, sự học chưa được chăm lo nhưng vợ chồng ông Tiên không ngại đầu tư cho các con theo học và đỗ đạt là cả một kỳ tích. Rồi gia đình ông Nguyễn Tài Thường, Nguyễn Tài Thiều và nhiều gia đình khác con cháu đều được theo học thành tài, trở thành những cán bộ, giáo viên và sỹ quan quân đội, công an mẫu mực.


Ông Nguyễn Tài Thiều cho biết thêm: “Để động viên, khuyến khích con cháu chăm lo học hành, nối tiếp truyền thống tổ tiên, Hội đồng gia tộc phát động gây dựng nguồn quỹ khuyến học. Vào ngày tế tổ (13 tháng Giêng âm lịch hàng năm), con cháu khắp cả nước tìm về, hành lễ xong sẽ trao phần thường cho con em có thành tích cao trong học tập”.


Bây giờ có dịp đến Thượng Thọ, hẳn ai cũng đậm trong ấn tượng một miền quê trung du có nét rất riêng, ấy là hồn cốt làng nơi đất phát nhân tài của xứ Nghệ.


 Tường Anh