Chồng chất mâu thuẫn
Chẳng phải đến bây giờ, quan hệ giữa hai nước láng giềng Armenia và Azerbaijan mới nổi sóng. Nhìn lại lịch sử, những mâu thuẫn đã tồn tại âm ỉ giữa hai bên từ khi còn thuộc Liên bang Xô Viết trước đây. Khi đó, khu vực Nagorny - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan và do nước này quản lý. Tuy nhiên, đa số dân cư tại khu vực này lại là người gốc Armenia nên luôn ấp ủ mong muốn sáp nhập vào Armenia. Thực tế này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai bên.
Dưới thời Liên Xô, ranh giới giữa các nước thực tế chỉ là địa giới hành chính, tuy nhiên khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, các đường ranh giới này đã trở thành biên giới quốc gia. Từ đó, vấn đề tranh chấp chủ quyền càng trở nên sâu sắc hơn, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài đến tận tháng 5/1994. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Minsk, xung đột vẫn tiếp diễn tại khu vực này. Chưa hết, đa số người dân Azerbaijan theo Hồi giáo, còn Armenia theo Thiên chúa giáo, cũng đã dẫn tới những mâu thuẫn sâu sắc về tôn giáo và sắc tộc.
Giọt nước tràn ly khi ngày 27/9 vừa qua, giao tranh dữ dội xảy ra giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan liên quan khu vực Nagorny - Karabakh. Cả 2 đều cáo buộc lẫn nhau về các cuộc tấn công từ bên kia qua biên giới chung. Hàng loạt nước như Nga, Pháp và Mỹ đã yêu cầu các lực lượng hai bên ngừng bắn ngay lập tức, đồng thời kêu gọi trở lại đàm phán không trì hoãn. Hay ngày 29/9, trong một tuyên bố được toàn bộ 15 nước ủy viên đồng thuận, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Antonio Guterres rằng, các bên cần lập tức chấm dứt giao tranh, giảm căng thẳng và nhanh chóng quay lại đàm phán. Các nước cũng “kịch liệt lên án việc sử dụng vũ lực và lấy làm tiếc về việc có dân thường thương vong” những ngày qua. Thế nhưng, bất chấp lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã thẳng thừng bác bỏ bất kỳ khả năng đàm phán nào. Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng tuyên bố rằng, đàm phán không thể diễn ra trong khi giao tranh tiếp tục.
Lý giải vì sao xung đột lại bùng phát vào thời điểm hiện nay và nghiêm trọng hơn nhiều so với các lần trước đây, giới quan sát cho rằng, có vẻ như Azerbaijan hiện đã củng cố được lực lượng quân đội mạnh mẽ và muốn quyết tâm giành lại vị trí và ảnh hưởng tại khu vực. Quan trọng hơn, có ý kiến cho rằng, nước này đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của một quốc gia láng giềng khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi, một bên của cuộc xung đột là Armenia từ trước tới nay vẫn có quan hệ đồng minh tốt đẹp với Nga!
Cuộc chiến ủy nhiệm?
Nhìn lại thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ- quốc gia láng giềng của cả Armenia và Azerbaijan đã có những động thái và bước đi đáng chú ý liên quan đến điểm nóng Nagorny - Karabakh. Trong khi hầu như tất cả các nước và cộng đồng quốc tế đều kêu gọi 2 bên kiềm chế chấm dứt xung đột, riêng Thổ Nhĩ Kỳ không ngại tuyên bố đứng về phía Azerbaijan và sẵn sàng giúp đỡ nước này. Không chỉ liên tục có các tuyên bố ủng hộ Azerbaijan về mọi mặt đặc biệt là chính trị, Thổ Nhĩ Kỳ mới đây còn tuyên bố sẽ hỗ trợ về quân sự cho nước láng giềng trong mọi trường hợp. Trong diễn biến mới đây, Bộ Quốc phòng Armenia còn thông báo, một máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay Su-25 của Không quân Armenia. Vụ việc xảy ra trong không phận Armenia khi máy bay của Không quân nước này đang thực hiện nhiệm vụ quân sự, khiếm phi công thiệt mạng. Tất nhiên về phần mình, cố vấn truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Altun bác bỏ và nhấn mạnh đây là thông tin “hoàn toàn không đúng”. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cũng bác bỏ thông tin này.
Dù chưa biết ai đúng - ai sai nhưng theo giới phân tích, đây rõ ràng là những bước đi thể hiện tham vọng của Ankara trong các vấn đề nóng khu vực như đã từng làm ở Libya, Syria... nhằm thể hiện vai trò và tiếng nói của Ankara trước một nước Nga đang có ảnh hưởng mạnh mẽ. Nhất là khi, xung đột tại điểm nóng Nagorny - Karabakh có nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến hành lang dẫn dầu và khí đốt trong khu vực dẫn đến các thị trường rộng lớn trên thế giới.
Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng muốn cùng Azerbaijan giành quyền kiểm soát khu vực, đồng thời giảm bớt sự lệ thuộc vào Nga trong vấn đề năng lượng. Đó là chưa kể, “đẩy căng” xung đột tại Nagorny - Karabakh cũng là một cách để gây sức ép với Nga phải nhượng bộ trên các chiến trường Trung Đông - Bắc Phi. Dễ hiểu, bởi Nga vốn cũng đang có khá nhiều hồ sơ nóng phải bận tâm như Syria, Libya hay vấn đề Belarus... Căng thẳng Armenia - Azerbaijan sẽ chỉ gây khó và khiến Nga thêm bận tâm.
Về phần mình, Nga từ trước đến nay có quan hệ tốt với cả 2 nước, dù có quan hệ chặt chẽ hơn với Armenia do cùng là thành viên của Tổ chức An ninh tập thể (CSTO). Thế nhưng, Moscow vẫn chủ trương cân bằng quan hệ với cả hai bên, do không muốn bất đắc dĩ phải đón nhận dòng người tỵ nạn từ khu vực tranh chấp, đặc biệt khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và nền kinh tế vẫn chưa đi vào quỹ đạo.
Bởi thế, dù Thổ Nhĩ Kỳ có bằng nhiều cách để kéo Nga vào vòng xoáy phức tạp này nhưng có lẽ, Tổng thống Putin đủ tỉnh táo để giữ vững vai trò trung gian hòa giải. Nếu có bất kỳ sự can dự nào từ phía Nga cũng sẽ phải chờ đến khi có sự “cầu cứu” của Armenia với vai trò thành viên của CSTO. Tất nhiên khi đó, Nga sẽ hành động một cách thận trọng theo đúng các thỏa thuận đã có trong CSTO. Vì hơn ai hết, ông Putin hiểu rõ rằng, một khi va chạm nóng xảy ra, ngọn lửa xung đột sẽ được dịp bùng lên khắp vùng Trung Á vốn đã nóng bỏng. Và đây sẽ là kịch bản mà ai cũng sẽ là bên thua cuộc!