Từ “chân rết” của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya
Trong một hội nghị trực tuyến mới đây, 5 quốc gia gồm Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hy Lạp, Pháp và Cộng hòa Síp đã ra tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về tình hình leo thang bạo lực tại Libya, đồng thời chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Libya đang khiến quốc gia này thêm bất ổn, đe dọa tới sự ổn định của các nước láng giềng khác ở châu Phi.
Tuyên bố chung được 5 nước đưa ra sau những bước đi gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ như hỗ trợ quân sự cho Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận của Thủ tướng Fayez al-Sarraj, không ngăn chặn dòng chiến binh nước ngoài tràn từ Syria sang Libya… 5 nước cáo buộc đây là những bước đi vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc với Libya, theo đó không quốc gia nào được viện trợ vũ khí cho bất kỳ phe phái nào tại Libya.
Kể từ khi cuộc nội chiến xảy ra ở Libya dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Qaddafi hồi năm 2011, cục diện chính trị tại quốc gia Bắc Phi này ngày càng được quốc tế hóa, với những thế lực nước ngoài đứng sau Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj ở Thủ đô Tripoli và chính phủ ở miền đông của Nguyên soái Khalifa Haftar. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn đứng về phía Chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Sarraj, xuất phát từ nhu cầu bảo vệ mối quan hệ mà Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng với Libya từ thời chính phủ Qaddafi - mối quan hệ mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ những lợi ích cả về kinh tế và chính trị.
Trước khi chiến sự nổ ra tại Libya, 25% số lao động Thổ Nhĩ Kỳ tại các nước Ả-rập làm việc tại Libya. Dưới thời kỳ Gaddafi, số hợp đồng mà người Thổ Nhĩ Kỳ giành được tại Libya lên tới 18 tỷ USD. Nếu Nguyên soái Khalifa Haftar giành quyền kiểm soát Libya, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mất nhiều hợp đồng lớn trong các lĩnh vực xây dựng, cơ sở hạ tầng, kinh doanh dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc có nhiều nhân vật theo đạo Hồi trong Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya là một lợi thế để ông Erdogan duy trì tầm ảnh hưởng ở quốc gia thuộc có nguồn tài nguyên dầu khí lớn nhất ở châu Phi.
Năm 2018, Libya chiếm 1,1% sản lượng dầu thế giới. Tới năm 2019, Libya đã tăng sản lượng dầu thô lên mức cao nhất trong 7 năm, với 1,15 triệu thùng/ngày, chiếm 2,8% sản lượng của toàn thế giới. Với dân số ít, phần lớn sản lượng dầu khí khai thác được của Libya được xuất khẩu, và đó là “sự bổ sung hoàn hảo” cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là nền kinh tế lớn thứ 19 trên thế giới nhưng lại nghèo tài nguyên năng lượng.
Nhiều người so sánh việc Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) của Thủ tướng Fayez al-Sarraj cũng giống như việc Nga bảo vệ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính nhờ sự hậu thuẫn của lực lượng xe thiết giáp và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ mà GNA có thể giữ được Tripoli, trụ vững trước các cuộc tấn công ồ ạt của chính phủ miền đông của Nguyên soái Khalifa Haftar hồi năm ngoái.
Nhưng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya lại “lọt vào tầm ngắm” của các quốc gia trong khu vực là vì Libya chỉ là bàn đạp để Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng tầm ảnh hưởng ra phạm vi rộng hơn, trong đó có khu vực đặc biệt quan trọng là vùng biển phía đông Địa Trung Hải - một “bàn cờ năng lượng” tiếp giáp giữa Trung Đông, châu Phi và châu Âu.
...tới cuộc chiến năng lượng trên biển
Trong tuyên bố chung của Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hy Lạp, Pháp và Cộng hòa Síp, không những Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích vì đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc với Libya mà còn bị chỉ trích vì những hành động làm leo thang căng thẳng ở khu vực phía đông Địa Trung Hải như tiến hành hoạt động khai thác gây tranh cãi ở vùng biển của cộng hòa Síp hay máy bay di chuyển qua không phận của Hy Lạp.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ viện dẫn Thỏa thuận an ninh và kinh tế ký kết giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Fayez al Serraj để bảo vệ những hành động của mình. Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc ở Libya sẽ nhận được thiết bị quân sự, vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được cùng Libya bảo vệ các quyền lợi ở vùng biển ven bờ Libya nằm trong vùng biển phía đông Địa Trung Hải.
Thổ Nhĩ Kỳ phản bác cáo buộc của Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hy Lạp, Pháp và Cộng hòa Síp, coi đây là hành động làm tổn hại đến nền dân chủ của Libya, bởi Libya có quyền ký kết các thỏa thuận song phương với những quyền lợi và nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc ngược lại Hy Lạp và Cộng hòa Síp né tránh đối thoại một cách thiện chí với Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất tham gia “liên minh ma quỷ” vì sự thù địch lâu năm với Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc Pháp tìm cách gây bất ổn để củng cố vai trò của người bảo trợ trong thế giới Hồi giáo.
Theo giới phân tích, những diễn biến căng thẳng mới trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với 5 nước trong khu vực tiếp tục hé lộ những tính toán chiến lược của các bên tại vùng biển đông Địa Trung Hải. Trữ lượng khí đốt khổng lồ ở khu vực này là nguồn cung cấp dồi dào cho các nhà máy khai thác của Ai Cập và Israel. Hy Lạp và Cộng hòa Síp gần đây đã có nhiều thỏa thuận với Ai Cập và Israel liên quan đến việc khai thác khí đốt ở khu vực này.
Bên cạnh đó, hồi tháng 1/2020, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Israel đã ký một thỏa thuận xây dựng đường ống dưới biển East-Med dài 1.900km để vận chuyển khí đốt từ các mỏ khí phía đông Địa Trung Hải qua Hy Lạp, Cộng hòa Síp, Italia và tỏa đến các nước châu Âu.
Dự án này dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025, vận chuyển được 10 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và được coi là một “cứu cánh” để châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga. Đó chính là lý do cuộc chiến trên “bàn cờ năng lượng” khu vực Địa Trung Hải này nhận được sự quan tâm của cả các quốc gia châu Âu, đi đầu là Pháp.
Trong khi đó, với thỏa thuận ký an ninh và kinh tế ký với chính phủ Libya, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập quyền ngăn cản bất cứ dự án nào liên quan đến năng lượng ở vùng biển đông Địa Trung Hải và không có sự đồng ý của Thổ Nhĩ Kỳ - một quyền lực không hề nhỏ để Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị trong khu vực.
Sau khi Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Hy Lạp, Pháp và Cộng hòa Síp ra tuyên bố chung, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi các nước giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế. Dù cuộc đối thoại có cơ hội diễn ra hay không, nhưng những diễn biến này một lần nữa cho thấy, gần 10 năm sau Mùa xuân Ả-rập, đất nước Libya vẫn tiếp tục bị xoay vần trong những toan tính của các thế lực bên ngoài, và “mùa xuân” thực sự mà đất nước Libya chờ đợi vẫn còn rất xa vời.