Ý thức sâu sắc trọng trách đại biểu nhân dân
Tuy Quốc hội khóa XV mới chỉ diễn ra Kỳ họp thứ nhất, song qua theo dõi hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An, có thể thấy, mỗi đại biểu dù trên cương vị, môi trường công tác khác nhau song đều ý thức sâu sắc trọng trách của người đại biểu nhân dân, đại diện cho hơn 2 triệu cử tri và hơn 3,3 triệu người dân của tỉnh; tham gia tích cực, sôi nổi các hoạt động của Quốc hội. Tập thể Đoàn cũng như cá nhân mỗi đại biểu để tập trung phát huy năng lực chuyên môn, trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, thảo luận kỹ lưỡng, phân tích sâu sắc, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, góp phần cùng với Quốc hội thực hiện có hiệu quả các hoạt động theo chương trình đề ra.
Trước Kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức làm việc với UBND tỉnh và các ngành có liên quan để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và các kiến nghị, đề xuất của tỉnh đối với Trung ương để chuyển tải tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, Đoàn tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội trong Đoàn để nghiên cứu tham gia phát biểu tại diễn đàn Kỳ họp.
Tại Kỳ họp, đoàn đã có 25 lượt đại biểu tham gia phát biểu thảo luậnvề các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An có 13 đại biểu (6 đại biểu hoạt động chuyên trách, 7 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm), trong đó có 6 đại biểu công tác tại các cơ quan Trung ương, 7 đại biểu công tác tại địa phương.
Thực hiện hiệu quả quyền lực Nhà nước trong Quốc hội
Phát biểu về trọng tâm hoạt động của Quốc hội khóa XV, lãnh đạo Quốc hội đã xác định sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp, đổi mới giám sát tối cao, đồng thời nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bám sát vào định hướng trên cũng như gắn với đặc điểm, tình hình Nghệ An, theo đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho biết, Đoàn đã xác định các nhóm nội dung trọng tâm trong 5 năm tới.
Trước hết, gắn với nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội là hoạt động lập pháp, thể chế, cụ thể hóa các quyết sách quan trọng được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đoàn xác định tham gia xây dựng các dự án luật là nhiệm vụ trọng tâm để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đoàn sẽ căn cứ nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch góp ý xây dựng các dự án luật của Đoàn. Các hình thức lấy ý kiến vào các dự án luật sẽ được tổ chức đa dạng như: Tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến góp ý bằng văn bản từ các chuyên gia, cộng tác viên xây dựng pháp luật, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của văn bản luật sẽ ban hành.
Cùng với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tham gia tích cực hoạt động giám sát của Quốc hội, nhất là giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; chú trọng giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; đồng thời, chủ động triển khai các hoạt động giám sát tại địa phương. Thông qua hoạt động này, Đoàn sẽ đề xuất những chủ trương, giải pháp với Quốc hội, Chính phủ đối với những vấn đề hoạch định chính sách mang tính vĩ mô, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; góp phần phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đoàn cũng sẽ có các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo hướng ngày càng chính xác, thực chất hơn, nhất là việc quyết định ngân sách Nhà nước, các vấn đề về kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy Nhà nước, các Chương trình mục tiêu Quốc gia, các dự án công trình quan trọng quốc gia; đồng thời dành thời gian để khảo sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của cử tri, chuyên gia làm cơ sở để tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đặc biệt, cũng theo đồng chí Thái Thị An Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri; tăng cường đôn đốc, giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri của các cơ quan hữu quan. Đối với những vấn đề cử tri còn nhiều bức xúc và kiến nghị nhiều lần, Đoàn sẽ lập kế hoạch làm việc với UBND tỉnh và các sở, ngành hữu quan để làm rõ hơn những kiến nghị cử tri phản ánh, giám sát, đôn đốc giải quyết các kiến nghị cụ thể của cử tri.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng xem công tác tiếp công dân, theo dõi việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; mà còn là biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Do đó, trên cơ sở kế hoạch tiếp công dân của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn sẽ xây dựng lịch tiếp công dân của Đoàn đại biểu Quốc hội định kỳ hàng tháng. Đối với một số vụ việc khiếu kiện kéo dài, tính chất phức tạp, Đoàn sẽ tổ chức các buổi làm việc với cơ quan có liên quan để nghe quá trình giải quyết và đề xuất phương án giải quyết tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật.