Tiếp tục chương trình làm việc ngày 24/7, buổi sáng, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19.

bna_19381827_2472021.jpgToàn cảnh phiên thảo luận tổ của đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Nghệ An, Cao Bằng, Lâm Đồng. Ảnh: Phan Hậu

Tiếp đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đoàn đai biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận tổ với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lâm Đồng và Cao Bằng.

Về nội dung này, đại biểu Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thực tế còn vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư công, trong đó, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.

Trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cần rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia để có đầu tư trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, không vì thế mà làm chậm tiến độ triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 của Quốc hội đã phê duyệt về chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 24/7. Ảnh: Phan Hậu

Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới. 

Sau đó, các đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2019; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Thảo luận tại tổ về nội dung này,  Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An cho rằng, trong thời gian qua việc thực hiện trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là trong đầu tư công, có nhiều công trình, dự án đầu tư không hiệu quả, giàn trải, chậm tiến độ, mục đích sử dụng thấp…

Theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, phải tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách đề ra tiêu chí, định mức, danh mục cụ thể sát thực tế; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi đối tượng trong xã hội, trước hết là cán bộ quản lý, đảng viên để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ chiều 24/7. Ảnh: Phan Hậu

Cũng trong chương trình kỳ họp, chiều nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã thống nhất về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.

Trước đó, ngày 23/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tham gia thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Trong đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An có ý kiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành chủ trương đầu tư và phê duyệt Chương trình Mục tiêu tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 và hệ thống các chính sách, dự án giảm nghèo cho giai đoạn tới để các địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện; sớm ban hành văn bản hướng dẫn quy trình điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo mới để các địa phương có cơ sở xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức điều tra, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo kịp thời theo Nghị định 07/2021-NĐ/CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2021-2025. 

Nghiên cứu ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó, không quy định tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương nhằm tạo điều kiện cho các địa phương khó khăn về nguồn thu ngân sách được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trên cơ sở rà soát, thống kê số liệu gắn với các tiêu chí liên quan.

Về xây dựng nông thôn mới, cần có các giải pháp cụ thể hỗ trợ về nguồn lực cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công nghệ chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia để vừa kêu gọi các nguồn lực xã hội, vừa thực hiện việc lồng ghép, xây dựng đồng bộ các chương trình, dự án đầu tư;  tổng hợp, công khai, minh bạch các nguồn lực của xã hội… ban hành pháp lệnh để có hành lang pháp lý thực hiện xã hội hóa các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.