Điểm đầu tiên chúng tôi đến là Vũng Chùa, Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Con đường dẫn lên khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp chật kín người. Không ai bảo ai, một không khí trật tự và nghiêm trang lan tỏa, từng người thành kính dâng hương viếng mộ Đại tướng.
Rời mảnh đất “hai giỏi” Quảng Bình, trong tiếng gọi của yêu thương, giục giã, của bài ca bất hủ “Trường Sơn ơi! Đêm nay ta đi Trường Sơn lộng gió…”, chúng tôi tiếp tục hòa theo dòng du khách thập phương đến thăm, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn - nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sỹ, thanh niên xung phong trên “trận địa giao thông” quên thân mình đi trước mở “đường máu” cho đoàn quân chi viện chiến trường miền Nam. Nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” ghi đậm biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Đoàn chúng tôi lạc giữa màu xanh quân phục của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong - những nhân chứng sống của lịch sử tìm về nơi đây để được gặp lại đồng đội, được trở về ký ức với nước mắt nhòa lệ. Cũng tại nơi đây, chúng tôi đã gặp một người con sau mấy mươi năm mới tìm được nơi an táng của cha mình đã hy sinh trên đất lửa Trường Sơn. Chúng tôi đứng lặng trước 10.200 ngôi mộ, trước lời thuyết minh đầy xúc động “Có bài ca nào hay hơn bài ca dựng nước, có nghĩa cử nào cao đẹp hơn nghĩa cử cầm súng đánh giặc, quyết cho Tổ quốc, hy sinh…”.
Tuổi đôi mươi của các anh nằm lại chiến trường để cho đất nước có ngày hòa bình, non sông liền một cõi. Sự hy sinh của các anh đã làm nên huyền thoại Trường Sơn, mãi mãi hóa thành bất tử. Để rồi giờ đây cùng về nơi yên nghỉ, các anh vẫn cạnh nhau dù cả có tên và chưa biết tên. Trong tiếng chuông thỉnh cầu, lời thơ gắn với sự hy sinh của các anh luôn lay động lòng người, đặc biệt hơn giữa ngày tháng Bảy:“Thuyền xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Dưới sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi 20 mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.
Cũng vào dịp tri ân này, tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, nhà quản trang giữa trưa nhưng vẫn đón tiếp nhiều đoàn người đến viếng. Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của hơn 10.000 liệt sỹ là con em của các dân tộc trong cả nước đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh anh dũng trên chiến trường Quảng Trị và trên nước bạn Lào trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 nằm trên một vùng đồi, mặt quay ra hướng Quốc lộ 9, được nâng cấp từ Nghĩa trang liệt sỹ thị xã Đông Hà. Đường 9 đã đi vào huyền thoại của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bởi những chiến công hào hùng, oanh liệt và cũng chính nó là nỗi ám ảnh cho binh lính Mỹ và ngụy trong những năm 1965 - 1972.
Sau khi dâng hoa, dâng hương các anh hùng liệt sỹ, các bậc lão thành cách mạng, thành kính tri ân công ơn trời biển của các bậc tiền nhân, chúng tôi tìm đến từng nấm mồ từng liệt sỹ quê Nghệ An thắp nén tâm nhang.
Tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9, thay mặt tập thể Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đồng chí Kha Văn Tám - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và nguyện hứa sẽ ra sức học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Hàng ngàn ngôi mộ san sát theo hàng, theo lối. Kia Nghệ An, đó Hà Tĩnh và bên này là Quảng Bình. Và điều khiến chúng tôi chạnh lòng nhất là chứng kiến có rất nhiều ngôi mộ từ những tấm bia “liệt sỹ chưa biết tên”. Các anh là ai? Quê ở nơi nào? Làm thế nào để các anh trở về với gia đình? Chúng tôi chỉ biết “Xin được thắp hương nơi đầu gió/Hương khói đừng quên nấm mộ nào”.
Cũng tại nơi giữa khói nhang cháy rực, chúng tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ ngồi lặng lẽ, bất động. Bà không khóc, cứ nén nước mắt, tay run run xoa lên dòng chữ trên tấm bia. Chiến tranh đã kết thúc hơn bốn mươi năm nhưng liệu chiến tranh có thực sự khép lại, với bao tàn dư đau đáu lòng người, cùng với day dứt chưa bao giờ thôi thổn thức khôn nguôi? Còn bao nhiêu nấm mồ liệt sỹ chưa biết tên trên những dải đất anh hùng, bao người ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc mà chưa trở về? Để rồi những người mẹ, người vợ, người con với tình nghĩa tựa biển trời bao la vẫn mỏi mòn chờ đợi, ngày đêm thao thức cùng vị mặn đắng của những giọt nước mắt nghẹn ngào.