Hơn 20 năm trông giữ di tích
Mỗi lần đến Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942) ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), chúng tôi thường gặp người đàn ông vóc dáng nhỏ bé cần mẫn với công việc quét dọn, chăm sóc ngôi nhà tranh.
Khi cần, ông có thể giới thiệu, thuyết minh cho du khách về gia đình, quê hương và cuộc đời hoạt động của vị cách mạng tiền bối. Ông tên là Lê Văn Ngũ (SN 1949), một bệnh binh mất sức 61%, là cháu họ của cố TBT Lê Hồng Phong với 23 năm canh giữ di tích.
“Bây giờ Khu tưởng niệm được xây dựng quy mô, có Ban quản lý, có người về chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. Hồi trước, mọi việc hầu hết do tôi đảm nhiệm, vì truyền thống gia đình và trách nhiệm của một đảng viên, tôi sẵn sàng gánh vác công việc”.
Điều đáng nói là lúc ấy Khu lưu niệm do UBND huyện Hưng Nguyên quản lý, nguồn kinh phí hạn hẹp nên mức phụ cấp ban đầu chỉ 20.000 đồng, sau tăng lên 30.000 đồng, rồi 50.000 đồng. Về sau, Khu lưu niệm do BQL Di tích – Danh thắng tỉnh quản lý, khoản tiền phụ cấp được tăng lên, hiện tại ở mức 1,6 triệu đồng.
Nhiệm vụ của ông Lê Văn Ngũ là trông coi, bảo vệ ngôi nhà tranh và các hiện vật của gia đình cố TBT Lê Hồng Phong. Công việc tưởng như không mấy nặng nề, ban ngày chỉ việc quét dọn nhà và khuôn viên, lau bụi bám trên các hiện vật, hương khói vào những ngày giỗ, Tết; ban đêm ngủ lại ở căn phòng phía trước cổng.
Nhưng thực ra, công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tận tâm. Những ngày nắng nóng hay mưa bão, ông Ngũ không dám chợp mắt. Mùa nắng nóng, nguy cơ cháy cao, máy bơm luôn trong tình trạng sẵn sàng, chưa kể những xô nước để sẵn xung quanh; ngày ông thường xuyên có mặt, đêm không dám ngủ, mắc võng phía trước để nằm canh. Còn mùa mưa, nhất là những ngày bão đổ bộ phải chằng chống cho ngôi nhà, túc trực ngày đêm, chờ cơn bão đi qua mới thở phào nhẹ nhõm.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là hồi mới nhận công việc, tôi giới thiệu, thuyết minh cho một vị khách về đây tìm hiểu. Không ngờ, vị khách ấy nói: “Người Hưng Thông thuyết minh về cố TBT Lê Hồng Phong không bằng người Hà Nội. Câu nói ấy khiến tôi day dứt mãi”
Đã vào tuổi 70, ông Lê Văn Ngũ vẫn miệt mài công việc với tâm niệm là tình cảm, trách nhiệm của một thành viên trong gia đình, dòng họ đối với tiền nhân. Và cũng là trách nhiệm của một người cộng sản (hiện ông Ngũ 51 tuổi Đảng) đối với vị tiền bối đã hy sinh cuộc đời vì sự nghiệp cách mạng.
Làm việc bằng tấm lòng tri ân
Trên khắp toàn tỉnh có nhiều người đang tận tâm, tận tình chăm sóc phần mộ ở các nghĩa trang liệt sỹ. Mỗi người một điều kiện, một hoàn cảnh nhưng họ có chung một công việc và một tấm lòng, thay mặt nhân dân lo hương khói cho anh linh của những người đã ngã xuống.
Điển hình là ông Nguyễn Văn Lợi (SN 1950) – người trông coi, chăm sóc tượng đài và phần mộ của 28 liệt sỹ hy sinh trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) suốt hơn 20 năm qua.
Điều đáng nói ở đây, ông Lợi là thương binh hạng nặng với tỷ lệ thương tật 98%, đôi chân đã mất, khắp người chi chít những vết thương. Vậy nhưng, năm 1995, khi Đài tưởng niệm và phần mộ 28 liệt sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh hoàn thành, ông Lợi viết đơn tự nguyện đảm đương việc chăm sóc.
“Là thương binh hạng nặng, được Nhà nước ưu đãi, vợ cũng được phụ cấp, các con đã trưởng thành nên tôi xác định làm công việc này để khuây khỏa, góp phần làm đẹp và tri ân những con người đã ngã xuống vì quê hương, đất nước”.