(Baonghean) - Xuất khẩu thủy sản được xác định là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Nghệ An. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này còn nhiều hạn chế trong việc duy trì ổn định đầu ra và chất lượng.
Năm 2015, xuất khẩu thủy sản của Nghệ An đạt 18.000 tấn, kim ngạch 15,83 triệu USD, tăng 50,37% so với năm 2014. Quý I/2016, kim ngạch đạt hơn 4 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản của tỉnh cũng chỉ chiếm 0,24% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Thủy sản của Nghệ An hiện chỉ mới được xuất khẩu nhiều sang các nước Trung Quốc, ASEAN, có rất ít, thậm chí rất hiếm số lượng, chủng loại được xuất sang các thị trường lớn, khó tính hơn như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Đây là những thị trường thường có những quy chuẩn, quy định kiểm tra, kiểm soát sản phẩm nhập khẩu nghiêm ngặt từ con giống, thức ăn, dư lượng kháng sinh, chất tồn dư thuốc thú y, vận chuyển, nhà máy...
Lý do là khách hàng từ các nước EU thường rất kỹ tính và tỉ mỉ trong việc khảo sát, tìm hiểu thị trường, nguồn hàng mà họ muốn nhập khẩu. Họ yêu cầu rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu cao đối với nhà xưởng sản xuất, nguồn gốc xuất xứ..., luôn muốn tận mắt kiểm chứng trước khi nhập khẩu, còn khách Trung Quốc thì dễ tính hơn, nhiều khi nhà xuất khẩu xác nhận có hàng là được.
Đối với các doanh nghiệp thủy sản Nghệ An, việc xuất khẩu sang các thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản, Austrailia gần như còn xa lạ. Bởi, không dễ tính như những thương nhân Trung Quốc, các khách hàng lớn từ EU, Mỹ, Nhật Bản, Austrailia… thường tìm hiểu nguồn hàng rất kỹ từ nhà xưởng sản xuất, khâu bảo quản, quy trình và phương thức đánh bắt, nuôi trồng, khả năng cung ứng, chất lượng hàng hóa… rồi cuối cùng mới đàm phán về giá. Để đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu này quả là không dễ dàng đối với doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh.
Trong khi đó, khi khảo sát thị trường Nghệ An, một số doanh nhân cho rằng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thủy sản chào hàng không đúng như năng lực thực tế. Không ít doanh nghiệp giới thiệu hàng, hỏi đến mặt hàng nào cũng có, cũng khẳng định là có khả năng cung cấp thường xuyên, đều đặn nhưng khi đối tác quyết định mua hàng và làm hợp đồng thì mới được thông báo là số lượng không đủ để đáp ứng.
Nhiều công ty xuất khẩu thủy sản trong tỉnh chưa thực sự đầu tư cho nhà xưởng, bởi hầu hết các công ty kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ tập trung thu gom và làm hàng khi có hợp đồng. Điều này được một số doanh nghiệp giải thích là bởi vì do đầu ra không đều đặn, thường xuyên và ổn định vì còn thiếu hợp đồng để duy trì sản xuất nên phải sản xuất theo kiểu thời vụ.
Việc thiếu đầu tư nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, chế biến và nhân công còn mang tính thời vụ không những gây khó khăn trong đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh công ty trong mắt các đối tác nhập khẩu. Một khách mua hàng nước ngoài vào một nhà máy đông lạnh, sau khi xem xét sản phẩm ở kho, vị khách này thắc mắc là nhân viên đâu cả rồi. Thực tế, nhân công ở nhà máy này chỉ được huy động làm việc khi có đơn đặt hàng.
Để đáp ứng được những yêu cầu của những thị trường lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh cần cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu thông qua việc đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường. Đồng thời, nâng năng lực thương mại, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, thiết lập và gia nhập các kênh phân phối; phát triển thị trường mới, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tích cực mở rộng, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lan Hương
Trung tâm Xúc tiến Thương mại