Nếu số xăng bị bắt giữ là xăng máy bay đặc chủng khi pha trộn với xăng thường sẽ gây ra nguy cơ cháy nổi rất lớn đối với các phương tiện.
Thông tin trên Dân trí cho biết, ngày 4/3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9, Chi cục QLTT tỉnh Hưng Yên khi kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 29C 391.61 dừng đỗ tại Trạm soát vé số 1, Quốc lộ 5A đã phát hiện trên xe đang vận chuyển 8.815 lít chất lỏng, nghi là xăng, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo.
Cơ quan chức năng đánh giá, số chất lỏng trên xe nghi là xăng đặc chủng của máy bay mà các đối tượng lấy trộm rồi đưa ra bán ngoài thị trường. Bởi trước đó, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã nhận thông tin tố giác về hành vi móc nối bơm hút xăng dùng cho máy bay tại khu vực kho của Công ty TNHH Một thành viên 165 (thuộc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội tại thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên) để đưa ra tiêu thụ bên ngoài.
Xác định đây là vụ việc phức tạp, liên quan nhiều địa bàn, số hàng hóa trên có thể là loại xăng cao cấp, chuyên dùng cho máy bay của đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quân sự, quốc phòng. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (Phó ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng Hưng Yên tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc, tránh bỏ lọt tội phạm và làm rõ xuất xứ của hàng hóa cũng như khả năng các đơn vị quân đội trên địa bàn móc nối bán ra ngoài thu lợi bất chính hay không. Trường hợp có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong quân đội thì Ban chỉ đạo 389 Hưng Yên sẽ báo cáo về Ban chỉ đạo 389 quốc gia để chỉ đạo điều tra, xử lý.
Một đại diện của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá trên VNE rằng, việc bơm hút và vận chuyển số chất lỏng "lậu" này có các chỉ số gây hại cho môi trường như hàm lượng chì và octan quá cao. "Nếu đưa vào tiêu thụ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông, chẳng khác gì vụ cưa bom ở Hà Đông", vị này so sánh.
Vị này cũng nêu rõ, cần sớm tìm ra nguồn gốc số xăng. "Nếu là xăng máy bay quân sự thì được lấy ở đâu, trong kho quân đội nào chứ không sẽ trở thành một đường dây tội phạm", ông nói.
Đặc biệt, nếu nghi vấn đây là xăng đặc chủng của máy bay mà các đối tượng lấy trộm rồi đưa ra bán ngoài thị trường là đúng thì đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng một số phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường thì bị chết máy, cháy, nổ...gây nguy hiểm, mất an toàn cho người dân như báo chí vẫn phản ánh trong thời gian qua.
Tăng nguy cơ hỏng động cơ hoặc cháy nổ ô tô, xe máy
Trao đổi với VTC News, PGS.TS Nguyễn Vĩnh Khanh, Khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP HCM: Xăng máy bay (chủ yếu là loại Jet A1) là một loại nhiên liệu tạo thành từ dầu kerosene (KO). Thành phần hóa học của Jet A1 chủ yếu là các hydrocarbon, do đó khác nhiều so với xăng A92 hoặc A95, giống dầu diesel hơn.
Nếu như sử dụng xăng máy bay cho các loại động cơ diesel (ví dụ xe buýt, xe tải, xe container...) thì có thể chạy được, vì tính chất của Jet A1 tương đối giống tính chất của dầu diesel. Tuy nhiên với các loại động cơ xăng (như xe máy, ô tô gia đình...) thì không dùng được Jet A1. Dùng xăng máy bay cho xe máy chắc chắn sẽ bị chết máy hoặc hỏng động cơ do bị kích nổ.
“Trong trường hợp pha xăng máy bay với các loại xăng A92, A95 thì tùy vào việc pha nhiều hay ít mà có thể sử dụng được cho động cơ xăng, xong khả năng gây hỏng hóc động cơ xe hoặc gây cháy nổ vẫn có thể xảy ra”, PGS.TS Nguyễn Vĩnh Khanh cho biết.
Còn theo anh Nguyễn Trần Duy, nhân viên trong Bộ phận Kỹ thuật của Sân bay Quốc tế Nội Bài, loại xăng dùng cho máy bay là khác hẳn so với xăng dành cho các loại phương tiện giao thông.
Người ta còn gọi xăng máy bay là Avgas (Aviation Gasoline) để phân biệt với xăng sử dụng hàng ngày cho ô tô, xe máy là Mogas (Motor gasoline). Xăng máy bay là nhiên liệu có chỉ số ốctan cao, được sử dụng cho các máy bay hoặc dùng cho ô tô đua. Xăng máy bay có tính bay hơi thấp hơn so với xăng thường để sử dụng tốt ở các cao độ lớn. Chỉ số chống kích nổ, nhiệt cháy, lưu tính, độ bền oxy hóa của hai loại xăng này cũng khác nhau.
“Do đó khi dùng loại xăng máy bay cho các loại phương tiện như ô tô, xe máy sẽ có những ảnh hưởng lớn, bởi vì động cơ "không khớp" với nhiên liệu, có khả năng gây hỏng hóc và thậm chí cháy nổ trong quá trình các phương tiện này hoạt động”, anh Duy cảnh báo.
Theo lời của một chuyên gia xăng dầu, loại xăng máy bay chỉ dành riêng cho động cơ phản lực là loại xăng đặc dụng, khi pha chế không theo một quy trình, chất lượng đảm bảo nào thì càng nguy hại cho động cơ nổ của các phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, ôtô các loại…
“Thông thường nhất là xăng máy bay sẽ được pha trộn với dầu DO. Việc sử dụng loại xăng pha này không những gây hỏng hóc máy móc cho các phương tiện mà còn có thể gây cháy, nổ bất ngờ khi đang lưu thông trên đường”, chuyên gia này nói./.
Theo VOV