(Baonghean) - Những ngày cận Tết Canh Dần, chúng tôi may mắn được cùng Đoàn công tác của Hải quân vùng A đi thăm, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng), hòn đảo có nhiều huyền thoại đẹp, đẹp ngay từ tên gọi.

Mùa Xuân đã về sớm nơi đảo xa. Một phía tiền duyên Tổ quốc đã bắt đầu trở mình đón Tết trong sương ấm và gió biển Đông.

762954_small_53447.jpgNhững người lính hải quân và nhân dân cùng ra đảo đón Tết Canh Dần

Sau hơn 10 tiếng đồng hồ cắt sóng xuyên đêm, con tàu HQ 635 của Vùng A Hải Quân đưa chúng tôi đến với đảo Bạch Long Vĩ. Trong màn trời ướt đẫm sương mờ, âu cảng Bạch Long Vĩ như 2 chiếc càng cua khổng lồ đen thẫm giang ra đón chúng tôi giữa san sát những đốm đèn lấp loáng, ngái ngủ của ngư dân.

Trên cầu cảng, đã thấy ẩn hiện màu đồng phục xanh sẫm của những người lính hải quân và thanh niên xung phong…Tôi chợt bồi hồi nhớ về một thuở, Bạch Long Vĩ là đảo lửa, đảo thép, là chiến hạm không thể đánh chìm. Quân và dân Bạch Long Vĩ kiên cường đã bắn rơi 25 máy bay của giặc Mỹ, là đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, xứng đáng là hòn đảo tiền đồn của Tổ quốc trên Vịnh Bắc Bộ, lòng lại chợt dào lên giai điệu của bài hát "Bạch Long Vĩ đảo quê hương", gợi biết bao kỷ niệm một thời bi tráng... 

-Đại tá Phạm Văn Điển-Chỉ huy trưởng vùng A Hải quân thăm, chúc Tết CBCS BLVĩ

Bạch Long Vỹ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ. Đảo có toạ độ địa lý (20o07'35'' và 20 o08'36'' vỹ độ Bắc; 107o42'20'' - 107o44'15'' kinh độ Đông.. Do vị trí giữa Vịnh (cách Hòn Dấu - Hải Phòng 110 km, cách đảo Hạ Mai 70 km, cách mũi Ta Chiao - Hải Nam 130 km), đảo có một vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, đảo còn nằm trên một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh, có một vị trí quan trọng trong  chiến lược phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng biển của nước ta ở Vịnh Bắc Bộ.
 
Bạch Long Vĩ, ngoài cái tên Đuôi Rồng trắng, trước đây còn có tên là đảo Vô Thuỷ (có nghĩa là không có nước). Sau này, có thời kỳ gọi là Phù Thuỷ Châu (có nghĩa là hòn ngọc nổi trên mặt nước), đến nay vẫn còn di tích làng Thuỷ Châu trên đảo.   

Hiện tại, đảo có khoảng 80 hộ dân với 350 nhân khẩu và 170 lao động. Thành phần dân cư của đảo khá đa dạng: ngư dân; thanh niên xung phong; công chức huyện; trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá; trạm khí tượng thuỷ văn; đơn vị bảo đảm hàng hải, bưu điện và một số doanh nghiệp. Ngoài ra, còn lượng lớn dân vãng lai từ các tầu cá neo đậu quanh đảo (có lúc tới 800 chiếc) và nhiều tầu thu mua và dịch vụ thuỷ sản đến đây kinh doanh buôn bán, có lúc tới 120 tầu thuyền.
 
Cờ vui chuẩn bị cho tết đảo

Trên đảo đã hình thành 4 cụm dân cư sống tập trung ở phía tây nam và đông nam. Dân trên đảo hầu hết là người lớn ở tuổi lao động và là nam giới. Nữ giới và trẻ em chiếm tỷ lệ nhỏ. Lao động  gồm 3 nhóm nghề chính. Nhóm nghề ngư truyền thống có khoảng 25 hộ. Nhóm khai thác thuỷ sản với tính chất làm thêm, hạn chế về kinh nghiệm cũng như phương tiện khai thác thuỷ sản, có khoảng 12 hộ. Còn lại là các hộ chuyên làm dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt và các hộ thanh niên xung phong không làm nghề ngư.
 
Ngư nghiệp ở đảo chủ yếu là các nghề lặn bào ngư và đánh cá ven bờ, ngoài ra còn bắt hải sâm. Trước năm 1988, cá song, cá mú có thể bắt bằng các hình thức câu, đánh lưới khoảng 40 - 50 tấn, bào ngư khai thác khoảng 30 - 40 tấn tươi mỗi năm. Nghề lặn bắt bào ngư vào vụ từ tháng 1 đến tháng 8.   

Chiến sỹ phân đội 1 (đoàn C52) gói bánh chưng Tết

Tết này, Bạch Long Vĩ đang dần gượng dậy sau đợt càn quét dữ dội của cơn bão số 10 (cuối năm 2009). Quanh đảo vẫn còn rất nhiều dấu tích của những ngày chống chọi với bão. Cột truyền hình bị đánh gãy đang được lắp đặt lại. Cột điện gió-biểu tượng của Bạch Long Vĩ cũng đã bị đánh sập, mái nhà tòa án huyện vẫn ngổn ngang những tấm tôn lợp quăn queo vì bão đánh, gốc cây phi lao ngã ngổn ngang khắp đảo.

Đêm giao lưu "Ấm tình đất liền-hải đảo"

Nhưng có hề chi, tiếng trẻ học bài đã lại vang vang nơi ngôi trường tiểu học-mẫu giáo 2 tầng khang trang, hoa xương rồng-loài cây truyền thống- lại đã trổ hoa vàng khắp các bãi cạn. Trên chuyến tàu đưa chúng tôi ra Bạch Long Vĩ, đào quất, lợn, gà, lá dong, gạo nếp tấp nập lên bờ.
 
Đảo xa đang hồi sinh đón Tết giữa biển xanh.
 
Những người giữ mùa Xuân cho đảo.

Bài, ảnh: Trần Hải