(Baonghean.vn) - Năm Tân Mão, miền Tây Nghệ An oằn mình gánh chịu những cơn thịnh nộ của đất trời. Mưa lũ tràn qua, quét lại đã nhấn chìm nhiều làng quê, nhà cửa. Tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông đã có hàng chục ngôi nhà trôi sập, hơn 100 ha hoa màu bị ngập nước, hư hỏng nặng, lũ lụt cũng đã cướp đi sinh mạng 2 người ở bản Kẻ Tắt. Tổng thiệt hại do lũ quét gây ra trên địa bàn toàn xã ước tính khoảng 50 tỷ đồng...
Tết Nguyên đán 2012, rốn lũ Thạch Ngàn vẫn còn nhiều khó khăn vất vả. Xuân ở Thạch Ngàn đầy ắp lo toan, nhưng không vì thế mà Tết kém vui. Tết Nhâm Thìn đến trong mộc mạc, đơn sơ, ấm áp tình người.
Nắng xuân len lét tìm về trên vùng rốn lũ Thạch Ngàn mang theo ngọn gió ấm lành khe khẽ xua đi chút hanh hao, lạnh lẽo cuối Đông. Núi tươi tỉnh lại bởi màu xanh của những cây, những lá, mầm non tươi khẽ cựa mình vươn lên từ thân gỗ mục vất vơ bên suối. Nương đồng hai bên đường từ cầu Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn dẫn vào trung tâm Thạch Ngàn đã ngan ngát biếc màu của bãi mía...Hương đất, hương rừng ngai ngái dậy lên từ những đoạn lầy trên con đường sạt lở ngổn ngang - hậu quả của cơn lũ dữ hơn 4 tháng trước để lại.
Đầu xã, đã thấy mái ngói đỏ tươi của những căn nhà vừa được dựng lại, thấp thoáng nụ cười của người dân đứng cạnh đống sắn mới bới trên nương về chất trước sân. Trên đập tràn, đám trẻ trêu đùa chạy nhảy, hát nghêu ngao câu đồng dao của dân tộc Thái: "...Sấm trước không mưa/ Nắng tháng 6 được lúa/ Nắng tháng 9 mất mùa/ Làm nhà đợi tranh thì không tốt/Làm ruộng đợi mạ thì không tốt/ Rét vừa tốt mạ/ Rét quá tốt rau...".
Xuân về, vùng lũ hôm nay từng bước hồi sinh. Ghé thăm gia đình bà Ngân Thị Thạch, ở ven suối bản Đồng Tâm, căn nhà nay đã được dựng lại đàng hoàng, không còn xập xệ, trống hoác như hồi sau lũ. Gương mặt bà Thạch vẫn còn hằn sâu nhiều nếp nhăn lo toan. Bà kể, lũ đã cướp đi tất cả những tài sản quý giá cả đời chắt chiu, gom góp có được. Lũ qua, nhà lâm vào cảnh trắng tay, mấy đứa cháu không còn manh áo, cuốn vở để tới trường.
Dựng nhà mới đón Tết .Ảnh: Văn Trường
Những tưởng không gượng dậy nổi sau trận lũ kinh hoàng, may sao trong lúc khốn khó, có sự giúp sức của xóm giềng, bà kịp dựng lại ngôi nhà ấm cúng. Gạo, áo quần thì được đồng bào cả nước sẻ chia khó khăn nên cuộc sống tạm ổn, đang dần quay về nếp cũ. Dòng nước mắt cũng đã cạn rồi, giờ phải tự cố gắng lên thôi...! Có lẽ vì vẫn còn ám ảnh cơn lũ lịch sử, tất cả đồ đạc có chút giá trị trong nhà đều được kê hoặc treo rất cao. Nắng sớm xuyên qua liếp tranh, nâng bát nước chè mẻ miệng bòn mót, tận dụng lại sau lũ, đã nghe ấm nồng tình người vùng lũ "Thương nhau chia củ sắn lùi - Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng". Còn nhiều thiếu thốn, nhưng bà Ngân Thị Thạch cũnggắng vay mượn, tất tả đi chợ phiênsắm Tết.
Xã Thạch Ngàn có trên 90% dân số là người dân tộc Thái, nhưng chẳng hiểu từ bao giờ, Tết Nguyên đán đã trở thành cái tết chung. Chợ phiên Thạch Ngàn họp vào thứ ba, thứ sáu hàng tuần, thường chỉ kéo dài trong khoảng 2 tiếng đầu giờ sáng. Phiên ngày giáp Tết, chợ cũng rợp sắc màu của gà, cá, thịt lợn, nếp... Người bán người mua xôn xao, tiếng chào hỏi rộn ràng : "Nhà chị đã mua, bán được gì chưa?" - "Năm ni, cháu nó có về ăn Tết"... Các thiếu nữ má hồng lên vì lạnh, đám trẻ con chân trần tròn mắt bên hàng kẹo bánh, mải mê nhìn đồ chơi trang trí đỏ xanh. Không thể để Tết gánh thêm nợ nần nên chi tiêu dè dặt, chắc chắn nhiều nhà chật vật, cố lắm mới có thể sắm được gói kẹo, con cá, ít thịt thà cho Tết.
Bà Vi Thị Hiếu tần ngần băn khoăn giữa buổi chợ, nào thay bộ cốc chén đã sứt mẻ, mua chục bát mới, mua cho con bộ quần áo mới, mua nếp mới về làm bánh sừng trâu cúng tổ tiên, làm quà biếu, rằng nương vườn thu hoạch chẳng bao nhiêu, tằn tiện tiết kiệm để ra năm còn mua gạo, cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Phiên chợ Thạch Ngàn sáng nay kết thúc vào lúc 9h30. Rời chợ, mọi người lại tất tả, tứ tán đi về nhà trên các nẻo đường sục lên những lớp bùn đỏ quánh trộn lẫn phân trâu bò trơn lẫy. Ở nhà, ruộng nương còn lắm việc để lo... Ngày nào, nhìn những bụi cây nghiêng ngả, xơ xác sau mưa lũ, ai cũng xót lòng. Cuối năm, trở lại nơi đây đã thấy nhà nhà đầm ấm và rộn rã.
Trong nhà, mấy người đàn ông bận bịu lau chùi, quét kỹ từng cái mạng nhện, chốngtừng cột kèo vững chãi hơn, bổ thêm đống củi, kiểm tra chum rượu cần được làm bằng gạo nếp ủ men lá rừng có vị ngọt nồng, chuẩn bị cho những ngày Tết vui hát, múa lăm vông "chưa say là chưa vui", cùng chúc nhau "ngân căm lai, ngua quai ề" (lắm bạc vàng, nhiều bò trâu). Tết có nghèo nhưng phải giữ gìn tập tục, truyền thống thiêng liêng. Tết quê vùng lũ hiền hậu như hoa cải, ngọn lang, Tết của những cuộc đời bình dị như cây cỏ, không bon chen vì bạc tiền, danh lợi mà vẫn nhọc nhằn nhặt nhạnh áo cơm. Trong bản, vài nhà đã cùng nhau mổ chung con lợn...
Xuân về rồi mà những người nông dân chân lấm tay bùn xã Thạch Ngàn chưa hết nỗi lo toan. Có cấy mạ, trỉa ngô xong mới đón Xuân vui Tết được. Lão nông Lê Bá Vinh, thôn Tổng Xan dừng tay nhổ sắn trên đồi, cho hay: "Lũ rồi nhà mất trắng 7 sào ngô, 3 sào đậu, lúa bị ngập đúng lúc làm đòng, sắn bãi mưa nhiều nên úng, sắn đồi củ nhỏ thành ra thất thu.
Vụ mùa rồi cũng chỉ mong cầm cự qua được những ngày giáp hạt. "Trời làm mất thì bắt đất đền", thu hoạch hết đồi sắn, 6 người trong nhà cố gắng khai hoang phục hóa lại phần đất bị hư hại do lũ, triển khai sớm vụ xuân để chống đói". "Việc nhiều làm không xuể thì nhờ bà con láng giềng giúp một tay, nhưng mỗi người phải tự cố gắng vươn lên thôi, không ai giúp mình mãi được" - lão nông Lê Bá Vinh châm điếu thuốc lào rồi rít một hơi dài, nói lên quyết tâm như vậy.Nếu năm trước thu hoạch vụ thu được mười phần thì năm này lũ đã cướp đi bảy phần.
Sau lũ, 90% diện tích ruộng nước bị thiệt hại, nhiều diện tích ngô, sắn ven khe suối mất hoàn toàn, nhiều diện tích khác bị đất đá vùi lấp không thể nào phục hóa được. Mưa lớn kéo dài khiến ngô chỉ đạt 2 tấn/ha, sản lượng ngô cả xã năm nay chỉ đạt 30 tấn/ tổng diện tích gieo trồng 80 ha, sắn cũng chỉ đạt 40 tấn/ha... Đảng bộ - chính quyền xã Thạch Ngàn đang nỗ vừa lực vực dậy sản xuất sau lũ vừa lo cho cái Tết của bà con. Nào là làm sao khép kín được đồng bãi vụ xuân, làm sao đủ nước, đủ phân gieo cấy lúa. Vụ đông mưa lũ làm chậm rồi nên chỉ kịp làm rau màu.
Vụ xuân này, kế hoạch sản xuất là gieo trồng 159 ha lúa nước, ngô 100 ha, lạc 50 ha, mía 90 ha. Xã đang tích cực vận động người dân gấp rút thu hoạch các diện tích mía, sắn còn trên nương bãi chủ động tiến hành làm thủy lợi, nạo vét kênh mương, vệ sinh đồng ruộng, cày ải đất, làm hố phân xanh, phân chuồng chuẩn bị khi thời tiết ấm lên, nước thuận lợi tiến hành gieo cấy, che phủ ni lông tránh rét cho mạ...
Ông Võ Đình Thành - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Sau cơn lũ vừa qua, nhờ sự giúp đỡ thiết thực từ huyện, tỉnh và các tập thể, cá nhân hảo tâm trong và ngoài nước, đến nay đời sống nhân dân xã Thạch Ngàn cơ bản đã ổn định, hậu quả của lũ lụt cũng khắc phục gần xong. Các đường nội xãtừ bản Đồng Tâm đến bản Kẻ Trai có chiều dài 6 km, từ bản Kẻ Da đến bản Bá Hạ dài 12 km, từ bản Tổng Xan đến bản Kẻ Tre dài 3 km lũ làm sạt lở, đứt gãy nay cũng đã được khắc phục. Đến nay, các gia đình có nhà bị thiệt hại đều đã được nhận đầy đủ tiền, quà hỗ trợ. Xã cũng đã đề nghị và kêu gọi nhiều tập thể, cá nhân hảo tâm chung tay để lo cho bà con vùng lũ một cái Tết tươm tất, ý nghĩa. Tinh thần bà con giờ rất phấn khởi, vượt khó vươn lên.
Ông Thành chia sẻ: Hạnh phúc của mỗi người dân vùng lũ là được san sẻ yêu thương và cả nhọc nhằn. Cơn lũ lịch sử đã đi qua, song âu lo còn đó, những lo lắng trăm bề cũng là một thứ hương vị của Tết Nguyên đán xưa nay, mệt mà ấm áp, mỏi mong đón chào một năm mới đầm ấm, yên vui... Tết vùng miền núi Thạch Ngàn năm nay như mang âm hưởng bài ca dao Mười quả trứng "Chớ than phận khó ai ơi! Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây"; như hình ảnh của cây măng mét ở rừng - mét có thể cong nhưng măng luôn thẳng...Tết về rồi. Những thiếu nữ Thạch Ngàn rủ nhau ra suối lấy nước, trời còn lạnh thật đấy, nước còn buốt lắm, nhưng lòng Xuân thì ấm lạ thường.