(Baonghean.vn) - Một ngày cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào tụ họp tại một khán phòng sang trọng mang tên Vientiane Plaza tại thủ đô Viêng Chăn - Lào. Ai nấy đều trầm trồ bởi một doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được Chính phủ Lào chỉ định làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Thủy điện Mỹ Lý trên sông Cả và Thủy điện Nậm Mô 1 trên sông Nậm Mô, đó là Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào tỉnh Nghệ An.

 

Dự án Thủy điện Mỹ Lý trên sông Cả và Thủy điện Nậm Mô 1 trên sông Nậm Mô có tổng công suất 345 mê ga oát (MW) thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào, giáp biên giữa các tỉnh Nghệ An của Việt Nam và 2 tỉnh của Lào là Hủa-phăn (Huaphanh) và Xiêng -khoảng (Xiengkhuang). Giám đốc Tổng Công ty là ông Nguyễn Thế Trâm, quê Hưng Nguyên - Nghệ An. Được Chính phủ Lào tin cậy, nhưng đó cũng là thách thức mà Tổng Công ty này phải gánh vác.


Một cuộc họp diễn ra hồi đầu tháng 10 năm 2011 tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), dưới sự đồng chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Lào Thong-sỉng Tham-ma-vông (Thongsing Thammavong) đã nhận định: Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào không chỉ vì lợi nhuận đơn thuần mà còn phải tạo dựng được hình ảnh tương xứng với mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước Việt Nam và Lào, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các địa phương Lào, giải quyết đời sống an sinh xã hội giúp nhân dân Lào, nhất là vùng sâu, vùng xa không ngừng vươn lên về mọi mặt.

772475_small_70699.jpg

Lễ ký kết giữa Bộ Công thương Việt Nam với Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đồng ý cho Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào triển khai dự án thủy điện.


Bởi vậy, cuộc hội đàm chủ yếu bàn các phương pháp và biện pháp triển khai dự án có hiệu quả. Hai đoàn công tác đã bàn sâu và thống nhất cao các nội dung cụ thể như: bước triển khai dự án thủy điện Mỹ Lý và Nậm Mộ 1 tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An giáp ranh với Lào nhưng đa số các phần việc đều diễn ra trên đất Lào; quy hoạch tiềm năng thủy điện tại Lào và quy hoạch đấu nối lưới điện Việt Nam - Lào; hai bên cũng bàn sâu một số vấn đề liên quan đến công tác đầu tư xây dựng dự án thủy điện của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.


Tiếp đó, vào buổi chiều, hai trưởng đoàn công tác hỗn hợp hai nước do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng (Đại diện phía Việt Nam) và Bộ trưởng Su-ly-vông Đa-la-vông (Đại diện phía Lào) đã ký biên bản thoả thuận về chương trình hợp tác các dự án điện và phát triển năng lượng Việt Nam - Lào; triển khai một số dự án thủy điện Việt - Lào và các bước cần thiết cho việc xây dựng các dự án phát triển năng lượng giữa hai nước. Nhằm mang lại lợi ích thiết thực, góp phần ổn định năng lượng trong tương lai cho cả Việt Nam và Lào nhưng phải phù hợp với luật pháp hai nước và bảo vệ môi trường chung.


Việt Nam đứng thứ 2 các quốc gia đầu tư vào Lào, và tỉnh Nghệ An cũng là địa phương của Việt Nam có nhiều dự án đầu tư vào Lào nhất, với hơn 50 doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Lào, tổng vốn 15 triệu USD; 10 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu sang Lào đạt gần 8 triệu USD, nhập khẩu từ Lào hơn 14 triệu USD.

Tuy rằng số tiền mà các doanh nghiệp Nghệ An đầu tư vào Lào chưa nhiều như một số doanh nghiệp hàng đầu khác: Hoàng Anh Gia Lai (gần một tỷ đô la), Tổng Công ty Golf Long Thành Đồng Nai (một tỷ đô la)... Sắp tới, Dự án Thủy điện Mỹ Lý, Nậm Mô 1 do Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt - Lào triển khai tuy chưa công bố nguồn kinh phí nhưng chắc sẽ là một con số không nhỏ. Với việc làm và quyết tâm của mình, doanh nghiệp xứ Nghệ đang tạo dựng một hình ảnh đẹp về các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào - một thị trường mở đầy hấp dẫn nhưng cũng không ít những khó khăn.


Lang Quốc Khánh