(Baonghean.vn) - Dự Hội thảo Báo đảng miền Trung và Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai, tình cờ được gặp đồng hương Nghệ An. Bà con mình không chỉ thành đạt trong chuyện làm ăn mà còn ở nhiều lĩnh vực khác...

 

Anh Đức Phương, quê Nghi Kim, Thành phố Vinh, phóng viên kỳ cựu hiện đang đảm nhiệm vai Thư ký tòa soạn Báo Gia Lai bật mí: "Đại gia người Nghệ có tiếng ở cao nguyên này có thể kể đến ông Dư Văn Tài - Giám đốc Nhà máy Chế biến cà phê Hưng Nguyên".


Theo lời giới thiệu, tôi đến cửa hàng phân phối cà phê Hưng Nguyên ở Đại lộ Cách Mạng Tháng Tám. Đang ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang, thì chị Đỗ Thúy Hà (quê Hà Tĩnh, vợ anh Tài) nói: "Nhà em đang ở trong xưởng chế biến cà phê. Mấy khi có nhà báo ở quê đến chơi, để chúng em đưa anh vào thăm nhà máy và trang trại".

772477_small_70701.jpg


                                            Cà phê Tây Nguyên

Anh Dư Văn Tài đánh ô tô về ngay sau cuộc điện thoại của vợ và câu chuyện giữa những người đồng hương diễn ra đầy chân tình, sôi nổi. Nhâm nhi tách cà phê thơm ngon, anh Tài tâm sự: "Năm 1978, tốt nghiệp Đại học Kinh tế, tôi xa đất mẹ Hưng Lam, vào đây lấy vợ, lập nghiệp. Cũng là liều vì khó khăn nhiều bề, không nơi nương tựa. Vào đây, tôi đã phấn đấu trở thành Giám đốc Công ty Vật tư y tế Gia Lai. Khi công ty cổ phần hóa, vợ chồng tôi lập doanh nghiệp riêng. Chúng tôi bàn nhau đặt tên thương hiệu cho doanh nghiệp mình là "Hưng Nguyên". Vừa là ý nghĩa "Hưng thịnh trên đất cao Nguyên" nhưng chúng tôi cũng muốn hướng về cội nguồn Hưng Nguyên đất mẹ".

Xưởng chế biến cà phê của anh Tài trong Khu công nghiệp Thành phố Pleiku có dây chuyền công nghệ chế biến cà phê của Đức, công suất 3.000 tấn/năm được đầu tư đến 20 tỷ đồng. Anh mua được một vùng đất rộng 30 ha để làm trang trại. Ở đó, anh trồng mít cao sản. Ngoài 3 loại sản phẩm cà phê bột nổi tiếng, anh còn sản xuất thêm mặt hàng "kẹo mít " - loại kẹo mà Khách sạn Tre Xanh, nơi đoàn nhà báo về dự Hội thảo nghỉ, ăn kẹo khen ngon, chọn mua về làm quà. Trước đây, để làm kẹo, doanh nghiệp Hưng Nguyên phải mua mỗi kg mít tươi giá đến 35 nghìn đồng.

Chính vì vậy, doanh nghiệp quyết định trồng mít cao sản trong trang trại để chủ động nguồn nguyên liệu. Anh Tài tâm sự: "Tôi muốn đưa giống mít cao sản này về trồng phổ biến ở quê ta anh ạ. Đây anh xem, trang trại này mới trồng được 3 năm, chăm bón bình thường thôi mà cây đã cao quá đầu người, to như thế kia. Đến năm thứ 4 chúng cho năng suất mỗi cây vài tạ quả đấy!". Tôi nhẩm tính, trung bình mỗi ha ở đây anh trồng 220 cây thì trang trại này cho anh bao nhiêu nghìn tấn quả. Số quả đó được chế biến thành thành phẩm, xuất khẩu cùng với cà phê. Cà phê "Hưng Nguyên" đã có nhà phân phối ở Thành phố Vinh nhưng kẹo mít thơm dòn, và cây mít giống mới năng suất, hiệu quả kinh tế cao này thì chưa mấy ai ở quê biết đến.


Người Nghệ An vào đây làm ăn, giỏi nhất vẫn là trồng trọt, chăn nuôi kiểu gia đình và làm trang trại tổng hợp. Tiêu biểu trong số người làm trang trại có ông Võ Văn Lệ (người Diễn Tân, Diễn Châu). Ông có trang trại nuôi hàng chục con lợn và hàng trăm con chim cút. Từ đất đai, chăn nuôi đi lên, hiện nay ông có 2 nhà hàng hiệu "Thiên Thai", giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở quê vào.


Buổi trưa hôm sau, đoàn Hội thảo dừng ở Tổng Công ty Cao su Chư Prông, anh Trần Xuân Kiểm, cán bộ hành chính tổ chức Tổng Công ty lại giới thiệu: "Đồng chí Võ Minh Sơn, quê xã Tây Hiếu, Nghĩa Đàn, là người rất giỏi, hiện là Giám đốc Nông trường Thanh Bình".


Gặp Võ Minh Sơn, anh cho biết: Anh theo bố vào Đắc Lắc khi đang học dở lớp 8 với đàn em lít nhít. Ở cao nguyên, anh thi vào Đại học Nông nghiệp. Ra trường công tác tại đất Gia Lai này. Nông trường Cao su Chư Prông giao cho anh làm đội trưởng đội 2, đến năm 1987, anh đã trở thành Bí thư Chi bộ kiêm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Nông trường Đoàn Kết, thành viên của Tổng Công ty Chư Prông ngày nay. Nông trường Đoàn Kết có 300 ha cao su luôn đạt năng suất cao và anh đã tuyển thêm công nhân người dân tộc Jarai vào đơn vị mình theo phương châm "sâu rễ bền gốc". Năm 2010, anh chuyển sang làm Giám đốc Nông trường Thanh Bình - một nông trường lớn hơn Nông trường Đoàn Kết (ở đây có 500 công nhân, khai thác trên 1.000 ha cao su, 5 đội sản xuất trải rộng trên địa bàn 3 xã). Nông trường sản xuất đạt năng suất bình quân 1,8 tấn mủ khô/ha.


Tôi còn gặp Giám đốc Sở Văn hóa Phan Xuân Vũ - người xã Công Thành, Yên Thành. Rồi gặp Trung tá Trần Văn Dương quê ở Diễn Thái (Diễn Châu), hiện là Trưởng ban Quân lực Binh đoàn 15. Binh đoàn 15 đóng quân từ Nam Quảng Bình đến Gia Lai, quản lý, khai thác trên 36 nghìn ha cao su, 710 ha cà phê... Tôi thán phục anh - một người trẻ đã thành đạt. Anh xua tay, cười hì hì: "Ăn thua gì, người quê ta có đồng chí Võ Văn Nguyên, hiện nay là Đại tá, Giám đốc Công ty 732. Quân số công ty cũng tương đương một sư đoàn đấy. Năm 2003, Đảng và Nhà nước ta phong Binh đoàn 15 danh hiệu Đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới. Ba đơn vị trực thuộc Tổng công ty là: Công ty 7A, Công ty 75 và Công ty 732 của anh Nguyên làm giám đốc cũng được phong danh hiệu cao quý đó. Anh em người Nghệ mình thường nói, đấy là niềm tự hào lớn cho quê, nhất là khi biết đồng chí Nguyên trưởng thành từ anh lính giải phóng binh nhì, binh nhất...


Tạm biệt cao nguyên Gia Lai, tôi càng tự hào về những người quê mình đi lập nghiệp ở xa. Tết này, mọi làng quê đều có những con em đi làm xa về sum họp với gia đình. Những người "đem chuông đi đánh đất người" cũng sẽ về quê và luôn hướng về quê hương.


Hoàng Chỉnh