(Baonghean) - Bây giờ ở nhà chắc trời đã lạnh rồi mẹ nhỉ? Bên con, cái thời tiết ẩm ướt và hơi giá, đủ để bàn tay phải nắm lấy bàn tay nhưng vẫn giữ nguyên được những mắt cười trên gò má chớm hồng ấy đã trôi vèo theo những ngày đầu Thu xa xôi ngắn ngủi. Tuyết rơi không ngớt mấy hôm nay, đẹp nhưng lạnh và buồn mẹ ạ. Kiểu trời như thế dễ khiến người ta bị ốm, chỉ giây lát ngẩn ngơ để bông tuyết nào chạm vào đôi mắt ướt là đủ đêm về phát sốt. Dẫu sao thì con cũng quen rồi, con đã tự biết nấu cháo và uống thuốc từ những mùa đông đầu tiên ở đây, cũng không quá tệ. Có điều hình như đã thành bệnh kinh niên, hoặc cũng có thể là một dạng tương tư, không biết người ta có thể vì nhớ nhung quay quắt một điều gì đó mà phát sốt, phát ốm ra được không?

Hôm qua con vừa tiễn bạn ra sân bay. Cái thằng bình thường chẳng mấy khi nhắc chuyện nhớ nhà mà ra sân bay cứ háo hức đến phát phiền lên được, y như một thằng nhóc tuổi còn đếm được trên hai bàn tay. Tay xách nách mang nào vali, nào túi nặng trịch, nó ngồi lẩm nhẩm đếm lại xem đã mua quà cho đủ hết họ hàng nội ngoại chưa. Nó háo hức chuẩn bị đồ về Tết cả tháng nay! Có lúc đang ngồi trong giảng đường cũng à lên một tiếng, tay đánh bộp vào trán như đứa dở hơi. Con biết thừa nó lại vừa nghĩ ra một thứ đồ gì cần mua để mang về Việt Nam. Ngay lúc này đây, nó vẫn lo lắng hỏi con: "Mày nghĩ xem có còn thiếu thứ gì không nhỉ?". Con nghe nó hỏi mà ức đến phát khóc lên được, cái thằng vô tâm ấy! Con chưa bao giờ được về Tết cả, chưa bao giờ được thấy lại Việt Nam trong cái lạnh buốt giá của gió mùa Đông Bắc và những cơn mưa...
 
Nghĩ thế, con tự an ủi mình, cố mường tượng rằng năm sau, hoặc năm sau nữa, hoặc một năm sau nữa nữa nào đấy, con cũng sẽ được về Tết. Đã nhiều năm nay rồi con vẫn tự an ủi mình như thế, như kẻ chết trôi bấu víu vào cây cọc gỗ tự nhủ rằng đã cập được vào bờ. Tự nhiên con muốn Tết năm nay qua thật nhanh, làm sao mở mắt ra đã thấy thời gian trôi vèo đến Tết năm sau, năm sau nữa. Trớ trêu ở chỗ, thời gian của những người ở lại ì ạch lắm mẹ ạ. Ba tuần về Việt Nam ăn Tết với bạn con sẽ ngắn ngủi như ba ngày, còn với bọn con thì tưởng chừng đã kinh qua ba thế kỷ. Nói nào ngay, khi nó bước lên máy bay thì hành trình mười mấy tiếng trên không cũng chỉ như giấc ngủ quá ngắn để mộng mị, còn con thất thểu ngồi tàu điện ngầm đi từ sân bay về trung tâm thành phố, sẽ là rất nhiều thức - tỉnh chập chờn. Giấc mơ của kẻ chớm ra đến sân bay rồi lại ngậm ngùi trở lại bao giờ cũng dài và mệt mỏi. 
 
Có lẽ nhà mình giờ chuẩn bị Tết cũng hòm hòm rồi chứ ạ? Lâu quá rồi nên con chẳng nhớ nổi tầm nào mẹ bắt đầu sắm sanh, tầm nào thì sửa soạn, quét tước,... Cành đào thì hình như là trước Giao thừa mấy ngày mới mua đúng không mẹ? Rồi bố sẽ hì hụi vần cành đào ra mà đốt gốc, rồi thì cắm vào bình, loay hoay cả ngày chỉ để xem nên chưng hướng nào. Hướng Đông? Hướng Tây? Hướng Đông Nam? Tây Tây Bắc?... Bố lúc nào cũng tỉ mẩn, vừa giống một ông thầy phong thủy vừa giống mấy cô gái dự báo thời tiết, trông cứ đáng yêu đến phì cười. Còn con, con chỉ thích tìm mấy bông hoa 6 cánh và lén lút nuốt chửng, vì có ai bảo nuốt hoa đào 6 cánh sẽ gặp may mắn cả năm.
 
May mắn đâu chưa thấy, toàn bị mẹ tét đít vì cái tội "vướng tay vướng chân mọi người". Bọn con cũng có cành đào đấy mẹ, mấy anh bạn con hôm trước không biết đi đâu mà hí hửng khiêng về một cành cây trông cũng ra dáng, ra thế lắm. Thấy bảo là cành hoa anh đào bẻ trộm được ở công viên. Con nghe mà há hốc mồm, nhỡ đâu bị phát hiện chắc chỉ còn nước lên đồn cảnh sát ngồi vì tội phá hoại của công, mấy ông chúa liều đấy! Nhưng thôi đã trót lọt êm xuôi rồi thì công nhận là trông hoành tráng hơn hẳn mấy cành đào (nói chính xác thì là mấy chỏm tin hin của một cành đào) bán ở chợ Tàu, đắt chảy nước mắt mà xơ xác, héo hon, chẳng có tí không khí Tết nào, trông mà đâm buồn thêm không biết chừng... Một anh bạn khéo tay, được ông nội dạy cho viết thư pháp cũng võ vẽ viết một đôi câu đối, dán hai bên tường. Một chớm sắc đỏ cũng đủ để lòng bớt xám xịt dù ngoài trời tuyết vẫn rơi, lạnh teo!
 
Hôm qua con vừa cùng mọi người đi chợ mua đồ làm bánh chưng và nấu cỗ đêm giao thừa. Mẹ đừng tưởng con mẹ không biết gì nhé. Mặc dù chỉ là chân lăng xăng rửa lá, ngâm đỗ, ngâm nếp, ướp thịt, bóc hành nhưng ngồi học lỏm các anh gói bánh, con cũng gói được một cặp bánh chưng hẳn hoi. Bọn con có một cái khuôn bánh "thần thánh" của anh bạn đưa sang từ cách đây mấy năm. Chỉ là cái khuôn gỗ cũ rích nhưng bọn con cất cẩn thận còn hơn là cất giấy tờ và hộ chiếu, như thể nó được đúc bằng vàng. Bánh cũng vuông vắn, đầy đặn phết, tất nhiên là không chắc tay và nhanh như các ông chú ở quê mình được.
 
Nhưng như thế cũng là giỏi rồi mẹ nhỉ? Lá dong đắt lắm nên bọn con phải tính toán, cắt sao cho vừa đủ chứ không được thừa ra xen ti mét nào lãng phí. Các anh vẫn thường bảo con là đứa duy nhất trong nhà học toán cũng chỉ để dùng vào những lúc thế này thôi. Buồn cười ở chỗ, những thứ ở nhà thừa mứa, rẻ rề, vứt đi không ai tiếc thì ở bên bọn con lại là vàng, là bạc, phải chắt chiu từng tí một. Cũng giống như chuyện con kể với mẹ về rau muống bên này, cấm có được nhặt nhạnh gì, chỉ cắt đúng 1 xen ti mét gốc bỏ đi rồi ăn tuốt luốt, ấy thế mà mỗi người vẫn chỉ được vài cọng. Con đã kể cho mẹ nghe chuyện bọn con gói bánh chưng rồi buộc bằng dây ni lông chưa? Trông hơi mất thẩm mỹ và thiếu chất Việt một tẹo, nhưng kiếm đâu ra lạt trên cái đất Pháp này bây giờ? Thôi vậy, không nên khó tính quá, bánh ăn vẫn ngon lành là ổn rồi!
 
images922168_1302317040_paris_1b.jpg
Trồng lá dong, gói bánh chưng nơi đất khách quê người. Ảnh minh họa
 
Chắc đến đây mẹ sẽ ngạc nhiên: từ lúc nào con thích ăn bánh chưng? Hồi ở nhà cả con và em chẳng đứa nào chịu ăn bánh chưng mỗi khi nhà mình ăn tất niên. Con vẫn lấy cái cớ là không ăn được hành và hạt tiêu để chối đây đẩy khi được dúi vào bát một miếng bánh chưng to ú ụ. Để rồi phải đến tận gần Rằm tháng Giêng, khi bánh đã lại gạo và miệng người đã ngán ngẩm thứ nếp cứng rệu rạo đi rồi, phải đem bánh ra rán lại, chấm nước mắm tỏi ớt hoặc ăn kèm thịt kho tàu thì bọn con mới chịu đụng đũa. Ấy thế mà không hiểu sao sang bên này, Tết đến thèm bánh chưng như đứa trẻ chưa cai sữa thèm bú mẹ. Chẳng riêng gì bánh chưng mẹ ạ, bao nhiêu thứ hồi còn ở Việt Nam con chê ỏng chê eo, hoặc chẳng mấy khi đụng đến, bỗng nhiên thay nhau gõ cửa dạ dày, nhớ nhung thèm thuồng phát khóc lên được. Hành và hạt tiêu giờ con đã ăn được rồi, không để ai phải cáu vì ngồi ăn phở cứ nhặt hành ra và không chịu ăn bánh mướt với giò (vì có hạt tiêu!) như trước nữa. Con cũng ăn được cả cá kho nghệ, thịt gà lá chanh và cũng ăn rau sống thiện nghệ, có lẽ vì tất cả những thứ đó ở bên này hiếm hoi chứ lấy đâu ra nhiều nhặn, thừa mứa cho con kén chọn. Con vẫn mải miết đi tìm thứ hương vị thân thuộc, rất mẹ, rất Việt Nam trong những gia vị mà chúng con kiếm được giữa bạt ngàn các thức đồ châu Âu. Tìm đâu cho thấy mẹ ơi? Bát cháo lươn giữa Paris sao mãi chẳng cay nổi để sưởi ấm lòng con qua những đêm lạnh lẽo? Con ăn mà thấy buốt giá cả tâm hồn!
 
Có lẽ con sẽ không nói đến chủ đề ăn uống nữa mẹ ạ, bởi nếu nói tiếp thì con sẽ khóc mất: đấy là những thứ không bao giờ đất nước Pháp giàu có, hoa lệ này có được. Nhiều khi sáng mở mắt dậy, ngửi thấy một mùi gì lạ lẫm mà khiến con cồn cào nhớ một món ăn Việt Nam đến quặn ruột quặn gan. Như một người ốm nghén lâu ngày mà cái sự thèm thuồng không khi nào thỏa mãn được, nếu mẹ hỏi con nghén gì, có lẽ con sẽ chỉ nói được rằng con nghén Việt Nam! Ở bên này, ngày lễ gần nhất với ngày Tết Nguyên đán của mình là Noel, nhưng con thấy không khí Noel của người châu Âu cũng cứ không nhộn nhịp được như ở nhà mình. Đường xá, cửa hàng cửa hiệu được giăng đèn nhấp nháy. Trên đại lộ Thiên Đường nổi tiếng diễn ra phiên chợ Noel đông đúc và nhộn nhịp, với những cửa hàng bán bánh kẹp, bánh xốp, quẩy rán ngon lành mà nóng bỏng cả lưỡi, cả tay.
 
Và còn gì tuyệt hơn khi được quây quần với bạn bè, nhâm nhi cốc rượu vang đun cùng vỏ cam và quế thơm thơm, ngòn ngọt mà hơi phảng phất cay. Đêm Noel, đã có bữa tối truyền thống với hàu sống, gan ngỗng, gà tây quay và bánh kem thân cây, ngon lành béo ngậy. Nhưng mẹ ạ, như con đã nói với mẹ rồi đấy, cái mà người Pháp đáng tự hào và cũng đáng tiếc nhất là sự độc lập, không thích phiền hà đến người khác. Một ngày lễ lớn như vậy, cuối cùng vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, hơi thiếu tính cộng đồng nên hơi thiếu chất hội, chất tiệc.
 
Chẳng thế mà ngày Tết ở Việt Nam mình, đường xá có đông đúc, chật chội, chủ và khách có hơi mệt mỏi vì phải đi thăm - hỏi hết người này đến người khác, thì vẫn cứ vui, cứ đậm chất hội hè phải không mẹ? Có lẽ cũng vì truyền thống Á châu đòi hỏi sự ràng buộc, gắn kết cao trong cộng đồng. Có người thì nói là lễ nghi cầu kì, phiền toái, có người lại bảo là vun đắp mối dây tình cảm giữa người với người, phân xử thế nào? Riêng con, con cứ thích phiền toái thôi, biết sao giờ? Bởi cái sự phiền, mà phiền vì bạn bè, họ hàng, vì những người con yêu quý thì nó chẳng phiền nữa rồi. Con chỉ ước bây giờ được đứng chen chân giữa dòng xe cộ ngược xuôi, nhìn đồng hồ và phàn nàn rằng "Người đâu mà đông thế". Nếu có được quay ngược thời gian trở lại những mùa Tết xưa cũ ấy, con sẽ chẳng phàn nàn nửa lời mà thấy tất cả những mỏi mệt, phiền toái ấy đáng yêu, đáng quý biết nhường nào . 
 
Con tự hỏi không biết đêm giao thừa sẽ làm gì. Có lẽ sẽ như mọi năm, ăn uống no nê, bật trang web của VTV lên để xem chương trình Táo Quân trực tuyến (thỉnh thoảng lại rú lên khi mạng bị lag) và hồi hộp chờ đến 12 giờ đêm theo giờ Việt Nam. Giao thừa năm nào với bọn con cũng như trận hỗn chiến với cái máy điện thoại. Vấn đề không phải là ai nhanh tay hơn, điện thoại ai xịn hơn, mấu chốt là may mắn. Và nếu có một lúc nào đó, đứa bạn bên cạnh hí hửng gọi được cho bố mẹ, huyên thuyên những câu chúc Tết trong lúc máy mình "tít tít" liên hồi, con chỉ biết nhẫn nhịn tắt đi, gọi lại - một vòng tuần hoàn nhàm chán và đáng nguyền rủa - cho đến khi vỡ òa sung sướng nghe thấy tiếng bố mẹ.
 
Cảm giác như đang quay lại hồi đi học, lủi thủi ngồi ở cổng trường nhìn bạn bè được bố mẹ đón về, buồn phiền giận dỗi cho đến khi nhìn thấy mẹ tất tả phía xa xa: con cũng đã được đón, cuối cùng cũng ổn. Hay có lẽ con đang tự huyễn hoặc mình thế thôi? Có lẽ con vẫn đang ngồi sầu muộn bơ vơ ở một nơi nào đó rất xa nhà mình, cơ quan bố, cơ quan mẹ hay cái chợ cóc mẹ vẫn vội vã tạt vào sau một ngày dài tất bật. Con cặm cụi đếm những viên gạch lát, đếm mãi, đếm hoài mà sao vẫn chẳng thấy bố mẹ đến đón con? Con nhìn bố mẹ gượng cười trong màn hình máy tính, nghe tiếng pháo nổ đì đùng mà vẫn không khỏa lấp đi được tiếng bố thở dài và tiếng mẹ nấc lên, cố nén những lời thổn thức. Tết này nhà mình vẫn vắng con, mẹ có còn khóc nữa không khi bạn con đến chơi nhà? Mẹ ơi con sẽ sớm về, mẹ đừng khóc nhiều mà ướt cả giấc mơ con!
 
Mẹ ạ, đừng bao giờ nghe bài "Xuân này con không về", bởi mỗi lần vừa nghe cất lên câu "Con biết xuân này mẹ chờ tin con..." là con lại trào nước mắt. Từ khi sang bên này con đã biết nghe nhạc Quang Lê, nhạc Trịnh Công Sơn, thứ âm nhạc như rút ruột, rút gan người ta trong những lúc yếu lòng. Buồn mà sao vẫn thích nghe, đến nhà đứa du học sinh nào ngày Tết cũng thấy bật những bài hát nhớ nhà, nhớ Tết quê hương, nếu không còn gì ngại ngùng với nhau thì chắc sẽ ôm nhau mà khóc tu tu như trẻ con đòi mẹ. Bởi vì Tết là gì nếu không có ông bà để con chúc Tết, không có bố mẹ để con lớn tướng rồi vẫn vòi vĩnh lì xì, không có bầy nhóc em để cùng nhau đánh bài tẹt mũi, lùi mía vào bếp bánh chưng... Tết không phải là "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
 
Những điều ấy cần nhưng chưa đủ, mà chỉ là điểm tô vào cho bức tranh gia đình, bởi Tết là ngày của đoàn tụ, đoàn viên. Nếu nhắc đến Tết, có lẽ con sẽ nghĩ đến bếp lửa cả nhà mình quây quần quanh nồi bánh chưng. Bố, mẹ và con là những hòn than hồng để bếp lửa gia đình luôn cháy đượm. Vậy thì ở nơi ngàn dặm xa xôi này, con cũng tìm được cho mình một bếp lửa để ủ ấm tâm hồn. Có riêng gì con của mẹ đâu? Những hòn than nhỏ đổ về Paris từ những nẻo đường xa, những cái nắm tay, những ánh mắt nhìn nhau chẳng cần thốt nên lời mà sao trái tim cứ cùng chung nhịp đập. Là nhịp nhớ, nhịp thương da diết, tái tê, chỉ nghe vang vọng mơ hồ trong sâu thẳm tâm hồn cũng đủ khiến người ta bồi hồi, thổn thức. Thì đã có nhịp bác ái, kết đoàn hòa âm tâm hồn những người con xa xứ. Paris lạnh quá, xa xôi quá, bếp lửa gia đình không thổi bùng được trái tim con, nên những đứa con xa phải biết xích lại gần nhau để âm ỉ cháy mãi những yêu thương. 
 
Mẹ ạ, xuân này con không về. Cái Tết của con có lẽ sẽ lại bộn bề học hành, thi cử và trăm ngàn mối lo vụn vặt khác của đời du học. Thứ khiến tâm hồn con chững lại giữa cuộc đời ngột ngạt ấy chính là nhung nhớ, cô đơn, buồn thật đấy nhưng cũng thật may mắn. Bởi khi người ta vẫn còn điều gì đó để nhớ mong, khắc khoải nghĩa là cuộc sống này vẫn còn ý nghĩa, và ngược lại, khi vẫn còn ai đó nhớ mong ta nghĩa là ta vẫn có ý nghĩa trên cuộc đời này. Bất giác nhớ lại những câu Kiều mà bố thường ngâm nga mỗi năm Tết đến: "Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi". Con chợt thấy mình già nua và mỏi mệt, ngước lên nhìn trời Paris ráo hoảnh: Cánh én nào chở những yêu thương cho trái tim con đong đầy?
 
Hải Triều (Mail từ Paris)