(Baonghean) - Khau Vai - “Dẫu có vậy, nhưng còn được vậy”
“Phiên chợ” ấy đã chọn cái đêm Hà Nội rét nhất để khai diễn (hẳn cũng để thử lòng người “dự chợ”). Kín rạp. Nhưng ăn thua là giữ khán giả được đến tận phút cuối. Hiếm khi là thế, nhất là lúc này, với một vở cải lương. “Chuyện tình Khau Vai” do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng. Tác giả kịch bản: PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ; Đạo diễn và chuyển thể cải lương: NSƯT Triệu Trung Kiên; Âm nhạc: Nhạc sỹ, NSƯT Trọng Đài; Thiết kế mỹ thuật: Doãn Bằng; Biên đạo múa: Quỳnh Lan; Thể hiện ca khúc: NSƯT Mai Hoa..., hiện đang diễn tại rạp Hồng Hà, Hà Nội, và về Nghệ An mấy ngày sau đó.
Chuyện xưa vừa quen vừa lạ. Quen, là bởi chẳng ai còn lạ gì phiên chợ mỗi năm chỉ mở một lần vào ngày 27/3 âm lịch tại Khau Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), nơi khắc dấu câu chuyện tình mãnh liệt của chàng Ba - nàng Út (cũng là hai nhân vật chính của vở) và sau này, là của lớp lớp tình nhân. Quen, cũng còn bởi chuyện tình xưa của các tộc người thiểu số nơi cao nguyên đá Đồng Văn của Việt Nam, cũng là của nhân loại. Vì ở đó, thêm lần nữa, người ta lại thấy thương thay cho chiếc thuyền tình trắc trở trước những sóng gió của đẳng cấp, sắc tộc, định kiến, quả báo, như từng được kể trong những thiên kịch nổi tiếng quốc tế: “Romeo và Juliet”, “Lôi vũ”...
Nhưng cũng thật lạ, vì một không gian văn hóa Tày - Nùng mà rộng hơn, là núi rừng Tây Bắc vừa mới ngây ngất hiện ra giữa lòng Hà Nội và nhiều vùng xuôi khác nữa: Những váy áo, cung tên, “hoa đào năm ngoái”, những làn điệu giao duyên, những bài khấn nhiệm màu, những bà mo...
Và cuối cùng, là phiên chợ tình nhân văn có một không hai trên thế giới: “Đi khó, dễ về” (hay ngay cả về, cũng khó?), là nơi để những người từng yêu nhau mà không được sống cùng nhà tìm về lại “nhà xưa”, mỗi năm một lần, “dẫu có vậy nhưng còn được vậy” - như thơ Vũ Quần Phương. Một câu chuyện vừa khiến người ta thèm yêu nhau hơn bao giờ, mà cũng ngại yêu đến thế, vì yêu gì mà khó, mà khổ!
Ngọt như Khau Vai. Đắng như Khau Vai. Và cũng cần lắm, Khau Vai! Khi nó là sự nối dài cho những giấc mơ dang dở, đứt đoạn; là làm lại mà không... “làm hại”...
Chợ tình giữa cảnh “chợ chiều”
Kịch bản của vở diễn giàu chất thơ, đúng hơn, là một bài thơ kỳ lạ, vừa ngọt ngào, thiết tha, hạnh phúc, vừa đau đớn, tủi hờn, bi thương. Lạ thay, tác giả kịch bản lại là một người suốt ngày, suốt tháng, suốt năm làm cái công việc quản lý được coi là “khô như ngói”. Không chỉ trong ca từ, lời thoại: “Số phận có chiều ai đâu/ Đường đời rẽ về lắm ngả/ Khau Vai, người nhân hậu quá/ Nâng niu góc nhỏ âm thầm...”, mà trong tình huống kịch, hình tượng nhân vật… đều giàu chất thơ, chất lãng mạn, chất nhân văn.
PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết: anh lên Mèo Vạc, đến chợ tình Khau Vai năm 1997. Đó là khoảng thời gian đang là Phó Giám đốc Đài PT-TH Nghệ An, anh được cử ra Hà Nội để học lớp đại học chính trị ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (chính quy, tập trung 2 năm). Trên đường từ Mèo Vạc, từ Hà Giang về Hà Nội, ngay trên chuyến xe, anh đọc cho mọi người nghe bài thơ còn “bỏng tay” do anh sáng tác: Xuân còn bín rín đầu non/ Hạ đã gieo vàng trước ngõ/ Boóc mạ sáng nay vội nở/ Khèn ai khắc khoải cuối rừng/ Ai có tìm về ai không/ Tháng ba, Khau Vai hò hẹn/ Chợ tình chẳng mua, chẳng bán/ Vẹn nguyên lối cũ gót xưa/ Vẹn nguyên chín đợi mười chờ/ Vẹn nguyên tình đầu dang dở/ Gom nhặt cả điều lầm lỡ/ Thành men kỷ niệm chiều nay… Cứ thế, cứ thế, ý tứ, câu chữ, hình ảnh, cảm xúc tuôn trào…Chuyện tình Khau Vai đeo đuổi, ám ảnh Nguyễn Thế Kỷ. Anh đã phác thảo một kịch bản phim truyện truyền hình. Viết, rồi cất vào ngăn kéo, lại lôi ra, bổ sung, thêm bớt, cất vào…
Cái duyên anh đến với nghệ thuật cải lương vừa ngẫu nhiên, lạ lùng mà không kém phần thú vị. Ấy là tháng 4 năm 2012, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ làm Trưởng đoàn công tác của Ban và một số cơ quan khác ra Trường Sa. Lênh đênh trên biển hơn 10 ngày, ghé thăm 11 đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn DK1. Đêm 28/4, đêm trước khi con tàu hải quân chở đoàn công tác cập bờ, bài thơ “Thao thức Trường Sa” ra đời. Báo Nhân Dân đăng bài thơ này trong số báo 30/4, kỷ niệm 37 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Mấy ngày sau, Nhạc sỹ Lê Đức Hùng (Thành phố Hồ Chí Minh) phổ nhạc. Bài hát nhanh chóng lan tỏa, được nhiều người ưa thích. Nghệ sỹ cải lương Quang Khải, quê Nghĩa Đàn, Nghệ An, may mắn tham gia đoàn công tác của “ông anh đồng hương”, đã chuyển bài hát để đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên chuyển thể thành bài cải lương vọng cổ “Bâng khuâng Trường Sa”. Quang Khải và Thu Trang đã thể hiện rất thành công bài hát này. Mấy anh em “kết” nhau. Các bài thơ khác của Nguyễn Thế Kỷ được phổ thành những làn điệu phương Nam như “Trước nàng Tô Thị”, “Nghệ Tĩnh mình đây”, “Một chút Thu Hà Nội”, “Với Cần Thơ”, “Tiếng mùa Xuân”, “Đưa con về thăm quê”…Và “Chuyện tình Khau Vai” ra đời trong nguồn mạch đó.
Tôi biết đạo diễn Triệu Trung Kiên không phải vì nghệ thuật, mà là trong một khóa học dạy về... giảm cân. Khi đó, Kiên là “học viên xuất sắc” nhất vì nghị lực hơn người của anh: Cuộc giảm cân thần kỳ kể cũng đáng... dựng vở. Đời thường là thế, nhưng với nghề, thì ngược lại: Các vở diễn ngày càng nặng ký, trong cuộc lội ngược dòng khó nhọc của cải lương cũng như các bộ môn nghệ thuật truyền thống nói chung giữa bối cảnh “chợ chiều”.
Khó mà nghĩ, chủ nhân của “chợ giao dịch kịch bản ảo” đầu tiên trong làng sân khấu với trang web www.chokich.vn lại là một nghệ sĩ cải lương. Như chính tác giả kịch bản “Lịch sử có thể đã khác” này từng chia sẻ: “Chúng ta không thể giữ mãi những định kiến về sự lạc hậu, trì trệ của sân khấu phía Bắc cả về chất lượng cũng như cách làm việc manh mún, thiếu chuyên nghiệp”. Rồi cuối cùng, anh đã có được “chợ tình” giữa cảnh “chợ chiều” ấy. Một “chợ tình phong lưu” như chính Khau Vai.
“Chuyện tình Khau Vai” còn lạ, độc đáo trong cách thắt nút, mở nút. Nhân văn, lãng mạn, nhưng cũng đầy tỉnh táo, thực tế (khi cả tác giả kịch bản lẫn đạo diễn đều là... đàn ông?). Kể lại chuyện xưa bằng ngôn ngữ truyền thống, nhưng trong một hơi thở mới, tiết tấu mới, quan niệm mới. Chẳng hạn, cái kết. Không như chuyện xưa: Chàng Ba trong “Chuyện tình Khau Vai” không chọn cách của... Romeo mà là “phải sống” (Hay đàn ông ngày nay chúa tỉnh táo?). Dù thực ra, là cũng toan làm dại. Cái hữu hạn của đời người, biết thế!
“Chuyện tình Khau Vai”, xem xong, chỉ thấy... đàn bà thiệt! Vậy thì, ai có lợi? Có đấy: Vở diễn!
Được biết, ngay sau các đêm diễn đầu tiên tại Hà Nội, bà Thái Hương - Chủ tịch, Tổng giám đốc Bắc Á Bank và TH True Milk quyết định mang “Chuyện tình Khau Vai” về quê hương của Tác giả kịch bản và của Chàng Ba (do Quang Khải thủ vai). Đó là Vinh, Yên Thành, Đô Lương, Nghĩa Đàn…
Thu Phương