(Baonghean) - Cửa Lò không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn bởi có biển nước trong xanh, cát trắng mịn màng mà nơi đây còn níu chân du khách với những đặc sản tươi ngon. Nhiều món như: mực nhảy, mực một nắng, tôm, cua, ghẹ, ốc, cá thu... Nhưng hấp dẫn hơn cả là món cháo nghêu (ngao). Tôi đã có dịp đi nhiều nơi, cũng được thưởng thức cháo nghêu ở nhiều vùng miền khác nhưng chưa lần nào tôi tìm được cảm giác đặc biệt như món cháo nghêu ở Cửa Lò. Hương vị đậm đà ngon ngọt của nghêu, mùi thơm của gạo mới, mùi vị hành tăm... tỏa ra từ bát cháo nóng hổi thơm phức làm tôi nhớ mãi.

Chị Hoàng Thị Lộc (người nấu cháo nghêu đầu tiên ở Thị xã Cửa Lò) tay thoăn thoắt múc cháo cho khách, nở nụ cười tươi: "Khách Cửa Lò, rồi khách ở Vinh xuống ăn em ạ nên chị làm nỏ kịp, các em chịu khó đợi một lát nhé". Chị Lộc bưng bát cháo nghêu nóng hổi ra cho chúng tôi. Bát cháo nghêu thơm phức, màu trắng của gạo mới, lấp lánh ruột nghêu căng tròn trong bát cháo nóng hổi dậy mùi hành tăm, cái mùi đặc trưng riêng của hương biển Cửa Lò toả ra ngào ngạt, đánh thức tất cả khứu giác, vị giác của bất cứ ai đi qua. Đỡ bát cháo nghêu nóng hổi, bạn tôi nức lời khen: "Ôi, cháo nghêu Cửa Lò ngon quá!".
 
Sống ở biển Cửa Lò, chị Lộc gắn bó với bát cháo nghêu quê mình từ nhỏ. Rồi cũng như bao người con của đất biển Cửa Lò, cứ tầm 2 giờ sáng người dân quê chị lại rậm rịch vác cào, xách xô ra biển, ngâm mình dưới làn nước trong xanh cào nghêu. Lúc nào người cũng ướt sũng. Ngày ấy, biển hoang sơ, chỉ phi lao, cồn cát và người đi cào nghêu chân trần trên bãi cát mịn mát chân, không có quán xá và nhà cao tầng san sát, sầm uất như bây giờ. Cào được đầy hai xô nghêu cũng là lúc trời bắt đầu tỏ mặt người. Nhiều lần đi mò nghêu, chị Lộc và bà con làng biển thầm mong: "Ước chi vùng đất biển quê mình trở thành một điểm du lịch để những con nghêu biển dân dã kia sẽ trở thành một món ăn đặc sản của nhiều người".
 
Ngày đó nghêu bắt về bà con đem bán ở các chợ: chợ Sơn, chợ Nghi Hợp, chợ Hôm... và nấu ăn trong mỗi gia đình, chưa ai nghĩ ra chuyện chế biến món nghêu nấu cháo bán là gì đâu. Rồi như là cái “duyên trời" mang đến với vùng đất biển hoang sơ này. Ấy là mùa Đông năm 1995, cũng vào một ngày cuối năm, tiết trời lạnh giá. Chồng chị Lộc (anh Thường) vừa đi cào nghêu về, anh bảo với vợ: "Em ơi, hôm nay nghêu ít, nhà mình để nghêu ăn nhé". Độ vài chục phút sau, người đàn ông trạc tuổi 50 bước vào, trông bề ngoài rất sang trọng nhưng khi tiếp xúc thấy ông gần gũi, dân dã lắm, ông giới thiệu tên là Phúc, ông nói: "Cháu nấu cho bác một bát cháo nghêu có được không? Bác xa quê đã 18 năm rồi, mẹ bác không còn nữa, bác rất thèm một bát cháo nghêu quê nhà cháu ạ". Vợ chồng chị Lộc nhanh nhẹn vào bếp làm cháo. Khi anh Thường mang bát cháo nghêu nóng sốt ra, hồ hởi bảo: "Bát cháo nghêu đủ 20 con theo nguyện vọng của bác đây ạ, cháu mời bác ăn cho nóng". Ông Phúc lắc đầu bảo: “Vị này chưa được cháu ạ, cháu biết thiếu gì không, cháo nghêu thiếu vị này là không thành công rồi, ấy là vị hành tăm". Từ bát cháo nghêu đầu tiên nấu cho người con xa quê 18 năm sống bên trời Tây, vợ chồng chị Lộc đã mở quán cháo nghêu biển trên đường Thu Thủy. Thời ấy chỉ 5 nghìn đồng 1 bát. Đặc sản cháo nghêu Cửa Lò ra đời như vậy đấy. 
 
Bây giờ, không chỉ gia đình chị Lộc nổi tiếng nấu cháo nghêu thơm ngon mà hàng trăm nhà hàng lớn, nhỏ ở Thị xã Cửa Lò đã làm nên thương hiệu cháo nghêu thơm ngon, hấp dẫn, níu chân du khách. Chị Lộc bảo: Một phần nhờ lợi thế nghêu Cửa Lò tươi ngon, một phần là bí quyết nghề của những người con trên vùng đất biển một thời vác cào đi tìm nghêu dưới lòng cát trắng là biết được con nghêu nào ngon. Con nghêu ngon thường có hình tròn tròn, ruột của nó thể nào cũng căng tròn và béo. 
 
Chị Lộc bảo: Ngoài công đoạn chọn lựa nguyên liệu, cách chế biến cháo nghêu tỉ mỉ, công phu lắm, ấy là bí quyết nghề, không thể kể ra hết được. Bao giờ người làm nghề cũng phải ngâm rửa nghêu cho nhả hết cát, tách nghêu khi sống, rạch bỏ chất bẩn, rồi đem ướp với gia vị, đập hành tăm, xào nhanh trên chảo. Chọn gạo dẻo, vo sạch, để ráo và đun sôi với nước, lửa không quá to, khi cháo đã nhừ chưa bỏ nghêu vào mà lúc nào khách ăn mới nấu, cháo nghêu nấu ăn liền mới ngon. Chị Lộc cho biết thêm: Sở dĩ bát cháo nghêu ở Cửa Lò thơm, ngon, nước nghêu không tanh là nhờ bí quyết nghề của người Cửa Lò. 
 
Về với Cửa Lò, chúng tôi không chỉ bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của món cháo nghêu đậm đà hương vị biển mà nơi đây còn nhiều món ngon khác như cá thu tươi cắt khúc nướng trên than hoa rực hồng, cá thu băm nhỏ, ướp gia vị chiên giòn; hay mực nhảy, mực một nắng, tôm, cua… nhộn nhịp ở chợ hải sản Cửa Lò. Sinh động nhất là những thùng ghẹ. Những con ghẹ sống được buộc chặt bằng sợi dây mềm mại. Ở Cửa Lò có 5 loại ghẹ: ghẹ xanh, ghẹ đỏ, ghẹ hoa, ghẹ bầu, ghẹ chấm, khách hàng có thể chọn theo túi tiền và sở thích. Điều đặc biệt, ở chợ đặc sản có nhiều người chuyên làm nghề nướng tôm, cá, mực... nên du khách có thể chọn mua tươi rồi đem nướng theo ý thích của mình, hoặc có thể nướng ăn tại chỗ. Dẫu chợ đông đúc nhưng ở đây không có cảnh xô lấn, ép giá, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ hấp dẫn du khách khi đến với Cửa Lò.
 
images922188_dsc_2100.jpgĐặc sản cá thu.
 
Năm 2013, lượng khách đến Cửa Lò ước đạt 2 triệu 120 lượt (tăng 9,6% so với năm 2012) trong đó: khách lưu trú 1 triệu 345 ngàn lượt (tăng 7,8% so với năm 2012), khách quốc tế đạt 5400 lượt. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 1460 tỷ đồng (tăng 29,2% so với năm 2012). Mùa du lịch 2014, Cửa Lò phấn đấu đón 2 triệu 250 ngàn lượt khách, tăng 6,1% so với năm 2013. Khách lưu trú 1 triệu 430 ngàn người. Khách quốc tế đạt 5500 lượt. Doanh thu dịch vụ du lịch đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2013.
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò cho hay: Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2014, Thị xã Cửa Lò phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Đa dạng hoá sản phẩm phục vụ các đối tượng khách hàng với những nhu cầu đa dạng như: Du lịch MICE (Hội họp, khen thưởng, hội nghị, triển lãm), du lịch đô thị, du lịch giáo dục, du lịch thể thao, du lịch dưỡng bệnh, du lịch làm đẹp... Tăng cường liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp; theo khu vực, các hành lang kinh tế; cùng các ngành vận chuyển, các liên kết vùng, liên vùng để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
 
Chủ động liên kết các đơn vị lữ hành, khai thác nguồn khách hướng về cội nguồn của kiều bào, khách quốc tế truyền thống: Lào, Thái Lan, Trung Quốc và các nước ASEAN theo tuyến hành lang Đông - Tây... Phát triển du lịch bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Khai thác hệ thống du lịch biển đảo Lan Châu, đảo Ngư phục vụ phát triển du lịch. Mở rộng và phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực, món ăn truyền thống. Hình thành chuỗi nhà hàng ẩm thực có thương hiệu, đặc biệt là xây dựng nhiều mô hình nhà hàng văn minh. Tiếp tục mở rộng không gian du lịch về phía Tây đường Bình Minh và phía Nam Quảng trường. Dọc theo đường Bình Minh tiếp tục quy hoạch xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch biển truyền thống như: Tắm biển, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, các nhà hàng ăn uống đặc sản để phục vụ du khách. Chỉ đạo thực hiện tốt Chủ trương "5 không". Đẩy mạnh công tác tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xuyên suốt mùa du lịch...
 
Rời phố biển Cửa Lò trong nhộn nhịp chợ cá sớm mai. Những con mực, cá, tôm... đánh bắt bằng thuyền mủng từ ngoài khơi đem vào còn tươi rói hấp dẫn lòng người đến với phố biển. Qua các trục đường quen, mùi thơm từ các món hải sản hấp dẫn, mùi đặc trưng của bát cháo nghêu toả ra thơm phức trong tiết trời Xuân bắt đầu sang...
 
Thu Hương