Để xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, quan trọng nhất là tạo ra thị trường nợ thứ cấp, thông qua đó xử lý các tài sản đảm bảo, thu hồi vốn; song, triển khai trên thực tế lại khó khả thi.
 
Bán bất động sản, tàu cũ,... ai mua?

Hơn 1 năm trước, sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) được kỳ vọng sẽ là chủ đạo trong việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của VAMC cho thấy không hiệu quả. VAMC “ôm” nợ xấu có lẽ chỉ để giúp các ngân hàng giải quyết vấn đề báo cáo tài chính, chứ không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Vì vậy, Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, đó cũng chỉ là mong muốn của nhà quản lý. Vấn đề quan trọng nhất là tạo ra thị trường nợ thứ cấp, thông qua đó xử lý các tài sản đảm bảo, thu hồi vốn, thì thực tiễn lại khó khả thi.

Cụ thể, tài sản đảm bảo các khoản vay ở Việt Nam chủ yếu là bất động sản, nhà máy, tàu thuyền... Câu hỏi đặt ra, trong tình hình hiện nay ai sẽ là nhà đầu tư mua các tài sản này?
 
 
Với tài sản là bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài hiện rất quan tâm và muốn mua, nhưng lại vướng về thủ tục pháp lý. Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), cho rằng, các quy định của pháp luật liên quan đến bất động sản không cho phép sở hữu, thế chấp với người nước ngoài. Vì vậy, nhà đầu tư ngoại muốn mua lại số nợ xấu có tài sản đảm bảo bằng bất động sản ở Việt Nam là không thể. Nếu muốn thực hiện được thì phải sửa luật, song, đến nay chưa ghi nhận có sự khởi động nào về vấn đề này.

Với các nhà đầu tư trong nước, kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh bị thu hẹp, rất ít người có khả năng mua. Bản thân việc bán nợ có tài sản đảm bảo bằng bất động sản cho nhà đầu tư, khách hàng trong nước cũng hết sức phức tạp, khó khăn, kéo dài và ít thành công.

Trong hợp đồng vay vốn giữa ngân hàng và khách hàng, có thỏa thuận hai bên được phép xử lý tài sản đảm bảo nếu không thu hồi được nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, để đấu giá hay bán được tài sản đảm bảo bằng bất động sản là không hề đơn giản vì phải thực hiện khâu chuyển nhượng, sang tên phải qua công chứng. Giao dịch chỉ thành công khi bên đứng tên cũng là người đi vay chấp thuận, còn không sẽ không thực hiện được.

Khi đó, ngân hàng lại phải khởi kiện ra tòa án. Ra tòa sơ thẩm, có phán quyết, nếu người đi vay không chấp nhận, sẽ khiếu kiện lên tòa án cấp cao hơn... cứ như thế cho đến khi có phán quyết cuối cùng, rồi chuyển sang cơ quan thi hành án. Để giải quyết xong, nhanh cũng phải mất 4 năm, không thì sẽ kéo dài hơn nữa.

Thậm chí, với khách hàng cá nhân thế chấp ngôi nhà đang ở (ngôi nhà duy nhất), đến lúc thi hành cưỡng chế, gia đình họ sẽ sống ở đâu hay bị đẩy ra đường, ảnh hưởng xấu tới đời sống, xã hội. Nhiều địa phương không đồng ý và rất khó để cưỡng chế thành công.

Vẫn chuyện “tiền tươi thóc thật”

Còn với nhà máy, tàu thuyền chủ yếu là cũ, lạc hậu rất khó bán, chưa kể giá trị của tài sản được thổi phồng lên nhiều lần so với giá trị thực.
 
 
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, bối cảnh cả trăm người bán, một người mua hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng các tài sản đảm bảo nợ xấu giảm giá thấp cũng không thể bán nổi. Thậm chí, giảm tới 50% cũng không có ai mua, vì mua để làm gì?

Chẳng hạn, nếu tài sản thế chấp là những thành phố "ma" xung quanh Hà Nội, nếu siết nợ các thành phố "ma" đó, thì sẽ thanh lý “đống nợ” đó bằng cách nào? Ai sẽ mua những tài sản đó? Với giá nào? Trong thời hạn bao nhiêu lâu? Và các thủ tục giấy tờ đất đai có giải quyết được không? Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào rõ ràng về việc này, ông Thành nhấn mạnh.

Trên thực tế, VAMC đang gặp khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua đấu giá. Thời gian qua, VAMC đã ba lần tổ chức đấu giá nhưng đều thất bại. Điều này hoàn toàn không có gì lạ, bởi từ trước đó, các ngân hàng đã từng tiến hành bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ nhưng đều bất thành. Có ngân hàng còn chán đấu giá “đến tận cổ”, dù nắm giữ nhiều tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Ngân hàng không thể bán để thu hồi nợ, cũng không muốn bán vì nó quá phức tạp.

Ngày 6/6/2014 vừa qua, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư liên tịch số 16/2014 hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm. Tuy có gỡ rào, nới một số điểm như cho phép thực hiện công chứng sang tên từ khi thế chấp tài sản nhưng cũng không giải quyết được nhiều, nhanh tài sản đảm bảo là nợ xấu để thu hồi vốn, luật sư Đức cho biết.

Vấn đề chính của xử lý nợ xấu là phải có “tiền tươi thóc thật”. Ở các quốc gia khác, nợ xấu được xử lý bằng tiền mặt và các quốc gia đó dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, thậm chí, nhiều nước sử dụng từ 15-20% GDP để xử lý nợ xấu.

Còn ở Việt Nam, muốn dùng tiền ngân sách xử lý nợ xấu dường như là không thể. Chính vì vậy mới tính đến xử lý nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt như thời gian qua, nó là thứ công cụ tài chính không có trên thông lệ quốc tế nên không mấy thành công.
Theo đọc báo