(Baonghean) - Bằng ý chí, nghị lực vươn lên không ngừng, anh Nguyễn Hữu Kim - giáo dân xã Khai Sơn (Anh Sơn) đã chinh phục, biến vùng đồi Khe Đẻn hiểm trở thành trang trại kinh tế tổng hợp, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Là con trai út trong gia đình nông dân nghèo có 9 người con, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Nguyễn Hữu Kim phải nghỉ học sớm. Năm 1992, anh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, xây dựng gia đình với hai bàn tay trắng. Cuộc sống của vợ chồng anh chỉ trông vào mấy sào ruộng, không có nguồn thu nhập phụ. Không chấp nhận hoàn cảnh, anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua một số lô đất cạnh Quốc lộ 7A, xây dựng tổ dịch vụ cưa và sản xuất đồ mộc dân dụng gồm 8 thợ làm. Năm 2004, huyện Anh Sơn có chủ trương xây dựng và phát triển kinh tế trang trại vườn - rừng, nhận thấy đây là cơ hội tốt, phù hợp với ý tưởng, anh đã làm đơn xin nhận 32 ha rừng ở khu vực Khe Đẻn thuộc thôn 4, xã Khai Sơn. Vùng đồi Khe Đẻn hoang sơ, bao bọc bởi đồi núi và khe suối, đường giao thông đi lại không có nên người dân ngại không nhận thầu vùng đất này.
Xuất thân là người nông dân chân lấm tay bùn, song anh Kim là người khá nhanh nhạy trong tư duy làm kinh tế trang trại. Anh cho rằng nếu giao thông, thủy lợi được tính toán trước thì việc đầu tư, chăm sóc cây, con sẽ thuận lợi, tiêu thụ sản phẩm dễ hơn. Để có vốn tập trung đầu tư ban đầu cho trang trại, anh quyết định bán hai lô đất cạnh Quốc lộ 7A mua 1 máy ủi đất, 1 xe công nông để san lấp mặt bằng, đầu tư gần 9 km đường biên, đường lô trong trang trại, mở 700m đường giao thông nối trang trại ra trục đường mòn Hồ Chí Minh. Cùng với đó, anh chủ động nâng cấp, đắp mới 3 con đập để giữ nước đầu nguồn, vừa giữ ẩm cho cây nguyên liệu vừa khoanh nuôi cá. Nhờ đó, đến nay trên 32 ha đất đồi rừng được giao, anh đã bố trí khép kín mô hình kinh tế tổng hợp VACR bao gồm trồng 10 ha tràm, 5 ha sắn cao sản, 3 ha chè thực phẩm, 2 ha chè công nghiệp, 1 ha cây gió trầm, 300 gốc cam, xây dựng hai khu chuồng trại để chăn nuôi 25 con trâu, bò và trên 200 con gà, vịt, 2 ha ao nuôi cá thương phẩm.
Một trong những kinh nghiệm quan trọng tạo nên thành công cho mô hình trang trại của anh Nguyễn Hữu Kim là việc đưa vào ứng dụng các tiến bộ giống cây, con mới, chú trọng áp dụng KHKT chăm sóc để nâng cao giá trị thu hoạch, đồng thời tạo được thương hiệu sạch cho sản phẩm. Trong ý tưởng của mình, anh chú trọng áp dụng giống keo lai ghép cành Phú Thọ (trước đây keo trồng tra hạt truyền thống, khoảng 7 - 8 năm có thu hoạch) chỉ trồng một lần, sau 4 - 5 năm thu hoạch để cành ngọn mục nát, sau phát triển bằng tái sinh, 5 năm sau lại cho thu hoạch. Giống keo này thu nhập lãi 30 - 35 triệu đồng/ha. Giống cam mới V2 không hạt quả to, mọng nước cũng được anh đưa vào trồng rất hiệu quả. Vườn cam được áp dụng kỹ thuật chăm bón, phun thuốc theo đúng định kỳ, thời điểm ra lộc, ra hoa, đậu quả cho đến thời điểm quả cam to bằng quả chanh thì tuyệt đối không phun thuốc. Nhờ đó, vườn cam tại trang trại anh luôn đạt 30 - 40 kg quả/gốc, giá bán 70 ngàn đồng/kg, cao hơn các loại cam bán ngoài thị trường (50-55 ngàn đồng/kg). Cây gió trầm cũng là cây công nghiệp mới, hiện người dân địa phương đi khai thác nhựa, rễ, gốc gió trầm từ Lào về bán cho tư thương Hà Tĩnh, Quảng Nam phục vụ cho việc chế biến dược phẩm, anh Kim đã thuê hẳn kỹ sư với mức lương 7 triệu đồng/tháng để trực tiếp vào đất Quảng Nam học hỏi kinh nghiệm trồng và nghiên cứu thị trường. Hiện 5.000 cây dó trầm của anh phát triển tốt. Ngoài ra, đàn lợn và gà trong mô hình trang trại của anh Kim được chăn nuôi theo hình thức thả vườn nên sản phẩm được tư thương trong và ngoài huyện tìm vào tận nơi thu mua với mức giá cao gấp 2, gấp 3 giá thị trường..
Gần 10 năm gắn bó với đồi rừng Khe Đẻn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên quê hương của anh Nguyễn Hữu Kim đã thành hiện thực. Theo tính toán của anh, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ tràm nguyên liệu thu hoạch đạt gần 150 triệu đồng/lứa, cây chè đạt 600 triệu đồng/năm, cam đạt 50 triệu đồng/năm, nuôi cá thương phẩm đạt 70 triệu đồng/năm, trâu bò vỗ béo đạt gần 80 triệu đồng/năm. Từ hiệu quả kinh tế, năm 2011 anh tiếp tục đầu tư gần 2 tỷ đồng mua máy múc, 2 xe ô tô tải trọng 3,5 tấn, nhận thầu san lấp mặt bằng cho các công trình trong huyện. Hoạt động dịch vụ này mang về nguồn thu 90 triệu đồng/năm. Tổng thu nhập của anh gần 1 tỷ đồng/năm. Mô hình đang tạo điều kiện giải quyết việc làm cho 20 lao động mùa vụ, 10 - 12 lao động thường xuyên.
Khi được hỏi về những dự định sắp tới, anh cho biết: “Tôi tiếp tục trồng mới 5 ha tràm, 2 ha trám đen và đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông, nhà ở, chuồng trại… Mong muốn lớn nhất của tôi là được các cấp quan tâm cấp GCN QSDĐ để yên tâm đầu tư…”. Chia tay anh, chúng tôi chúc cho những dự định tiếp theo của anh chóng trở thành hiện thực. Mô hình trang trại tiếp tục phát triển mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động và đặc biệt tạo được sức lan tỏa cho nhân dân địa phương học tập, phát huy tiềm năng, phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Lương Mai