(Baonghean) - Hoà bình, cha trở về thân thể méo mó như đất nước mình thân gầy oằn gánh nỗi tang thương. Mẹ con khóc - lũ về đục ngầu nước sông Lam, làm sao lành lặn cánh tay cha như nước sông đắp bồi đôi bờ phù sa đất đỏ. Cha đã đổi máu xương mình chuộc mẹ con con ra khỏi gông cùm nô lệ, chuộc lại đất nước dân tộc mình đánh mất đi gần một nửa kiếp người. Một cánh tay đổi muôn vạn kiếp người, có đắt không con? Đồng đội cha, có người đổi cả trái tim và dòng máu nóng.
Con nay đã lớn rồi, đã bằng tuổi cha năm xưa lần đầu tiên biết căm hờn và cay đắng nỗi đau thương của dân mất nước. Những đêm trở trời vết thương đau nhức và kí ức một thời khói lửa khiến cha giật mình tỉnh giấc, nhói lên thứ sợ hãi vô hình có lẽ sẽ ám ảnh lớp người sống chết trong bom đạn như cha cho đến trọn kiếp người. Cha thảng thốt nhìn bằng đôi mắt mờ đục trong đêm, thở phào nhẹ nhõm thấy con ngủ yên lành, tựa hồ như được ấp ôm bằng vầng thái dương hoà bình ấm áp. Trên bàn học, trang vở viết dở dương, nét chữ đều và xinh như bàn tay con, búp măng non mới mọc, khiến cha bất giác bật cười nhớ lại lá thư cha nguệch ngoạc viết bằng máu ngày trốn ông bà đòi lên đường nhập ngũ. Bằng cánh tay già nua, héo úa còn lại của mình, cha kéo chăn cho con, sung sướng nhìn mầm sống cha gieo giữa đời nay đã lên xanh, thấy diệu kỳ thay là tạo hoá đã sinh ra con đẹp xinh từ một người cha không lành lặn.
Cha xin con đừng bao giờ xa lánh cánh tay khuyết của cha, dù nó chưa một lần bế bồng, âu yếm hay nâng đỡ con từ thưở nằm nôi, chập chững tập đi cho đến tận mai sau trên đường đời. Con đừng thương hại cha và xem cha là người tàn phế, không con ạ, cha của con đã gửi lại một cánh tay để lấp đầy những hố bom trũng sâu khoét vào máu thịt đất nước. Cánh tay cha đã san rừng, bạt núi, tải đạn, kéo pháo, tiêu diệt kẻ thù: đất nước mà con sống ngày hôm nay chính là nhờ bàn tay cha góp phần vun đắp. Trở về sau thời chiến, cha không còn lành lặn để đứng vào hàng ngũ tiên phong đi xây dựng Tổ quốc như thời trai trẻ ấy nữa, nhưng không phải vì thế mà cha ngồi lại trong góc tối gặm nhấm những gì đã qua, chiến công và mất mát để rồi trì trệ trong đà tiến lên của xã hội thời bình.
Con đã từng hỏi cha, tại sao phải lao tâm khổ tứ với sức khoẻ của cha như hiện nay, trong khi cha được nhà nước quan tâm chính sách, tại sao một người đã “cống hiến, hi sinh quá nhiều đối với một kiếp người mà vẫn không chịu ngơi nghỉ, vẫn muốn đóng góp, dựng xây”? Tại sao? Cha chính là muốn hỏi con tại sao, từ đâu đã gieo rắc vào đầu con suy nghĩ sai lầm ấy, rằng cống hiến cho Tổ quốc, dân tộc mình là một nghĩa vụ, một thứ khoán công mà người ta phải làm cho xong để được nhẹ gánh rong chơi? Con phải thấy được rằng cống hiến không phải là nghĩa vụ mà là lí tưởng sống, là la bàn định hướng khi thuyền con bơi ra biển lớn.
Đến tận bây giờ khi đã quen sống trong thời bình, cha vẫn không quên những lời ông nội hào sảng đọc cho cha nghe từ thuở ấu thơ, từ lời Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Những lời đó con cũng phải thấm nhuần, không phải chỉ để nung nấu sục sôi khi đất nước đau thương mà để biết cho đi tất cả những gì con có: hoài bão, tuổi trẻ, tài năng để bảo vệ và xây dựng mảnh đất mà con và những người con yêu quý gắn bó cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Con là con của cha, con của người đã đi qua một thời đạn bom và may mắn trở về, dù không còn lành lặn. Nhưng con đừng bao giờ lấy đó làm cái cớ để ỉ lại và phụ thuộc vào nghĩa cử cao đẹp mà xã hội đáp đền cho cha con. Làm như thế chính là sỉ nhục sự hy sinh và mất mát của cha, vì cha hoàn toàn tự nguyện hiến dâng mà không mong chờ, tính toán để được đền đáp, trả công. Chính là con đã đem máu xương cha ra để bán rẻ lấy quyền lợi cho mình. Làm như thế, con có thấy đau không?
Xin con đừng bán rẻ máu xương cha!
Hải Triều