(Baonghean) - Họ là những gương mặt đại biểu người có uy tín đã tâm huyết, đi đầu trong mọi lĩnh vực, góp phần tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Báo Nghệ An xin giới thiệu về thành tích của họ.

Tận tụy vì sự bình yên của bản

799829_small_101846.jpg

Ông Lầu Thanh Mai

Bản Pù Toong, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa quê ông Lầu Thanh Mai (dân tộc Mông) gần tỉnh lộ, dễ du nhập những tệ nạn xã hội... Do vậy, để góp phần giữ bình yên cho bản làng, bất kể mưa nắng, giá rét, ông lặn lội, gặp gỡ, vận động đồng bào Mông huyện Mường Lát thực hiện ổn định cuộc sống, không du canh du cư, khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, cảnh giác không nghe và tin lời kẻ xấu xúi giục.

Bằng nhiều cách tuyên truyền vận động khác nhau, những lời nói, việc làm của ông được bà con trong bản tin tưởng, quý trọng. Đến nay, bản người Mông Pù Toong là bản giữ vững ổn định về an ninh trật tự, không có tệ nạn xã hội; bản không có người tái nghiện; không có người trồng cây thuốc phiện, không có người tàng trữ, vận chuyển, buôn bán các chất ma tuý. 100% hộ trong bản luôn ổn định đời sống, không du canh, du cư, không có hộ nào theo đạo trái phép, nhiều hộ được công nhận là Gia đình văn hóa, gia đình sản xuất giỏi của xã... Tất cả nhờ vào "tài" "dân vận khéo" của ông Mai.

Lặng thầm tìm con chữ Thái cổ



Ông Lò Văn Biến

Ông Lò Văn Biến (79 tuổi) - người uy tín ở bản Căng Nà, Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) là người đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu bảo tồn chữ Thái cổ. Đất Mường Lò được coi là cái nôi văn hoá của người Thái. Thời Pháp thuộc, cha ông từng làm công tác khai sinh, khai tử ở khu và rất thông thuộc cả chữ Thái lẫn chữ Pháp. Ông Biến cho biết: "Nhiều cuốn sách hay, bổ ích  viết bằng chữ Thái cổ, nên tôi phải học chữ Thái để đọc được các tác phẩm ấy, được dạy chữ Thái cổ cho đồng bào mình...". Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu như: "Tài liệu giảng dạy bộ chữ Thái Việt Nam, "Sách chữ Thái và tiếng Thái cho cán bộ, viên chức công tác tại vùng dân tộc thiểu số"...; đồng thời hướng dẫn nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước làm luận văn về văn hoá chữ Thái.

Ông đã mở được 6 lớp dạy chữ Thái cổ ở các xã, phường cho trên 146 học viên (đã được cấp chứng chỉ theo quy định); sưu tầm và dịch ra tiếng Việt nội dung các lễ hội như Xên bản Xên mường, Tám Khuôn Quai, Hạn Khuống, Lễ hội hái hoa ban, Lễ hội cầu mùa được đông đảo dịch giả các tỉnh và đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc đón nhận. Đặc biệt là cuốn tài liệu dạy tiếng và viết chữ Thái cổ cho cán bộ công chức tại các vùng dân tộc thiểu số của ông đã được Bộ Nội vụ thẩm định in thành tài liệu giảng dạy tại các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái. Bên cạnh đó là những cuốn sử thi: Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng, Cúng vía dân tộc Thái Mường Lò, Cầu Mùa, Mo Hóng, Đưa hồn người quá cố... góp phần  làm phong phú thêm vốn văn hoá dân tộc Thái. Ông Biến còn sáng tác thêm các bài khắp, hát thơ để động viên nhân dân các dân tộc trong vùng hăng hái lao động sản xuất hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư"... Người đàn ông vùng đất Mường Lò có mái tóc dài bạc trắng này còn lặn lội đến các tỉnh có người Thái cư trú như Lai Châu, Sơn La, Nghệ An... để tìm hiểu và sưu tầm các giá trị văn hoá của dân tộc mình.

Tiên phong hiến đất làm đường



Ông Bùi Văn Quyết

Từ khi ông Bùi Văn Quyết- người dân tộc Mường ở bản Nước Ruộng (xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình) đảm nhận cái "chức" Trưởng Ban Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải, tất cả các công việc từ ma chay, cưới hỏi, xử lý các vụ tranh chấp, gây mất trật tự trên địa bàn bản Nước Ruộng đều một tay ông đứng ra giải quyết. Bản làng mấy năm trở lại đây không còn tình cảnh có người say rượu, xích mích, tranh chấp đất đai... mà hoà thuận, biết yêu thương gắn bó, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn khó khăn, vươn lên xoá đói, giảm nghèo. Ông còn là gương điển hình làm kinh tế giỏi. Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm gia đình ông lãi từ chăn nuôi trâu, bò trên 50 triệu đồng.

Cách đây hơn 2 năm, khi xã và huyện vận động nhân dân hiến đất mở đường giao thông, đường điện, ông Quyết đã tiên phong hiến 1.600m2 đất và nói: “Có chủ trương đưa cái điện sáng về bản làng, làm con đường bê tông hoá thay con đường sỏi đá thì ta nghe thôi”. Rồi ông đã tích cực đi tuyên truyền, vận động, phân tích cho bà con dân bản: "Làm cái đường này là để cho bà con ta đưa con trâu, con bò ra chợ bán dễ dàng hơn, con em tới trường thuận lợi hơn.

Có cái điện không còn cảnh tăm tối nữa, được xem truyền hình mở mang kiến thức, chắc chắn đời sống của bản sẽ khá lên...". Ông đến từng nhà thuyết phục và vận động được 91/91 hộ cùng tham gia dỡ bỏ tường rào, hoa màu, cây keo để hiến đất. Khi đội thi công về dựng cột, bắt dây điện, cả bản đã tham gia ủng hộ từ dọn dẹp, phát cây để hiến đất làm mặt bằng. Ông Quyết quần ống thấp ống cao phục vụ nước uống cho bà con dân bản để bà con phát quang ruộng vườn, thuyết phục bà con cõng ngô, lúa, gà, lợn vượt cổng trời xuống chợ bán lấy tiền mua công tơ, bóng điện, ổ cắm, dây điện về để sẵn trong nhà chờ dòng điện về.

Ông Quyết còn vận động bà con bản Nước Ruộng giữ được 100% nhà sàn, hướng dẫn cho bà con cách chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hoá. Nhà nào hoàn cảnh quá khó khăn, ông cho vay tiền để mua giống không tính lãi, tận tình hướng dẫn bà con cách sản xuất, nuôi trồng, hỗ trợ về con giống...

Góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm



Ông Hoàng Ngọc Định

Ông Hoàng Ngọc Định là người dân tộc Mường, ở Thị trấn Yên Lập (huyện Yên Lập, tỉnh  Phú Thọ). Ông là người có uy tín trong việc vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư có nhiều đồng bào theo đạo Thiên Chúa.

Nhiều năm qua, ông Định đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vận động đồng bào có đạo thực hiện "Sống phúc âm trong lòng dân tộc, kính Chúa yêu nước". Ông còn là một hoà giải viên nhiệt tình. Việc hòa giải của ông được thực hiện có hiệu quả, kịp thời, góp phần rất lớn để bà con hiểu nhau, quý nhau, thêm gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Tấm lòng và tâm huyết vì cuộc sống cộng đồng của ông được bà con giáo dân tin yêu. Đặc biệt, ông sâu sát với bà con giáo dân ở Giáo họ Đồng Cạn, giúp họ chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao. Các phong trào thi đua yêu nước, nhân đạo từ thiện, xoá đói, giảm nghèo, đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tôc và thuần phong mỹ tục trong nhân dân, bảo vệ môi trường... được giáo dân Đồng Cạn tự nguyện thực hiện.


Bài, ảnh: Thu Hương