(Baonghean) Bước vào năm học 2012-2013, trong khi toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà đang nỗ lực khắc phục về khó khăn do thiên tai, mưa lũ gây ra để thi đua dạy tốt, học tốt, thì đã xảy ra một số chuyện buồn, trong đó buồn nhất là chuyện trò đánh thầy. Ấy là vào đầu tháng 10 này đã có đến hai vụ trò đánh thầy bị công luận và dư luận lên án gay gắt.


Ngày 2/10, thầy Hoàng Xuân Đông (Trường THPT Đặng Thai Mai, Thanh Chương) trên đường đi dạy về thì bị học trò Trần Văn Việt (SN 1995, học sinh lớp 12C3) tổ chức các đối tượng xấu để “trả thù” vì bị thầy nhắc nhở để đầu trọc. Ngày 7/10/2012, thầy giáo Vũ Hữu Thành đang ở trong Trường THPT Quỳnh Lưu 3 thì bị các học sinh Ngô Thành Đạt (SN 1995), Ngô Quang Đức (SN 1994) xông vào trường đuổi đánh tới tấp. Các vụ việc nói trên do có người can ngăn kịp thời nên chưa nguy hiểm đến tính mạng, mới chỉ xâm phạm và gây thương tích trên thân thể của các thầy giáo, nhưng thực sự đã gây tổn thất nặng nề về tâm lý, làm ảnh hưởng nghiêm trọng mối quan hệ thầy trò vốn dĩ rất tốt đẹp tại 2 ngôi trường này, rộng ra thì có ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh truyền thống thầy trò tốt đẹp của đất học xứ Nghệ.


Hoạt động dạy và học ở ta không chỉ là hoạt động giáo dục đơn thuần, mà nó được nâng lên thành đạo học để biểu thị sự tôn kính đặc biệt. Đạo học tồn tại với đạo làm thầy, đạo làm trò. Đạo học không chỉ được lưu truyền bằng ca dao, tục ngữ, thành ngữ (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy; Không thầy đố mày làm nên; Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ mùng ba tết thầy…) mà bằng cả các công trình kiến trúc có vị trí đặc biệt trong đời sống cộng đồng. Tại trung tâm Kinh đô Thăng Long xưa, Hà Nội nay, Văn Miếu - Quốc Tử giám là trường đại học đầu tiên của nước ta, cũng là nơi thờ các tiên thánh, tiên sư của đạo Nho, thể hiện tình cảm, sự tôn kính đặc biệt của người Việt với đạo học. Điều đó cũng được tìm thấy tại các làng quê qua hình ảnh kiến trúc của các nhà văn thánh. Tất cả đều là sự cụ thể hóa của tâm lý, thái độ tôn vinh, tôn thờ đạo học đã thành truyền thống từ lâu đời ở ta.


Xã hội có nhiều đổi thay, mặt phải và mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường đồng thời thâm nhập mọi ngõ ngách của cuộc sống, làm thay đổi và chuyển hóa một số giá trị, đáng buồn thay, nó cũng không bỏ qua “ngôi đền thiêng” là môi trường sư phạm, hoạt động giáo dục, quan hệ thầy trò.


Trò đánh thầy, bất luận vì lý do gì, trước hết phải là lỗi của trò, là trò vô giáo dục, vô đạo. Đối với những học trò hư hỏng như thế này nếu không xử lý nghiêm, không có biện pháp nghiêm trị cứng rắn (được thực hiện đồng bộ ở gia đình, nhà trường, xã hội) thì sẽ có ảnh hưởng rất xấu, không chỉ trong nhà trường mà còn là ẩn họa khôn lường cho gia đình, xã hội sau này khi có những học trò cạo trọc đầu, bỏ học, uống rượu, chơi bời lêu lổng,… sΩn sàng cho thầy “biết tay”, “biết mặt” bằng quyền cước, gậy gộc, thì những ai có lương tri không khỏi lo lắng, xót xa.


Thầy bị trò đánh, trong hai trường hợp trên, được xác địnhkhông phải bị đánh nhầm, lỗi trò thì đã rõ, nhưng người ta không thể không tìm hiểu cả hai phía. Nghĩa là còn phải tìm hiểu nguyên nhân, cơn cớ sâu xa cả ở phía người thầy. Như một lẽ thường tình, điều mà người ta thường băn khoăn, không thể không nghĩ đến là vì sao làm thầy mà lại bị đánh (nhắc lại: trừ trường hợp bị đánh nhầm).

Nếu là một người thầy mẫu mực, có uy tín, đức cao vọng trọng, có phương pháp giáo dục, mô phạm và mực thước… lẽ nào vô cớ bị học sinh mình đuổi đánh hoặc tổ chức người đón đánh? Có thể, bản thân người thầy giáo đó không có lỗi và cũng là một thầy giáo mẫu mực, đức độ. Nhưng, khi học trò lớn lên đã phải nghe, phải đọc, phải nhìn thấy vô số những câu chuyện gần xa như: giáo viên đổi tình lấy điểm; giáo viên gạ tình không được thì trộm cắp tài sản; giáo viên tổ chức và tham gia đánh bạc; giáo viên đánh đồng nghiệp; giáo viên giết người;… Rồi hằng ngày phải tiếp xúc, chứng kiến những lời ăn tiếng nói, hành vi, cử chỉ “phi giáo dục” từ ngay chính một số người làm công tác giáo dục… Thì tránh sao được ảnh hưởng thiếu tích cực trongcái nhìn, trong tâm tư, tình cảm, ý thức, thái độ của học trò đối với người giáo viên, hình ảnh người giáo viên? Sự kính trọng, ngưỡng mộ, e rằng khó có thể là tình cảm, thái độ được mặc định sΩn để học sinh dành cho mọi giáo viên. Thay vào đó ít nhiều là tâm lý hoài nghi, dò xét, đánh giá, và những bùng nổ, những hành vi, biểu hiện bất thường của học trò...


Lâu nay, người ta bàn nhiều chuyện về giáo dục, chuyện nào cũng đáng ngẫm ngợi. Chuyện trò đánh thầy, càng ngẫm ngợi càng thấy đau. Cái đau đó, đâu chỉ đau cho thầy, mà đau cả cho trò, rộng ra là đau cho cả đạo học trong xã hội ngày nay.


Ngô Kiên