(Baonghean) - Những bác xe ôm bên góc đường, ở các ngã ba, ngã tư trung tâm huyện lỵ vùng cao không còn là hình ảnh lạ với nhiều người. Thế nhưng nghề xe ôm miền rẻo cao không chỉ thịnh hành ở trung tâm huyện lỵ, các đầu mối giao thông, mà ngay ở các bản giữa rừng hay giữa lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, xe ôm đang là một nghề...

Những chuyến đi viết bài đầu tiên lên miền núi khi đang là một sinh viên thực tập, tôi đã rất ngạc nhiên trước tài nghệ của cánh xe ôm vùng cao. Lần ấy đến bản Khe Nóng thuộc xã Châu Khê (Con Cuông), gọi là bản, kỳ thực đây là một đội sản xuất của bản Châu Sơn. Đội sản xuất với hơn 30 hộ người Đan Lai này cách bản Châu Sơn gần 30 km. Ngày ấy. chưa mở con đường tuần tra biên giới, đoạn đường từ bản Khe Bu vào Khe Nóng là một lối mòn người vùng cao gọi là lối trâu đi, phía trái là triền núi, bên phải là vực sâu, hết sức nguy hiểm. Vậy mà anh xe ôm Nguyễn Văn Đại ở bản Châu Sơn xem đây là con đường kiếm cơm của mình.

Khách của anh chủ yếu là những thầy, cô giáo dạy học ở điểm lẻ bản Khe Nóng, các anh lính biên phòng và người dân trong bản. Những ngày vắng khách, anh chở dầu hỏa, muối, cá khô, thịt lợn vào bán cho dân bản. Cứ vậy suốt 10 năm liền với nghề xe ôm, anh cũng lo đủ cho 2 đứa con, đứa cấp 2, đứa cấp 3 ăn học tử tế.

images937476_xe_m_y_tr_n_b_n_thuy_n_b_n_p_ng_c__moong.jpgXe ôm chờ khách trên bến thuyền bản Pủng Cà Moong.
 
Anh chia sẻ về “bí quyết” suốt 10 năm trong nghề mà không gặp sơ sểnh gì: “Muốn vững tay lái với đường sá vào loại xấu nhất thế giới này, trước tiên phải biết chọn xe. Xe phải chắc, gầm cao, máy khỏe. Khi đi xe, không được uống rượu. Đã say, vào đường này chỉ có ngã xe. Một điều quan trọng nữa là phải hiểu đặc điểm của từng cung đường”. Để chứng minh cho tay nghề và kinh nghiệm lâu năm, anh xe ôm rồ ga cõng theo tôi cùng với lỉnh kỉnh đủ thứ hàng hóa vọt qua khúc đường chỉ vừa lọt bánh xe máy. Sau đó, lại tiếp tục leo dốc, gần nửa giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được quãng đường gần 10 km để đến bản Khe Nóng,
 
Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ chúng tôi có đến bản Pủng Cà Moong (Lượng Minh – Tương Dương). Bản người Khơ mú này gồm 140 hộ dân về đây từ năm 2010 theo dự án tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Từ trung tâm huyện Tương Dương vào bản phải qua 2 chặng. Đi ô tô hoặc xe máy lên bến thượng lưu, sau đó ngồi thuyền máy về bến thuyền của bản. Từ đây, phải mất thêm một chặng ngồi xe máy chừng 20 phút nữa mới vào đến trong tận bản. 
 
Ở miền xuôi, chủ yếu người trung niên theo nghề xe ôm thế nhưng đội xe ôm ở bến thuyền giữa lòng hồ này lại toàn thanh niên, dưới 30 tuổi. Lý do là vì đường sá gập ghềnh, lại đi men vực thẳm nên phải những người chắc tay, tinh mắt, xử lý tình huống nhanh như đám thanh niên mới kham nổi cái khó khăn, nguy hiểm của nghề. Khách vào bản Pủng Cà Moong khá đa dạng, cán bộ từ huyện, xã xuống cơ sở, các thầy, cô giáo trong điểm trường tại bản, cán bộ dự án làm đường quốc phòng, khách vãng lai, dân bản đi rãy lâu ngày trở về. Trên bến, lúc nào cũng tấp nập khách...
 
Anh Lô Văn Thành, sau khi nói mức giá từ bến thuyền vào bản còn nói thêm với tôi và anh bạn làm báo: “Hai anh có thể đi 1 xe cho tiết kiệm. Ở đây có chở 1 hay 2 người cũng đều cùng một giá như nhau”. Sau một hồi lưỡng lự, chúng tôi mỗi người ngồi mỗi xe cho an toàn. Anh xe ôm Lô Văn Thành vừa chở theo tôi vừa tâm sự về nghề nghiệp. Từ ngày chuyển về nơi tái định cư xa rừng, xa rãy, đất quanh bản đều thuộc quyền quản lý của BQL rừng phòng hộ huyện. Thanh niên trong bản đổ xô đi kiếm việc làm bên ngoài.
 
Vì đã lập gia đình, anh Thành chỉ muốn ở nhà chuyên tâm làm ăn. Anh xin cha mẹ một phần tiền đền bù của dự án thủy điện mua xe máy phục vụ nhu cầu đi lại từ bến thuyền vào bản. Sau 3 năm, anh phải thay 3 chiếc xe mới. Theo anh Thành thì đường sá quá khó khăn lại không có thợ sửa nên “tuổi thọ” của những chiếc xe mua về thường rất thấp. Ở đây xa chợ, mỗi lít xăng có giá trên 30.000 đồng, thế nhưng dân bản khó khăn về kinh tế nên không thể lấy giá cao như ở ngoài thị trấn. “Khổ nhất là khi xe hỏng, anh ạ. Phải bỏ xe lên thuyền ra ngoài đập thủy điện mới có thợ sửa”. Tuy nhiên, với anh Thành thì nghề xe ôm là một công việc có thu nhập khá ổn định, mỗi ngày từ 200.000 đồng - 300.000 đồng, giúp anh trang trải chi tiêu. 
 
Một điều đáng nói nữa về những “bác tài” xe ôm cũng như người ngồi sau xe ở những bản xa là chẳng mấy ai quan tâm đến việc đội mũ bảo hiểm. Hỏi sao không ai đội mũ bảo hiểm, có bác xe ôm nhanh nhảu: “Ở đây công an giao thông không vào làm việc đâu mà lo”. Hóa ra với họ, việc đội mũ bảo hiểm chỉ để đối phó với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, ngã xe là chuyện xảy ra như cơm bữa. 
 
Trong lần đầu tiên về bản Pủng Cà Moong, tôi đã có một trải nghiệm khó quên. Đang mải chuyện, chiếc xe lịm ga, anh tài xế trong lúc về số đã quên giảm ga. Chiếc xe máy lồng lên như ngựa chứng, suýt chút nữa ném cả khách lẫn chủ xe xuống vực thẳm. Theo anh Thành thì đó là chuyện “cơm bữa” ở đây. Thỉnh thoảng lắm chỉ có một vài người đi xe hỏi đến chiếc mũ bảo hiểm. Lực lượng xe ôm ở bến thuyền này cũng chẳng ai sắm mũ vì có mấy khi đi xe máy ra trung tâm huyện...
 
Hữu Vi