(Baonghean) - Từ Thị trấn Kim Sơn  (Quế Phong), chúng tôi vượt Pù Chổng Cha mù sương đến thăm gia đình Trưởng bản  Xồng Bá Cha của bản D1, Khu kinh tế Minh Châu, xã Tri Lễ. Nhà vắng người. Tiếng đàn gà chiêm chiếp đòi ăn và lũ trâu, bò lốc cốc ngoài bìa rừng. Ông hàng xóm nói vọng sang: “Vợ chồng nó chưa về đâu, nhà nó nhiều việc lắm, đi làm suốt ngày à”.

images939350_1.anh_x_ng_b__cha_d_y_ch__cho_con.jpg.jpgAnh Xồng Bá Cha hướng dẫn con học bài.
Tận hoàng hôn buông mới nghe thấy tiếng xe máy cùng ánh đèn pha ông chủ nhà về. Sau cái bắt tay giới thiệu, Xồng Bá Cha mời khách vào nhà rồi phân trần: Muốn về sớm lắm, nhưng nhiều bà con cứ hỏi mình cách trồng mía, nuôi gà... Thế là phải nán lại giải thích cặn kẽ cho bà con. Mới hay, “tiếng lành” đã  “đồn xa” từ bản trên bản dưới chuyện Xồng Bá Cha, năm nay 31 tuổi -  là người Mông trẻ nhất ở Minh Châu, có cái đầu biết nghĩ cách làm ăn giỏi.
 
Bên bếp than hồng, Xồng Bá Cha tâm tình: Năm 2003, nhờ có chủ trương của Đảng, Nhà nước vận động hỗ trợ, người Mông bản Huồi Mới 2 đã xuống núi lập bản dựng mường mới ở Khu kinh tế Minh Châu. Về đây con em người Mông mới có điều kiện học con chữ, biết làm kinh tế. Nhờ đó mình cũng được học và đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Học xong về bản, trong thời gian chờ bố trí việc, mình được kết nạp vào Đảng và bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, rồi tham gia Ban Thường trực Mặt trận văn hóa xã.
 
Để thoát khỏi đói nghèo, được sự giúp đỡ hướng dẫn của cán bộ cách làm ăn mới, mình cùng vợ không quản khó khăn, ngày đêm khai hoang 1 héc-ta đất làm mía, 1.000m2 trồng chanh leo và trồng hơn 600 gốc đào, thu nhập bình quân hơn 20 triệu đồng/năm. Bà con thấy mình chịu khó làm ăn no đủ, khấm khá  nên tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Mình vừa hướng dẫn vừa vận động 66 hộ trong bản thành lập HTX, tích cực khai hoang ruộng nước, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng lúa, ngô, mía, trồng cây chanh leo... Đến nay, nhiều hộ đã có của ăn của để, nhiều gia đình đã mua sắm được xe máy, đầu tư cho con cái đi học... 
 
Quan niệm xưa của người Mông là phải sinh nhiều con và là con trai mới tốt, nhưng với Xồng Bá Cha được học hành, nhận thức thay đổi.  Anh  quan niệm "dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ", nên áp dụng tốt biện pháp tránh thai để có điều kiện đầu tư cho con cái học hành, thực hiện tốt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương như phong trào Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.
 
Ngoài ra, để bảo tồn văn hóa, bản sắc người Mông, Xồng Bá Cha tích cực tuyên truyền tổ chức các buổi văn nghệ múa khèn, chọn đội múa hay khèn giỏi tham dự Lễ hội Đền Chín Gian được huyện tổ chức hàng năm. Cái làm được nữa của Xồng Bá Cha là anh đã tuyên truyền cho bà con nếp sống mới, ăn chín uống sôi, bỏ hủ tục lạc hậu, có bệnh thì đến khám tại trạm, góp phần để bản D1 nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra. Riêng gia đình Xồng Bá Cha là gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh nhiều năm liền.
 
Phạm Ngân