(Baonghean) - Thời gian qua, lãnh đạo huyện Quế Phong có nhiều quan tâm nhằm cải thiện đời sống cho 10 bản đồng bào Mông, trong đó 8 bản đang ở trên núi cao mù sương phía đường biên Tây bắc giáp nước bạn Lào và 2 bản đã hạ sơn xuống vùng kinh tế mới từ năm 2002. Từng có cây lúa nước 1 vụ thì nay đưa kỹ thuật, giống mới về hướng dẫn đồng bào tăng lên 2 vụ; thấy cây hoa đào mỗi dịp Tết về đưa cành xuống núi bán được tiền thì cấp phát kinh phí hỗ trợ đồng bào trồng đào; cây chanh leo đang là cây làm giàu trên đất rừng bản địa, nên tâm huyết mở đường lưu thông để nay mai đưa giống “cây tốt” ấy về từng bản… Ấy nhưng, thực tế trước mắt quả còn nhiều cái khó.
Rẻo cao Quế Phong có 440 hộ với xấp xỉ 3.000 khẩu đồng bào Mông đều sinh sống ở xã biên giới Tri Lễ. Đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, giao thông khó khăn, đang nặng một số tập quán cũ… làm nảy sinh những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Trong phát triển kinh tế, như cây lúa nước 2 vụ, cây chanh leo và cây mía đã “vào” được trong nếp nghĩ, nếp làm của đồng bào Mông 2 bản mới D1, D2 ở Minh Châu; nên trăn trở lớn chủ yếu đang hướng về cho đồng bào 8 bản: Pà Khốm, Piêng Luống, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Nậm Tột, Mường Lống, Huồi Mới 1 và Huồi Mới 2.
12 năm xuống núi đã có bước chuyển lớn lao mọi mặt đời sống của gần 80 hộ đồng bào Mông ở Khu KTM Minh Châu nằm gần trung tâm xã Tri Lễ. Đã nhiều năm nay mới trở lại, thấy vườn nhà của đồng bào Mông khu Minh Châu không xanh tươi lên như tôi nghĩ, mà đây đó vẫn hoang hóa, chen nhiều cây cỏ dại. Lác đác có mấy vườn chanh leo, thì như ông Thò Chồng Pó - Phó chủ tịch UBND xã Tri Lễ nói: “Thiếu nước, cây chanh leo chẳng tốt lên được nên chẳng cho nhiều quả; đã có mấy nhà nản nên bỏ trồng rồi đấy!”.
Anh Xồng Bá Xuân ở bản D1 cũng góp chuyện: “Nhà ta trồng 60 gốc chanh leo từ năm 2011, nhiều nhất bản, nhưng nay không muốn trồng nữa vì thiếu nước tưới nên năng suất thấp, một số thì bị chết”. Việc khu KTM Minh Châu thiếu nước tưới cho sản xuất và cả sinh hoạt đã tồn tại nhiều năm nay, được cho không là lỗi của ai cả (!?), vì công trình cung cấp nước cũ (theo dự án) không hiệu quả là do nước tự nhiên đầu nguồn bị cạn. Hiện hệ thống cấp nước mới đã được xây dựng lấy nước từ đập tràn bản Noóng 2, nhưng thực tế mới hoạt động vài tháng nay và việc cấp nước chưa ổn định.
Trao đổi của ông Lô Xuân Thu – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ thì cho rằng: “Cho rằng chỉ vì thiếu nước nên cây chanh leo ở Minh Châu kém phát triển là chưa đúng, mà nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa thực sự tuân thủ quy trình kỹ thuật trong chăm sóc. Đồng thời, thường một “đời” cây chanh leo chỉ 3 năm là bắt đầu thoái hóa cần thay thế, mà chanh leo được trồng ở Minh Châu từ cuối năm 2010 hoặc đầu năm 2011 nên đã đến thời kỳ thoái hóa, chết dần; do một số người dân không hiểu điều đó nên cứ quy cho là thiếu nước nên cây chết, gây tâm lý chung không tốt”. – Người dân không hiểu thì phải giải thích rõ chứ? - “Đó cũng đang là một việc khó đối với xã. Không những việc trồng chanh leo, mà cả một vài cây khác khi đưa về các bản đồng bào Mông, dù đã tuyên truyền vận động, cán bộ xã miệng nói tay làm mà cũng chưa tạo được sự đồng thuận cao” – ông Chủ tịch xã thừa nhận.
Đồng bào Mông bản D1, Tri Lễ, Quế Phong chăm sóc mía.
Chúng tôi cũng đã gặp ông Lỳ Nỏ Pó (bản D1) là một trong những “vua mía” của Minh Châu – vụ mới rồi cũng là vụ đầu tiên ông thu 36 triệu đồng tiền bán mía cho Tate&Lyle. Ông nói: “Cả khu chỉ 5 hộ trồng gần 5 héc-ta thôi. Nhiều người sợ trồng sau này công ty không mua đắt nữa, bán lỗ thì không biết lấy gì trả nợ vốn vay trồng mía”. – Là sao? Cây mía trên đất Tri Lễ được cho là thuộc loại năng suất khá (trung bình 70 tấn/ha), lại có chữ đường cao nhất ở Nghệ An, mới rồi khi thu mua đúng giá rồi, Công ty Tate&Lyle còn thưởng thêm cho các hộ trồng mía hàng triệu đồng kia mà?
Nghe hỏi thế, ông Lô Xuân Thu giải thích, là vì có thông tin doanh nghiệp này thu mua giá cao chỉ để thu hồi vốn đầu tư đầu vụ 2013 cho bà con trồng mía, còn mùa sau sẽ hạ giá rất thấp do chi phí chuyên chở xa nên khá cao. Mặc dù phía Tate&Lyle vẫn khẳng định đảm bảo quyền lợi cho bà con, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch mở rộng diện tích mía ở đây; mặt khác thực tế các vùng mía nguyên liệu của công ty này vụ mới rồi nhiều nơi mía đứng trổ cờ chờ thu mua, đã góp phần ảnh hưởng đến tâm lý thiếu an tâm của đồng bào như đã nói trên...
Đối với 8 bản Mông trên núi cao, hiện tại ngoài chăn nuôi thì bà con vẫn chủ yếu phát nương làm rẫy, canh tác lúa nước 1 vụ theo tập quán truyền thống. Đầu năm 2014 này, nhận thấy hoa đào Tri Lễ bán được giá vào dịp Tết (3 -7 triệu đồng/cành), xã đã trích ngân sách hỗ trợ 4 hộ tham gia mô hình trồng đào với 300 gốc ở bản Pà Khốm, hiện đã bén rễ phát triển tốt. Về ruộng nước, sau khi huyện Quế Phong tiến hành khảo sát, đo đạc diện tích lúa nước của từng hộ, đã thống kê tổng diện tích lúa nước của 362 hộ ở 8 bản xấp xỉ 135,5 héc-ta trước nay canh tác một vụ; đến năm 2013 tiến hành xây dựng 5 héc-ta mô hình lúa lai giống chịu lạnh như Nhị ưu 838, cấy 2 vụ ở bản Mường Lống, kết quả khả quan: bình quân trước đây với giống cũ, làm 1 vụ, bà con chỉ thu 32 – 35 tạ/ha/1 vụ/năm, còn mô hình thu 42 – 45 tạ/ha/2 vụ = 82 – 90 tạ/ha/năm.
Lợi thấy rõ, và thời điểm này huyện đang hồ hởi cho kế hoạch mở rộng ra mỗi bản 1 mô hình vào năm 2014 này (tỉnh, huyện sẽ cung ứng 100% giống cho bà con). Nhưng khi trao đổi với chúng tôi, thì lãnh đạo xã Tri Lễ cho biết, mặc dù chưa triển khai mô hình, nhưng ở 7 bản còn lại đã làm thí điểm, kết quả do ở độ cao cao hơn Mường Lống nên lạnh hơn, mạ phát triển chậm không kịp làm 2 vụ, vì vậy khó để vận động bà con xây dựng mô hình.
– Vậy có thể mở rộng mô hình ra toàn bộ diện tích bản Mường Lống là nơi có độ cao phù hợp? Ông Chủ tịch xã khẽ lắc đầu: “Cũng chưa được, vì bí thư chi bộ bản này là Thò Chông Lỳ được coi là người uy tín của bản, gần đây có biểu hiện tiêu cực, chống đối chủ trương của xã không vận động nhân dân làm lúa nước 2 vụ. Bí thư bản như vậy, cán bộ xã, huyện có vào vận động cũng rất khó để đồng bào nghe theo. Một mặt, là đường đi vào 8 bản cực kỳ khó khăn, ngày mưa coi như “đứt” lưu thông, nên cán bộ xã không thường xuyên bám bản được; mặt khác đó cũng là lý do lớn để khó tính đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng tạo hàng hóa ở các địa bàn này”.
Như thế, để nay mai cây chanh leo hay một giống “cây tốt” nào nữa muốn vào được 8 bản Mông vùng núi cao ở Tri Lễ, lại phải giải quyết vấn đề đầu tiên có tính “kinh điển” – đó là giao thông. Thời điểm hiện tại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy về tổ chức thực hiện “Công trình thanh niên tình nguyện làm đường lên bản Mông”, Huyện đoàn Quế Phong đang triển khai kế hoạch ra quân vào Tri Lễ, huy động khoảng 500 cán bộ, đoàn viên thanh niên, lực lượng biên phòng trên địa bàn mở đường từ Kẽm Ải vào các bản Mông Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 với lòng đường rộng 2-2,5 m, hạ độ cao 40 – 50 cm và làm 3 cầu tạm mỗi cầu dài 2 m vượt khe, suối…
Đây được coi là một trong những việc làm thiết thực thể hiện quyết tâm, mong mỏi của lãnh đạo huyện Quế Phong nhằm để thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế, cải thiện mọi mặt đời sống cho đồng bào Mông trên địa bàn; trong đó chú trọng việc chuyển đổi các giống cây trồng có lợi thế.
Đình Sâm