Hiện nay trên địa bàn có 6 tuyến xe buýt đang hoạt động của 2 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Tuy nhiên, sau 2 năm hoat động với cơ chế " tự bơi" đã bộc lộ nhiều hạn chế cần phải có giải pháp quản lý đồng bộ...
Xe buýt đã có mặt trên địa bàn tỉnh ta gần 15 năm nhưng mới thực sự sôi động từ giữa năm 2009, khi Công ty Việt Vĩnh (Quảng Ninh) và sau đó chuyển giao cho Công ty CP TM&DV Ngọc Ánh đầu tư khai thác tuyến số 1 và số 2 chặng Vinh- Cửa Lò- Cửa Hội- Vinh, và Công ty TM&DV Đông Bắc đầu tư 4 tuyến gồm nội thành Vinh- Hoàng Mai, Vinh- Yên Thành, Vinh- Thanh Chương- Đô Lương và Vinh- Thành phố Hà Tĩnh.
Có thể nói, sau hơn 2 năm chấn chỉnh hoạt động, tái đầu tư xe buýt, hệ thống các tuyến xe buýt trên địa bàn cơ bản đã hoàn chỉnh, hoạt động đi vào nề nếp. Người dân trên địa bàn TP. Vinh và các vùng phụ cận đã dần quen với loại hình dịch vụ chở khách công cộng này, nhờ đó đã góp phần giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, hạn chế tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, do đặc điểm dân cư trên địa bàn phân bố rải rác, chưa hình thành các cụm dân cư, các cụm công nghiệp, trường học tập trung và người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ phương tiện giao thông công cộng nên đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư duy trì hoạt động xe buýt trong suốt thời gian qua. Các tuyến xe buýt hiện nay hầu hết thu chưa đủ bù chi, chưa nói là khấu hao phương tiện, và tái đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ.
Điển hình là tuyến Vinh- Cửa Lò, mỗi năm chỉ có 5 tháng mùa hè có khách, các tháng còn lại rất ít khách, thậm chí xe buýt chạy không. Ông Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Công ty CP TM&DL Ngọc Ánh, cho biết: "Hoạt động của chúng tôi trên cả 2 tuyến số 1, và số 2 đang phải cầm chừng. Ngoài khó khăn do lượng khách sử dụng dịch vụ trên 2 tuyến quá ít thì việc doanh nghiệp đang phải tự thuê bến bãi 2 đầu tuyến, hệ thống biển báo tự đầu tư và thường xuyên bị mất cắp, liên tục phải thay đang gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp".
4 tuyến xe buýt còn lại của Công ty TM&DV Đông Bắc tình hình có sáng sủa hơn. Tuy nhiên, 2 tuyến số 5, số 6 cũng rất khó khăn, hiệu suất sử dụng phương tiện mới chỉ đạt khoảng 50%. Khó khăn lớn nhất của các tuyến do Công ty Đông Bắc khai thác đó là tình trạng mất an toàn trên một số tuyến, đăc biệt là trên truyến số 3 (Vinh - Đô Lương) và tuyến số 6 (Vinh - Hà Tĩnh).
Tình trạng xe chạy tuyến cố định chèn ép, giả mạo xe buýt để bắt khách, thậm chí hành hung lái xe buýt gây mất an toàn, bất an đối với nhân dân khi sử dụng phương tiện xe buýt. Mặc dù doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị lên Sở GTVT và làm việc với các địa phương trên tuyến, và lực lượng CSGT để phối hợp quản lý, song tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Để xe buýt đúng nghĩa là hoạt động vận tải khách công cộng văn minh phục vụ hữu ích cho xã hội rất cần có sự rà soát, đánh giá lại hiệu quả, thực hiện cơ chế khuyến khích gắn với ràng buộc chặt chẽ theo tiêu chuẩn, tiêu chí đối với doanh nghiệp, có cơ chế phối hợp quản lý tốt, xử lý nghiêm minh các hình thức vi phạm... Có như vậy, xe buýt Nghệ An mới hy vọng vượt qua được những khó khăn sau gần 15 năm hoạt động.