Về thăm nhà Bác ở Kim Liên để hiểu thêm về Bác, hiểu Bác cũng là để hiểu lại bản thân mình. Ý tưởng này không mới nữa, xét trong số hàng ngàn bài thơ lấy cảm hứng sau mỗi lần các tác giả được dừng chân, chiêm ngưỡng một vùng quê giản dị, thanh bình của đất Nghệ. Cái mới có chăng là ở nồng độ cảm xúc, sự chọn lựa chi tiết, hình ảnh đời sống và cách lập tứ, ngôn ngữ diễn đạt của mỗi người...
Đoạn mở đầu bài thơ "Chiếc cổng nứa Nghệ An trong nhà Bác" viết năm 1984, nhà thơ Chính Hữu (1928-2007) dẫn ta vào một câu chuyện thân tình, giản dị, những liên tưởng cũng rất bình dị, ấm áp của đời ông:
Tôi đi dọc hàng rào bông bụt đỏ tươi
Gặp chiếc cổng nứa Nghệ An vô cùng gần gũi
Bỗng như gặp lai thủa xưa thơ dại
Những chiều ấm áp xa xôi
Ngày Tết, mưa phùn được về quê ngoại
Và nghe dưới chân cầu ao tiếng chân cá quẫy.
Chính Hữu đẩy tiếp những cảm nghĩ của mình lên cao trào, nhưng không còn theo hướng liệt kê kỷ niệm xưa cũ nữa:
Tôi như gặp lại chính tâm hồn mình
Ở nhà Bác có gì đâu,
chỉ là những thứ bình thường tôi vẫn thấy
Ở quê tôi, từ lúc tôi sinh
Và do ông bà tôi để lại.
Bốn câu thơ độ dài ngắn khác nhau, có xuống hàng nhưng vẫn dính kết với nhau, nương tựa nhau, làm toát lên cái trạng thái tự nhiên đến sờ sững: Những thứ có trong nhà một lãnh tụ tầm cỡ thế giới mà chỉ có thế này thôi ư? Những thứ đó từ lâu đã trở thành "chính tâm hồn mình", mà mình còn ngờ ngỡ. Cùng diễn đạt tâm trạng này, nhà thơ Chế Lan Viên có câu thơ khá hay:
"Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc".
Với một bút lực thường thường bậc trung, việc kết thúc bài thơ ở đấy tạm gọi là được. Bài thơ này, Chính Hữu không làm thế:
Suốt những ngày vò võ phương xa
Có lẽ chiếc cổng nứa thô sơ giản dị
Của Nghệ An quê nhà
Là một tứ thơ vẫn ám ảnh hoài
trái tim Bác Hồ thi sĩ.
Chữ "có lẽ" ở khổ thơ này chỉ là một cách nói, sự phỏng đoán của nhà thơ hoàn toàn có cơ sở. Từ chiếc cổng nứa đơn sơ giản dị quê nhà, Chính Hữu lần tới "trái tim Bác Hồ thi sĩ" những năm còn bôn ba góc biển chân trời, đấy là một ý tưởng bất ngờ và sâu. Tôi nghĩ, chỉ có Chính Hữu của những "Ngọn đèn đứng gác", "Thư nhà", "Duyệt binh", "Giá từng thước đất"... mới có thể tìm ra và nói lên được một cách đắc địa như thế!
Bài thơ còn hai câu cuối để trở nên quá trọn vẹn:
Ở nhà Bác có gì đâu- không lầu son, không gác tía
Bác chỉ là Đất Nước mà thôi!
Người đọc thông minh có thể đoán ra cái kết này, nên hai câu thơ vừa nêu theo tôi là không nhất thiết viết ra, nhất là với Chính Hữu, một nhà thơ luôn ý thức cao sự tiết kiệm ngôn từ.
Trong một bài viết về thơ Chính Hữu, nhà nghiên cứu văn học Mai Quốc Liên đánh giá bài thơ "Chiếc cổng nứa Nghệ An trong nhà Bác" xứng đáng là một bài thơ hay, cứa được vào lòng người một điều gì và có nhiều câu thơ sẽ ở lại... Còn nhà thơ Huy Cận, năm 1997, thì viết tặng mấy câu thơ thật hay và thật trúng với "chân dung văn học" của nhà thơ Chính Hữu:
Tiếng lòng trong đọng hạt sương,
Cành hoa chiến địa mà gương tâm tình.
Cho hay thơ ở lòng mình,
Trăng hay súng, vẫn bóng hình người thơ.
Chính Hữu - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2000 - sinh năm 1926, quê mẹ Nghệ An và quê cha ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Có phải vì mang nặng khí chất miền Trung, mà trong hồi ký, ông tự nhận mình là một người trầm lặng, thích sống với nội tâm riêng mình, rụt rè, đôi khi triền miên độc thoại?
Vào tuổi 72, bạn yêu thơ Chính Hữu vui mừng có dịp đón đọc Tuyển tập thơ ông. Một đời cầm súng rồi cầm bút, làm quản lý văn hóa văn nghệ trong Quân đội, lăn lộn qua 2 cuộc chiến tranh ác liệt chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, giờ có dịp dọn lại cả sự nghiệp thơ ca của mình, chỉ vỏn vẹn 54 bài thơ, cùng với 5 bài thơ dịch của hai nhà thơ Pháp là Víchto Huygô và G.Apôline. Thế đủ biết ông tự khe khắt đến mức nào với những đứa con tinh thần với chính mình! Và, bài thơ "Chiếc cổng nứa Nghệ An trong nhà Bác" là tác phẩm duy nhất của Tuyển tập Chính Hữu, viết về Hồ Chí Minh!