Đến cuối năm 2011 sẽ có khoảng 86% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước khá cao, nhưng xem ra chất lượng nước của người dân đang còn là một vấn đề lớn.
Bởi theo thống kê hiện nay mới chỉ có khoảng gần 25% người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn (QC 02: 2009/Bộ Y tế). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là phần lớn người dân vùng nông thôn chưa được tiếp cận nguồn nước sạch thông qua công trình cấp nước tập trung, mà đang sử dụng nước sinh hoạt bằng các mô hình cấp nước nhỏ lẻ (giếng khơi, giếng khoan...) trong khi nguồn nước tầng ngầm ngày càng cạn kiệt và bị ô nhiễm.
Vì vậy, song song với công tác nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt, cần chú trọng đến chất lượng nước để giúp người dân phòng chống dịch bệnh lây lan qua nước do nguồn nước không bảo đảm chất lượng. Để nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế, thời gian tới cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực xây dựng các công trình cấp nước tập trung; đẩy mạnh công tác xã hội hóa lĩnh vực cấp nước và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp như: ưu đãi về thuế, vốn vay, thuê đất, hỗ trợ rủi ro... nhằm thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung có công suất lớn với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân.
Được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn là nhu cầu chính đáng của người dân vùng nông thôn, nên các cấp, ngành chức năng cần quan tâm đầu tư kịp thời, tránh tình trạng chỉ quan tâm đến số lượng mà " xem nhẹ" đến chất lượng.