(Baonghean) - Với sự đóng góp tích cực của người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh thu được nhiều kết quả tích cực, làm đổi thay diện mạo nông thôn từ đồng bằng lên miền núi. 
 
 
Dẫn chúng tôi tham quan "công trường" xây dựng nhà văn hoá mới của xóm, ông Lê Như Hải - Bí thư Chi bộ xóm Đông Thành, xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hoà, vui mừng khẳng định: “khi nền móng của nhà văn hóa xây xong, bà con trong xóm vui lắm, vài tháng nữa sẽ có nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang. Toàn bộ công trình dự toán khoảng 350 triệu đồng, dân đóng góp 100% kinh phí. Quá trình chỉnh trang lại xóm làng theo các tiêu chí nông thôn mới, nhà văn hoá của xóm là công trình đầu tiên được bà con đề nghị cải tạo nâng cấp tương xứng với yêu cầu mới. Trên cơ sở đó, chi bộ thống nhất ra nghị quyết chuyên đề, thông qua dân và xóm cử ra một ban xây dựng, bắt tay ngay vào công việc xây nhà văn hoá...". Cũng theo ông Hải, sau khi hoàn thành nhà văn hoá, xóm sẽ xây dựng thư viện phục vụ nhu cầu của người dân. Đông Thành được đánh giá là đơn vị đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của xã Đông Hiếu. Sau khi triển khai các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới, chi bộ chọn những việc làm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của xóm, đưa ra bàn bạc với nhân dân để thực hiện. 
 
Đến nay, Chi bộ xóm Đông Thành đã ban hành được 3 nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, đó là: Quy hoạch nhà cửa, hệ thống giao thông thôn xóm, vệ sinh môi trường và xây dựng nếp sống văn hoá gắn với phát triển các mô hình sản xuất cho thu nhập cao. Đẩy mạnh xây dựng, cải tạo nhưng chi bộ cùng bà con trong xóm luôn ý thức bảo vệ môi trường, cây xanh, cảnh quan làng quê. Trong phát triển kinh tế, Ban cán sự xóm đứng ra nhận 200 ha đất của công ty Vinamilk cho các hộ dân xây dựng mô hình trồng cỏ tập trung, phát triển nuôi bò sữa. Điển hình trong phong trào này là chị Nguyễn Thị Lộc, vừa trồng cỏ vừa nuôi bò, hiện nay gia đình có 10 con bò sữa, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi lợn rừng, gà, trồng rau sạch mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng đang góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. 
 
images1078204_l_m_du_ng_giao_th_ng___x_m___ng_hi_u__tx_th_i_h_a_.jpgLàm đường giao thông ở xóm Đông Thành, xã Đông Hiếu (TX. Thái Hòa).
 
Còn ở xóm Đông Tiến (Đông Hiếu) để xây dựng tuyến đường thôn xóm hơn 3km, các hộ dân đồng thuận, đóng góp kinh phí, ngày công. Theo bàn bạc thống nhất, có những gia đình đông người, phải đóng góp 12 triệu đồng nhưng mọi người vẫn vui vẻ, chung tay xây dựng xóm làng. Quá trình đóng góp, xóm cũng thống nhất không thu kinh phí của những người từ 80 tuổi trở lên và những người bị bệnh hiểm nghèo được miễn hoàn toàn. Với cách làm "thấu tình, đạt lý" đó đã tập hợp được sức dân, không chỉ làm đường, dân còn đóng góp được 500 triệu đồng để làm nhà văn hoá. Từ chỗ làm tốt công tác dân vận, các xóm, xã làm cho người dân thấy được trách nhiệm của mình, tự nguyện tham gia. Họ ý thức được đó là làm cho mình và vì con cháu mai sau, bởi vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới đem lại lợi ích thiết thực.
 
Ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp, sau 3 năm xây dựng NTM, đến nay đã đạt 14/18 tiêu chí và phấn đấu hoàn thành tất cả các tiêu chí trong năm 2015. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Xã không phải là đơn vị điểm, nhưng quá trình thực hiện, xác định những điều kiện thuận lợi, với sự đồng thuận cao của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của các đoàn thể, nên Minh Hợp đã mạnh dạn đăng ký về đích năm 2015. Xã phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đoàn thể, như: Phụ nữ phụ trách tiêu chí vệ sinh môi trường, hội cựu chiến binh đảm nhận tiêu chí nhà ở dân cư, thanh niên chủ công trong làm đường, hội nông dân thì lo phát triển kinh tế. Hàng tháng, hàng quý có kiểm điểm, đánh giá cụ thể để phát huy mặt mạnh, khắc phục hạn chế. Đến nay toàn xã đã làm được hơn 35 km đường giao thông nông thôn, nội đồng. 100% hộ dân đã được dùng điện, 50% số xóm có nhà văn hoá đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 23 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo từ 3,6% năm 2013 xuống 3% trong năm 2014”. 
 
Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hoá, phong trào phát triển kinh tế đang được các địa phương xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Mỗi địa phương có cách làm riêng dựa trên thực tế và thế mạnh của địa phương mình. Về xã Lưu Sơn - Đô Lương mùa này, nhìn cánh đồng “2 lúa” rộng hàng trăm ha, nay đã mướt mát màu xanh của cây trồng vụ đông ai cũng tấm tắc khen. Theo ông Đào Văn Tài - Chủ tịch UBND xã thì “phong trào vụ đông cũng là một mũi đột kích mà Lưu Sơn chọn để xây dựng nông thôn mới, phục vụ cho tiêu chí nâng cao thu nhập. Toàn xã hiện có hơn 100 ha sản xuất vụ đông, lãi ròng 80 triệu đồng/ha là chắc ăn”. Ông Trần Minh Bưởi ở xóm Phú Thọ có 3 sào canh tác, ông gieo trồng 4 loài cây: bầu, dưa chuột, đậu, bí xanh, canh tác theo hình thức cuốn chiếu, mỗi sào lãi ròng không dưới 4 triệu đồng/vụ. Cùng với thu nhập từ sản xuất 2 vụ lúa, 3 sào đất đem lại khoản thu nhập ổn định giúp gia đình ông trang trải mọi chi phí cho cuộc sống. 
 
Quá trình xây dựng NTM, ở nhiều địa phương, các hộ dân mạnh dạn liên kết hình thành các khu công nghiệp nhỏ và vừa để mở hướng phát triển kinh tế. Điển hình như Xí nghiệp may gia công đầu tiên ở Sơn Thành - Yên Thành, trong vòng hơn 1 năm qua đã thu nhận hàng trăm con em của địa phương vào làm việc. Còn ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) đã hình thành một khu công nghiệp nhỏ do xã quản lý, thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho con em địa phương, như: Nhà máy gạch, dây chuyền may công nghiệp và gần đây nhất là trại nuôi bò Úc. Cùng với sự năng động của người dân, bên cạnh những chính sách kích thích, nhiều huyện hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động và xem đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Riêng ở huyện Nghi Lộc, trong năm 2014 đã đào tạo, giới thiệu việc làm mới cho 14.000 lao động, trong đó có 3.500 người xuất khẩu lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên gần 40%. 
 
Sau hơn 3 năm phát động, phong trào xây dựng NTM thực sự mang lại diện mạo mới cho nông thôn Nghệ An, tác động tích cực đến ý thức trách nhiệm và hành động thiết thực của nhân dân các địa phương. Cũng là những thửa ruộng, những khoảnh đất, những con đường của làng quê, nhưng chính bà con đã tìm cách làm mới, hiệu quả cao hơn, xóm làng đẹp hơn.  Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã có 8 xã được công nhận xã đạt các tiêu chí NTM, theo đánh giá của Văn phòng điều phối ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh; với “đà” như hiện nay, đến cuối năm 2014, toàn tỉnh sẽ có 14 xã về đích. Đánh giá về phong trào xây dựng NTM ở Nghệ An, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhận xét: “Với cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình địa phương, Nghệ An đang đi đúng hướng, thu được nhiều kết quả to lớn, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Việc xây dựng mô hình các xã nông thôn mới kiểu mẫu là cách làm độc đáo, sáng tạo, tạo động lực phấn đấu cho những xã sau khi được công nhận. Đồng thời cổ vũ chính quyền và nhân dân các địa phương khác nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương, xóm làng giàu đẹp…”. 
 
 
Anh Tuấn